Moody's: Dòng vốn chảy khỏi Nga sẽ tăng mạnh

16:16' - 09/08/2017
BNEWS Theo Moody’s, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ “hủy hoại” khả năng tăng trưởng bền vững và gây ra tình trạng thiếu đầu tư "mãn tính" tại Nga.

Moody’s tin tưởng nền kinh tế Nga có thể tăng trưởng trong năm 2017, nhưng các biện pháp trừng phạt mới sẽ “hủy hoại” khả năng tăng trưởng kinh tế bền vững, cũng như gây ra tình trạng thiếu đầu tư "mãn tính".

Việc Mỹ tiếp tục cuộc điều tra về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khiến các nhà đầu tư lo ngại và khu vực tư nhân tăng cường việc rút vốn khỏi thị trường Nga. Theo số liệu của Moody’s, chỉ tính riêng trong ba tháng đầu năm 2017, nguồn vốn rút khỏi thị trường Nga đã lên tới 17,6 tỷ USD, so với số vốn rút ròng 20 tỷ USD trong cả năm 2016.

Gói các biện pháp trừng phạt mới chống Nga của Mỹ sẽ làm giảm mạnh cơ hội của Nga trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn chỉ mới được phục hồi gần nửa năm trước đây. Moody’s nhấn mạnh: “Đây là tín hiệu xấu đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước".

Năng suất tại các mỏ dầu đang giảm xuống sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của Nga vào nhập khẩu công nghệ. Moody’s nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt trước hết giáng một đòn vào những dự án đường ống dẫn khí đốt mới, trong đó có dự án “Dòng chảy phương Bắc – 2”, mở rộng hệ thống dẫn dầu Tengiz-Novorossiysk thuộc hệ thống ống dẫn xuyên quốc gia Caspian Pipeline Consortium (CPC).

Theo tờ Thương gia ngày 7/8, hiện Tổng thống Mỹ D.Trump vẫn tự do hành động trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt mới đối với các đường ống dẫn dầu khí. Vấn đề này đang gây chia rẽ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Nếu như các biện pháp trừng phạt Nga trước đây được EU nhất trí tán thành, hiện EU đang nghiêng về phía bảo vệ lợi ích của các công ty của mình đang đầu tư mở rộng các đường ống dẫn khí đốt.

Việc luật hóa các biện pháp trừng phạt có nghĩa rằng việc xem xét lại các biện pháp trừng phạt này đòi hỏi phải có sự nhất trí từ quốc hội, điều này khiến cho các biện pháp trừng phạt Nga lần này trở nên vô thời hạn, trừ phi Nga xoay hẳn lập trường đối với Ukraine.

Tuy nhiên, Moody’s, cũng như tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s hiện chưa đặt vấn đề xem xét lại chỉ số tín nhiệm của Nga sau khi bị áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt, và không thay đổi dự báo triển vọng tăng trưởng GDP trong năm 2017.

Tuy nhiên, sự cẩn trọng của các nhà đầu tư có thể tác động tiêu cực tới tính bền vững của nền kinh tế, khiến tình trạng thiếu hụt đầu tư thêm trầm trọng, một trong những "căn bệnh" nguy hiểm nhìn theo quan điểm của nợ công.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục