Một khoảng lặng trước "cơn bão lớn" của chuỗi cung ứng toàn cầu?

06:30' - 01/04/2022
BNEWS Trong khi khó khăn cũ chưa được giải quyết, những khó khăn mới đã xuất hiện. Người ta thậm chí đã lo ngại rằng dịch vụ logistics toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề sẽ làm hỏng Lễ Giáng sinh 2022.
 
Sự xuất hiện bất ngờ của đại dịch COVID-19 trong hai năm qua đã khiến các tuyến đường thương mại giữa Mỹ và châu Á gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, giờ đây, khi đại dịch đã phần nào lắng xuống, sự lo lắng lại tiếp tục xuất hiện ở Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga và các nhà cung cấp trên khắp Đông Âu.

Kỳ vọng kinh doanh tại nền kinh tế lớn nhất Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 3/2022 đã ghi nhận mức giảm kỷ lục trong một tháng. Các nhà máy trên khắp châu Âu đối mặt với tình trạng thiếu dầu diesel và phụ tùng, trong khi việc trì hoãn vận chuyển hàng hóa qua các cửa ngõ quan trọng ở Biển Bắc như Bremerhaven cũng đang kéo dài.

Vincent Stamer, chuyên gia kinh tế thương mại thuộc Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức, nhận định: "Chúng tôi từng nghĩ rằng câu chuyện về Nga chỉ là một câu chuyện về tài nguyên sẽ đẩy giá năng lượng lên, rằng chuỗi cung ứng sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Chúng tôi không cho rằng câu chuyện ấy sẽ gây ra sự gián đoạn". Tuy nhiên, mọi thứ dường như phức tạp hơn so với dự đoán ban đầu.

Bên cạnh những căng thẳng liên quan đến quan hệ Nga-Ukraine, việc Trung Quốc siết chặt các biện pháp "bế quan toả cảng" tại các thành phố thương mại lớn, mới nhất là ở Thượng Hải, để ngăn chặn sự bùng phát của biến thể Omicron, cũng đặt ra những thách thức nhất định đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

A.P. Moller-Maersk A/S, hãng vận tải container lớn thứ hai thế giới, cho biết hôm 28/3 rằng một số kho bãi phục vụ các cảng địa phương ở Trung Quốc đã đóng cửa vô thời hạn và việc vận chuyển hàng hóa đến và đi từ những nơi này sẽ "bị ảnh hưởng nghiêm trọng".

* Một bức tranh vốn đã phức tạp nay càng phức tạp hơn

Chuyên gia Stamer cho biết xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm từ mức đỉnh của tháng 10/2021 - một xu hướng có thể tiếp tục trong vài tháng tới nếu nước này duy trì quan điểm cứng rắn trong việc chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Điều đó sẽ làm trầm trọng thêm sự chậm trễ trong khâu vận chuyển, việc tìm kiếm nguồn cung ứng và làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp từ Mỹ đến châu Âu.
 
Theo một chỉ số về hạn chế nguồn cung do Bloomberg Economics phát triển, áp lực ở Mỹ và châu Âu đã gia tăng trong tháng 2/2022 sau vài tháng được cải thiện.
 
Chuyên gia Stamer nêu ví dụ về dây điện được sản xuất tại Ukraine cho các nhà sản xuất ô tô Đức. Ông nói rằng "những dây cáp này được sản xuất riêng cho từng ô tô", và việc tìm kiếm nguồn cung rẻ hơn từ các quốc gia khác là không hề dễ dàng.

Một nguyên liệu đầu vào hiếm hoi khác cũng đột nhiên trở nên khan hiếm hơn nhiều là khí neon được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn. Chuyên gia Stamer cho biết Ukraine sản xuất 50% lượng khí neon tinh khiết trên thế giới.

Đó là còn chưa kể đến Nga, quốc gia có sự hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế toàn cầu trong hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thô.

Hơn 2.100 công ty ở Mỹ và 1.200 công ty ở châu Âu có ít nhất một nhà cung cấp trực tiếp ở Nga và nếu tính cả các nhà cung cấp gián tiếp, con số này lên đến 300.000 công ty, theo Interos, một công ty quản lý rủi ro chuỗi cung ứng có trụ sở tại Arlington, Virginia.
 
Giám đốc điều hành Jennifer Bisceglie của Interos nhận định: "Có nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào cùng một nguồn cung nguyên liệu thô và tỷ lệ lớn trong số đó đến từ Nga". Chuyên gia này nói: "Bạn đang thấy một hiệu ứng phân tầng lớn đối với một hệ thống vốn đã khập khiễng của chuỗi cung ứng toàn cầu".
 
Và trong khi khó khăn cũ chưa được giải quyết, những khó khăn mới đã xuất hiện. Người ta thậm chí đã lo ngại rằng dịch vụ logistics toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề sẽ làm hỏng Lễ Giáng sinh 2022 của các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.
 
Giờ đây, nỗi lo sợ về tình trạng thiếu lương thực cũng tăng lên. Chi phí sinh hoạt đang tăng lên ở khắp nơi. Giá năng lượng tăng vọt đang tạo ra các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố từ Albania đến Vương quốc Anh.
 

Các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng những rủi ro địa chính trị mới đang buộc các công ty phải củng cố hoạt động của mình để chống lại sự gián đoạn toàn cầu thông qua việc đa dạng hóa và dự trữ quá nhiều hàng tồn kho.

Nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Citigroup Nathan Sheets cho biết trong một báo cáo nghiên cứu hôm 25/3, trong đó giải thích lý do tại sao "cú sốc bất lợi lớn về nguồn cung" do hậu quả của xung đột Nga-Ukraine lại khiến ngân hàng này cắt giảm triển vọng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong năm nay và nâng dự báo lạm phát, rằng: "Vào lúc này, những đám mây đen ở đường chân trời ngoài kia trông khá nguy hiểm".
 
Theo ông, một bức tranh vốn đã phức tạp nay càng phức tạp hơn.
 
Hoạt động thương mại đã và đang bị gián đoạn nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt đối với Nga và các tuyến đường vận tải bị phong tỏa. Theo FourKites Inc., một nền tảng theo dõi hoạt động chuỗi cung ứng, nhập khẩu của Nga trên tất cả các phương thức vận tải hàng hóa đã giảm 62% so với tháng đầu tiên khi căng thẳng Nga-Ukraine mới bùng phát, trong khi các lô hàng vào Ukraine giảm đến 97%.
 
Mặc dù Nga chiếm 5% thương mại đường biển thế giới và Ukraine chỉ chiếm 1%, nhưng nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu đã xuất hiện ngày càng rõ rệt.
 
Các chuyên gia kinh tế tại Barclays hôm 28/3 cho biết thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, với sự biến động cao hơn của tăng trưởng và lạm phát.
 
Tập đoàn nghiên cứu Allianz Research (Đức) tuần trước đã cảnh báo về hai "cơn gió ngược" liên tiếp trong thương mại thế giới, với khối lượng thấp hơn và môi trường giá cao hơn - vào năm 2022.
 
Clarksons Research, một công ty phân tích về hoạt động vận chuyển ở London (Vương quốc Anh), tuần trước đã cắt giảm dự báo về thương mại toàn cầu trong năm nay và năm 2023, đồng thời cho biết chỉ số tắc nghẽn cảng của họ đã tăng trở lại và những cú sốc mới nhất đang "khuếch đại hệ thống giao thông hàng hải vốn đã bị gián đoạn".
 
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các cảng Hamburg và Bremerhaven của Đức đã chứng kiến mức ùn tắc tàu cao kỷ lục trong tháng này. Trong khi Rotterdam, cửa ngõ đón nhận các tàu container bận rộn nhất của "Lục địa Già", đã chứng kiến lượng tàu xếp hàng để vào cảng đạt mức cao nhất trong 11 tháng.
 
Những diễn biến bất lợi này khiến bất kỳ mong muốn đưa cuộc sống trở lại bình thường nào cũng trở nên ngoài tầm với.

Vận tải biển, vốn xử lý đến khoảng 80% thương mại toàn cầu, đã bị kéo giãn đến mức cước để gửi một container hàng hóa dài 40 feet từ châu Á đến Mỹ đã đạt ngưỡng trung bình hơn 10.000 USD/container trong nửa cuối năm ngoái – cao gấp khoảng 7 lần mức trước đại dịch.

Mức cước này dù đã giảm trong những tuần gần đây, song các chuyên gia cho rằng đây chỉ là sự tạm lắng theo mùa trước khi nhu cầu vận tải và chi phí tăng trở lại.
 
* Bình yên trước giông bão?

 
Mark Manduca, Giám đốc đầu tư của GXO Logistics (Mỹ), nói với Bloomberg Television hôm 25/3 rằng: "Mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn vào nửa cuối năm nay và khi bước vào mùa cao điểm. Ban đầu, bạn sẽ không cảm thấy khó khăn trong vài tuần đầu tiên sự thiếu hụt chuỗi cung ứng xảy ra bởi bạn còn có hàng tồn kho".
 
Các nhà kinh tế Ana Boata và Françoise Huang tại Euler Hermes, một đơn vị của Tập đoàn Allianz Group, cho rằng một rủi ro thậm chí còn lớn hơn những rủi ro từ xung đột Nga-Ukraine là các quyết định đóng cửa có mục tiêu ở Trung Quốc để ngăn chặn đại dịch. Họ nhận thấy rủi ro giá cước vận tải container tiếp cận hoặc thậm chí tăng vượt mức đỉnh trước đó, trước khi quay trở lại mức hiện tại vào cuối năm.
 
"Nhìn chung, ngay cả khi không trở lại mức đỉnh điểm của năm 2021, chi phí và mức độ tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu có thể vẫn ở mức cao trong hầu hết năm 2022", hai nhà kinh tế Boata và Huang viết trong một email. Theo họ, "quá trình bình thường hóa chỉ có thể bắt đầu rõ ràng hơn từ năm 2023."

Việc cố gắng dự đoán xem hai năm hạn chế nguồn cung đã ảnh hưởng đến giá tiêu dùng như thế nào là thách thức đối với các ngân hàng trung ương. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng Ba rằng sự cô lập của Nga với nền kinh tế thế giới "đồng nghĩa với việc chuỗi cung ứng rối ren hơn, và điều này đang tước đi những sự cải thiện Fed đang mong đợi".
 
Một phần của sự cải thiện mà Fed nhắc đến được phản ánh trong Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu của Fed ở chi nhánh New York. Chỉ số này gần đây nhất đã cho thấy một sự giảm nhẹ áp lực so với giai đoạn căng thẳng cao điểm cuối năm ngoái. Mặc dù còn quá sớm để Fed có thể định lượng bất kỳ tác động nào của xung đột Nga-Ukraine, song đã có những dấu hiệu cho thấy sự cải thiện gần đây của chỉ số này đã diễn biến chậm lại.
 
"Áp lực đã giảm, nhưng mức độ vẫn còn rất cao. Đó là một sự cải thiện nhưng không có nghĩa là các vấn đề đã được giải quyết", nhà kinh tế Gianluca Benigno của Fed tại New York nhận định trong bản cập nhật mới nhất vào đầu tháng Ba./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục