Một tuần biến động mạnh trên thị trường dầu mỏ

12:42' - 12/04/2025
BNEWS Giá dầu thế giới biến động mạnh trong tuần qua, khi các yếu tố địa chính trị và thương mại liên tiếp tác động đến tâm lý thị trường, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung và nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 11/4, giá dầu đảo chiều tăng sau khi đi xuống ở phiên trước đó. Thị trường bị tác động khi Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright cho biết Mỹ có thể chấm dứt hoạt động xuất khẩu dầu của Iran.

Cụ thể, khép phiên ngày 11/4, giá dầu Brent Biển Bắc đóng cửa ở mức 64,76 USD/thùng, tăng 1,43 USD (tương đương 2,26%), trong khi dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ cũng tăng 1,43 USD (2,38%) lên mức 61,50 USD/thùng.

Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright tuyên bố Washington có thể chấm dứt xuất khẩu dầu của Iran như một phần trong chiến lược gây sức ép với chương trình hạt nhân của nước này. Giới phân tích cảnh báo nếu các biện pháp trừng phạt được áp dụng nghiêm ngặt, nguồn cung toàn cầu sẽ bị thu hẹp đáng kể.
 
Ông Andrew Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates nhận định: "Việc thực thi nghiêm ngặt các hạn chế đối với xuất khẩu dầu thô của Iran chắc chắn sẽ làm giảm nguồn cung toàn cầu".

Bình luận của Bộ trưởng Wright xuất hiện trong bối cảnh thị trường dầu mỏ vừa trải qua một tuần đầy biến động với những cú sốc từ chính sách thương mại mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Những diễn biến này buộc các nhà giao dịch phải đánh giá lại toàn bộ bức tranh rủi ro địa chính trị đang bao trùm thị trường dầu thô.

Giá dầu liên tiếp giảm trong hai phiên giao dịch đầu tuần này (7-8/4), chạm mức thấp nhất gần 4 năm, do lo ngại các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đẩy kinh tế trên thế giới vào suy thoái và làm giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Bất ngờ xảy ra trong ngày 9/4 khi Tổng thống Trump thông báo tạm dừng áp thuế với hơn 75 quốc gia trong 90 ngày, ngoại trừ Trung Quốc. Thông tin này giúp giá dầu đảo chiều, tăng hơn 4%.

Đến ngày 10/4, giá dầu quay đầu giảm mạnh hơn 3%, gần như xóa sạch mức tăng của phiên trước. Giới đầu tư đang đánh giá lại các đòn tấn công - trả đũa về thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Dữ liệu từ công ty theo dõi tàu Kpler cho thấy lượng dầu thô xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm xuống còn 112.000 thùng/ngày trong tháng 3/2025, gần như chỉ bằng một nửa so với mức 190.000 thùng/ngày của năm ngoái.

Trong khi đó, dữ liệu của chính phủ công bố mới đây cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 2,6 triệu thùng vào tuần trước, gần gấp đôi mức tăng 1,4 triệu thùng mà các nhà phân tích dự đoán trong một cuộc thăm dò của Reuters. Các nhà phân tích của Macquarie dự đoán lượng dầu dự trữ sẽ tiếp tục tăng trong tuần này.

Trong khi đó, OPEC+ quyết định tăng sản lượng lên thêm 411.000 thùng/ngày từ tháng 5/2025, cao hơn kế hoạch ban đầu. Việc Saudi Arabia bất ngờ hạ giá bán dầu cho khách hàng châu Á cũng phản ánh lo ngại về nhu cầu yếu đi trong thời gian tới.

Goldman Sachs, JPMorgan, Citi và Morgan Stanley đều lần lượt hạ dự báo giá dầu và cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế. Theo JP Morgan, mục tiêu của chính quyền Mỹ có thể là đưa giá dầu về mức 50 USD/thùng hoặc thấp hơn, nhằm kiềm chế lạm phát và tạo lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại.

Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ dự báo mức tiêu thụ dầu có thể giảm tới 1% nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm xuống dưới ngưỡng 3%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục