Mỹ cạnh tranh với Nga và Trung Quốc tại Hy Lạp

05:30' - 18/09/2018
BNEWS Mỹ tham gia hội chợ quốc tế Helexpo tại Hy Lạp với tư cách khách mời danh dự do Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross dẫn đầu, với gần 55 gian hàng khổng lồ đại diện của 60 doanh nghiệp lớn của nước này.
Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias (thứ 2, trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (phải) tại cuộc họp ở Bắc Kinh ngày 27/8. Ảnh: TTXVN phát

Mỹ gần đây đã điều động một lực lực lượng nhân viên anh ninh và tình báo hùng hậu của mình sang Hy Lạp để phối hợp với lực lượng vũ trang nước chủ nhà bảo vệ cho một hội chợ thương mại quốc tế lớn mang tên Helexpo đang diễn ra ở thành phố Thessaloniki, nằm ở phía Bắc nước này.

Đây được xem là động thái mới của Mỹ nhằm cạnh tranh với Nga và Trung Quốc tại Hy Lạp trong bối cảnh nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nước. Hội chợ quốc tế Helexpo khai mạc từ ngày 7/9 tại thành phố Thessaloniki là một sự kiện lớn có ý nghĩa cả về thương mại và chính trị đối với Hy Lạp. 

Phát biểu với các doanh nghiệp tham gia hội chợ, Chủ tịch Phòng thương mại Hy Lạp-Mỹ, ông Simos Anastasopoulos nhận định rằng Thessaloniki có thể trở thành trung tâm thương mại trong khu vực và Mỹ nhận thấy thành phố này là một “ngã tư” của người Balkan.

Theo ông Anastasopoulos, Thessaloniki là thị trường của khoảng 100 triệu cư dân trong toàn khu vực chứ không đơn thuần chỉ 10 triệu người dân Hy Lạp. Ngoài việc quan tâm đến các lĩnh vực năng lượng và du lịch, hiện có những công ty Mỹ công khai quan tâm đến việc mua lại cảng Alexandroupolis của Hy Lạp. 

Giới chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng sự quan tâm đặc biệt này đối với khu vực và nhất là đối với Thessaloniki là có chủ ý.

Rõ ràng Mỹ muốn bắt kịp với các khoản đầu tư ở miền Bắc Hy Lạp, nơi mà sự hiện diện của Nga đang gia tăng trong tất cả các lĩnh vực. Điển hình như vụ thâu tóm khách sạn Makedonia nổi tiếng nhìn ra bến cảng Thessaloniki và một công ty nước giải khát lớn nhất thành phố của ông chủ doanh nghiệp Hy Lạp-Nga Ivan Savvidis.

Doanh nhân Savvidis còn tham gia đóng góp cổ phần với tập đoàn Terminal Link của Pháp mua lại cảng Thessaloniki của Hy Lạp. Một công ty khác của Nga cũng đã tham gia vào cuộc chiến mua lại cảng Alexandroupolis, cảng lớn thứ ba của Hy Lạp ở phía Đông - Bắc của đất nước.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư khác của Nga cũng đã mua kho chứa dầu lớn nhất ở vùng Balkan và đang nhắm đến các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở như xa lộ Egnatia.

Ngoài cạnh tranh với Nga, sự hiện diện rầm rộ của Mỹ lần này tại Hy Lạp cũng là để giành lại ảnh hưởng với Trung Quốc. Trong tham vọng của mình, Trung Quốc coi Hy Lạp là một phần của dự án Vành đai và Con đường (BRI) và Bắc Kinh muốn kiểm soát hoạt động thương mại trong khu vực, được kết nối từ cảng Piraeus - hiện do “người khổng lồ” vận tải biển COSCO Shipping của Trung Quốc kiểm soát - đến các nước khu vực Balkan, bằng đường sắt và đường bộ.

Theo thỏa thuận mua lại cổ phần công ty OLP - nhà điều hành cảng Piraeus của Hy Lạp với trị giá 368,5 triệu euro (409 triệu USD), được Quốc hội Hy Lạp chấp thuận vào tháng 7/2016, COSCO có quyền quản lý và điều hành hoạt động của một trong những cảng nhộn nhịp nhất châu Âu. Thỏa thuận này giao cho COSCO quyền quản lý và điều hành cảng Piraeus đến năm 2052. COSCO là công ty duy nhất bỏ thầu cho việc mua cổ phần OLP.

Trong diễn biến mới đây, cuối tháng trước, Athens và Bắc Kinh đã ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ sáng kiến BRI. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã nhất trí đàm phán thêm nhằm hoàn tất kế hoạch hành động về hợp tác kinh tế giữa hai nước trong 5 năm tới.

Các lĩnh vực hợp tác mà hai ngoại trưởng đã thảo luận bao gồm việc kết nối cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thương mại, hợp tác tài chính giữa Hy Lạp và Trung Quốc, tăng cường giao lưu hợp tác giữa người dân hai nước trong các lĩnh vực du lịch, khoa học và công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao, thanh niên cũng như giữa các chính quyền địa phương. 

Theo tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Hy Lạp, ông Kotzias cho biết “mục tiêu chính của Hy Lạp là làm sâu sắc sự hợp tác về chính trị” với Trung Quốc. Về phần mình, Ngoại trưởng Vương Nghị coi Hy Lạp là “một đối tác tự nhiên của Trung Quốc”, xét vị trí địa lý, lợi thế cạnh tranh của Hy Lạp cũng như mối quan hệ hữu nghị lâu dài và sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục