Mỹ: Chi tiêu tiêu dùng tiếp tục đi lên dù lạm phát phi mã

16:58' - 30/10/2021
BNEWS Chi tiêu của người tiêu dùng - chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ - đã tăng 0,6% trong tháng Chín sau khi tăng 1,0% trong tháng Tám.

Chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 9/2021, nhưng bị hạn chế một phần bởi giá cả leo thang giữa lúc lạm phát vẫn tiếp tục “nóng” do tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu chưa kết thúc.

Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 29/10 cho biết chi tiêu của người tiêu dùng - chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ - đã tăng 0,6% trong tháng Chín sau khi tăng 1,0% trong tháng Tám. Con số trên cao hơn một chút so với dự báo tăng 0,5% do giới phân tích đưa ra.

Yếu tố chính thúc đẩy chi tiêu trong tháng trước là nhu cầu đối với các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, ăn uống, cũng như chỗ ở khách sạn và nhà nghỉ trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới ở nước này ngày càng giảm.

Chi tiêu cho dịch vụ tăng 0,6% vào tháng trước sau khi tăng 0,7% trong tháng Tám. Điều đó bù đắp cho sự sụt giảm 0,2% trong chi tiêu đối với hàng hóa lâu bền, chủ yếu do doanh số bán xe gắn máy mới sụt giảm.

Tuy nhiên, áp lực về giá vẫn còn mạnh trong tháng Chín và làm giảm sức mua của người tiêu dùng.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - không bao gồm năng lượng và thực phẩm dễ biến động chỉ tăng 0,2% vào tháng trước. Đó là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 2/2021 và theo sau mức tăng 0,3% của tháng Tám.

Nhưng so với cùng kỳ năm 2020, PCE đã tăng 3,6% trong tháng thứ tư liên tiếp. Chỉ số giá này là thước đo ưa thích của Fed để thực hiện mục tiêu lạm phát 2% linh hoạt của mình.

Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu tiêu dùng tăng 0,3% trong tháng Chín sau khi tăng 0,6% trong tháng Tám. Tính cả năm, chi tiêu tiêu dùng tháng Chín chỉ tăng 1,6% so với mức tăng hai chữ số trong hai quý trước đó.

Điều này đã hạn chế tăng trưởng kinh tế ở mức 2%, mức thấp nhất kể từ quý II/2020 khi nền kinh tế suy giảm lịch sử do các biện pháp hạn chế để phòng dịch bệnh COVID-19 khi bắt đầu làn sóng lây nhiễm thứ nhất.

Áp lực lạm phát càng được nhấn mạnh bởi một báo cáo riêng từ Bộ Lao động Mỹ công bố cùng ngày 29/10 cho thấy Chỉ số Chi phí Việc làm, thước đo bao trùm nhất về chi phí lao động tại Mỹ, đã tăng 1,3% trong quý III/2021 so với giai đoạn ba tháng trước đó.

Đây là mức tăng lớn nhất kể từ quý I/2001, khi Chính phủ Mỹ bắt đầu theo dõi loại số liệu này. Mức tăng mạnh mẽ phản ánh sự gia tăng về chi phí lao động trên toàn bộ các ngành công nghiệp và theo sau mức tăng 0,7% trong giai đoạn từ tháng 4 – 6/2021.

Còn so với cùng kỳ năm trước, chi phí lao động tại Mỹ đã tăng 3,7% - cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý IV/2004 và vượt khá xa mức tăng 2,9% trong quý II.

Tiền lương và tiền công tại Mỹ cũng tăng kỷ lục 1,5% trong quý trước sau khi tăng 0,9% trong quý kết thúc vào tháng Sáu. Các khoản này cũng tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Sarah House, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng Wells Fargo nhận định tăng trưởng tiền lương sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022, khi nhiều người lao động quay trở lại thị trường việc làm hơn. Tuy nhiên, áp lực ngắn hạn về chi phí lao động sẽ khiến lạm phát tăng cao trong vài quý tới và khó có thể sớm về lại mức mục tiêu 2% do Fed đề ra.

Còn ông Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn tài chính FWDBONDS ở New York cho biết kinh tế Mỹ đang có vấn đề về nguồn cung chứ không phải vấn đề về nhu cầu. Theo ông, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có nhiều tiền để chi tiêu trong khi thiếu hụt hàng hóa. Và đó là lý do tại sao lạm phát sẽ khó được kiểm soát sớm tại nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục