Mỹ có nên gia tăng trừng phạt Triều Tiên?

06:30' - 27/11/2017
BNEWS Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/11 đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố, các lệnh trừng phạt mới nhằm vào chế độ Bình Nhưỡng dự kiến sẽ có hiệu lực trong hai tuần tới.
Mỹ có nên gia tăng trừng phạt Triều Tiên về vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng? Ảnh: KCNA/TTXVN

Tờ Thời báo Hoàn cầu mới đây đăng bài viết với tựa đề “Mỹ không khôn ngoan khi tiếp tục liệt Triều Tiên vào danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố”, nội dung như sau:

Tờ New York Times (Mỹ) đưa tin Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson đều viện dẫn vụ ám sát Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên, làm bằng chứng chứng minh rằng Bình Nhưỡng bảo trợ chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Rõ ràng, Washington đã tìm ra cái cớ để gia tăng áp đặt trừng phạt lên chế độ Bình Nhưỡng, vốn từ chối từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Trong năm 2008, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã đưa Triều Tiên khỏi danh sách "các quốc gia bảo trợ khủng bố" để thúc đẩy các cuộc đàm phán sáu bên. Tới nay, đi ngược lại mục tiêu trên, Tổng thống Trump lại đang đẩy Triều Tiên ra xa hơn.

Trong giai đoạn hiện nay, động thái trên của chính quyền Trump là không khôn ngoan. Áp lực mới đối với Bình Nhưỡng sẽ không khiến quốc gia Đông Bắc Á này thay đổi lập trường về vấn đề hạt nhân, mà sẽ chỉ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn Thời báo Hoàn cầu, Lã Siêu (Lü Chao), nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, cho rằng đây là hành động mang tính tượng trưng nhiều hơn và có khả năng sẽ gây tác dụng ngược.

Theo ông, Washington đã quá hấp tấp khi cố hủy hoại hình ảnh của Bình Nhưỡng với động thái đưa Triều Tiên trở lại danh sách bảo trợ khủng bố, đặc biệt sau hơn 2 tháng không có thông tin nào về việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân hay tên lửa.

Còn Giáo sư Lý Hải Đông (Li Haidong), thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nhận định rằng Mỹ đang đi ngược lộ trình mà cả cộng động quốc tế đang vận hành khi áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương bên ngoài nghị quyết Liên hợp quốc (LHQ) đối với vấn đề này.

Các lệnh trừng phạt quốc tế, do LHQ thông qua, hiện đã gây ra áp lực mạnh mẽ với Triều Tiên. Nếu Bình Nhưỡng tiến hành các hoạt động hạt nhân và tên lửa mới, LHQ sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt và các đòn trừng phạt đơn phương của Mỹ cũng có thể được áp đặt.

Trong hai tháng qua, Bình Nhưỡng đã không tiến hành thêm hoạt động hạt nhân và tên lửa nào, đây là điều rất đáng khích lệ. Bất chấp tình trạng lắng dịu này, Mỹ bằng cách nào đó vẫn thấy rằng cần phải áp đặt các biện pháp khắc nghiệt hơn đối với Triều Tiên. Đây rõ ràng là tín hiệu sai lầm gửi đến lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Hiện nay, Washington theo dõi mọi động thái của Bình Nhưỡng với sự cảnh giác cao độ, đồng thời cho rằng việc trừng phạt và đe dọa Triều Tiên là điều cần phải thực hiện.

Trong khi đó, khi suy xét về cách Bình Nhưỡng tiếp tục đối đầu với Washington và cách Mỹ đối phó với Trung Quốc, có thể nhận thấy rằng Triều Tiên đã đánh giá quá cao vị trí chiến lược của nước này. Một vòng đối đầu mới giữa Mỹ và Triều Tiên dường như sắp xảy ra.

Việc Mỹ và Triều Tiên thường thể hiện lập trường cứng rắn và “đấu khẩu” hiện đã trở thành thói quen. Tuy nhiên, mặc dù cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều không muốn chiến tranh, song cả hai lại đang chơi trò “dê đen dê trắng qua cầu”. Thật không may, trò chơi này nhiều khả năng sẽ phát triển thành một cuộc xung đột nghiêm trọng mà tất cả các bên không thể chịu nổi.

Hiện Mỹ là siêu cường và chính sách đối ngoại của nước này có thể linh hoạt và mềm dẻo. Tuy nhiên, về cơ bản, Washington khó thay đổi chính sách đối với Triều Tiên.

Trong khi đó, sự mềm dẻo chính trị của Triều Tiên lại không nhiều và nước này thiếu sức mạnh để hỗ trợ sự linh hoạt như vậy. Vì vậy, việc cho rằng Bình Nhưỡng sẽ thay đổi lập trường về vấn đề hạt nhân sau khi Mỹ lại đưa Triều Tiên vào danh sách “các quốc gia bảo trợ khủng bố” sẽ chỉ là lối tư duy cổ tích.

Một màn “ăn miếng trả miếng” nữa dường như sẽ được trình diễn trên bán đảo Triều Tiên, và Bình Nhưỡng sẽ phải chịu nhiều tổn thất nhiều nhất. Môi trường chính trị ngày càng tồi tệ ở Triều Tiên đang khiến tất cả các bên đều căng thẳng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục