Mỹ đối mặt vấn đề lớn về chất lượng kết nối internet

11:51' - 30/04/2020
BNEWS Theo Ủy ban Thông tin liên bang (FCC), hơn 18 triệu người Mỹ, khoảng 5,6% dân số nước này, không được tiếp cận với mạng internet tốc độ cao.

Kể từ ngày chính quyền địa phương áp dụng lệnh phong tỏa, bà Stephanie Anstey phải lái xe 20 phút từ nhà ở Grottoes, bang Virginia, đến một khu đỗ xe gần như vắng vẻ của trường mình và làm việc trên máy tính... từ trong xe.

Anstey, một giáo viên lịch sử ở trường trung học, sống tại một thung lũng giữa hai ngọn núi, nơi mạng internet tại nhà chỉ có thể kết nối qua vệ tinh.

Hòm thư điện tử của bà thường mất 30 giây để thực hiện lệnh, dù đó chỉ đơn giản là lệnh đóng một bức thư đang mở.

Bà thậm chí không thể mở file trên Google Drive, đó chỉ là các bài tập đã được tải lên, hoặc đăng nhập vào ứng dụng họp trực tuyến Zoom để làm việc với đồng nghiệp.

Vì vậy, "văn phòng" mới của bà là ở trong xe ô tô tại một góc bãi đỗ xe, nơi mạng không dây wifi mạnh nhất.

Bà phải đến đây mỗi khi cần tải video bài giảng, trả lời thư của học sinh và phụ huynh, hoặc tham gia một cuộc họp trực tuyến.

Bà thừa nhận đây không phải là giải pháp lý tưởng nhưng nếu làm việc trực tuyến ở nhà thì thậm chí còn tồi tệ hơn.

Tình thế khó khăn của bà Anstey đã cho thấy rõ một vấn đề đã tồn tại từ lâu nay lại càng khắc nghiệt hơn do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo Ủy ban Thông tin liên bang (FCC), hơn 18 triệu người Mỹ, khoảng 5,6% dân số nước này, không được tiếp cận với mạng internet tốc độ cao.

Tình trạng kết nối mạng kém xảy ra tại các thị trấn và thành phố nhỏ, đặc biệt tại các khu vực đô thị có thu nhập thấp.

Những người sống tại nông thôn, các vùng bộ lạc phải sử dụng mạng với tốc độ thấp hơn, có ít nhà cung cấp dịch vụ internet hơn, diện tích phủ sóng của mạng hạn chế, buộc những người như Anstey phải đến các quán cafe, thư viện và bãi đỗ xe để có thể sử dụng kết nối mạng có chất lượng tốt hơn.

Giờ đây, khi dịch bệnh buộc hầu hết người Mỹ phải làm việc, học tập và thậm chí chăm sóc sức khỏe từ xa, giới chuyên gia cho biết vấn đề chất lượng kết nối mạng chênh lệch giữa các khu vực đã trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.

Một ví dụ khác, bà Addie Maiden, một giáo viên ở Dahlonega, bang Georgia, kết nối internet DSL qua dịch vụ của một công ty viễn thông lớn, nhà cung cấp mạng duy nhất tại nơi bà sống.

Trong khi internet tại nhà luôn "chậm như rùa", bà và 3 cậu con trai (15, 13 và 5 tuổi) phải dùng chung dây mạng vốn đã rất hạn chế vì tất cả đều phải học và làm việc tại nhà trong mùa dịch.

Gần đây, nhà mạng đã đề xuất một dịch vụ kết nối nhanh hơn tại Dahlonega, nhưng gia đình không đủ ngân sách để chi trả.

Nói cách khác, họ không có lựa chọn nào ngoài việc tiếp tục "chung sống" với DSL, tức là kết nối internet bằng đường dây điện thoại, vốn có rất nhiều vấn đề.

Giám đốc Sáng kiến Kết nối mạng băng thông rộng thuộc Viện Tự lực địa phương, ông Christopher Mitchell cho biết: "Chúng ta là đất nước tạo ra mạng internet.

Nhưng... hàng triệu người đang phải lái xe đến một thư viện kín hoặc một nhà hàng hải sản chỉ để... làm việc hoặc làm bài tập về nhà".

Mỹ cũng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan như bao nước khác. Theo ông Mitchell, việc xây dựng các mạng băng thông rộng, vốn đòi hỏi lắp đặt dây cáp quang dưới lòng đất, rất đắt đỏ đối với nhiều địa phương.

Trong khi đó, việc ngày càng có ít người sống tại nông thôn đồng nghĩa với việc ngày càng ít khách hàng tiềm năng cho dịch vụ internet.

Vì có ít động lực để nâng cấp hạ tầng và tăng tính cạnh tranh, các nhà cung cấp mạng chỉ dành cho khách hàng ở nông thôn một số ít những giải pháp mạng lạc hậu.

Bên cạnh đó, hạ tầng internet tại vùng nông thôn không được bảo trì tốt, khiến cho chất lượng kết nối đã kém lại càng kém hơn.

Việc thiếu cạnh tranh ở nhiều khu vực nông thôn cũng gây ra một vấn đề khác, khi các công ty có thể tính phí cao hơn trong khi cung cấp dịch vụ ít hơn. Khách hàng là người duy nhất phải chịu thiệt thòi!

Nanne Kennedy, một nông dân ở Washington, bang Maine, cho biết bà kiếm sống hầu hết nhờ thu nhập qua việc bán nông sản tại các khu chợ và hội chợ.

Trong thời dịch, người nông dân được khuyến khích chuyển sang bán hàng qua mạng. Kennedy cũng là Phó giám đốc Công ty Nông nghiệp Bền vững Maine.

Khi dịch bùng phát ảnh hưởng tới việc phân phối sản phẩm trên toàn bang, bà đã phải tham gia hội nghị trực tuyến qua ứng dụng Zoom với các lãnh đạo công ty và các nông dân khác.

Tất cả cách nỗ lực kết nối trên đều đòi hỏi thứ công nghệ mà đường dây mạng hiện nay của nhà bà khó có thể đáp ứng.

Bà cho biết nhà mạng đã gợi ý bà nâng cấp để kết nối hệ thống băng thông rộng, nhưng bà cho biết đã phải trả tới 126 USD/tháng cho dịch vụ internet và cảm thấy chỉ được nhận lại dịch vụ kém hơn bạn bè mình ở nhiều nơi khác trong bang.

Đối với gia đình nhà Debbie Hill, sống tại Grottoes, Virginia, cả nhà gồm hai vợ chồng và 2 người con 17 và 11 tuổi đều trông chờ vào mạng wifi phát từ chiếc điện thoại thông minh của bà Debbie để học và làm việc từ xa trong thời dịch.

Họ chỉ có thể truy cập data tốc độ cao trong 4 hoặc 5 ngày trong tháng, còn lại là "tốc độ rùa", và chờ tới tháng tiếp theo.

Hơn 700 nhà cung cấp mạng băng thông rộng và điện thoại đã cam kết duy trì kết nối cho các khách hàng bị ảnh hưởng của dịch.

Các công ty đang nỗ lực tăng tốc độ truyền, nâng giới hạn data và cung cấp dịch vụ miễn phí trong một thời gian. Tuy nhiên, gia đình nhà Hill vẫn khá "bí bách" khi cả hai người con đều phải học và làm bài tập online.

Nhiều năm qua, không ít các lãnh đạo cấp liên bang, cấp bang và các địa phương đã lên tiếng kêu gọi mở rộng khả năng truy cập băng thông rộng.

Hai cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama đều thúc đẩy mở rộng mạng internet tốc độ cao trên toàn quốc, song không thành công. Dịch COVID-19 càng làm gia tăng những lời kêu gọi như vậy.

Gói kích thích chống dịch bệnh mà Quốc hội Mỹ thông qua tháng trước đã bao gồm hàng trăm triệu USD để mở rộng dịch vụ chăm sóc y tế từ xa, cải thiện các mạng lưới thư viện và cung cấp các khoản trợ cấp và cho vay để mở rộng việc tiếp cận với băng thông rộng tại một số khu vực nông thôn.

Tổng thống Donald Trump gần đây cũng bình luận trên mạng Twitter rằng đầu tư cho băng thông rộng sẽ là một chủ đề trong các cuộc thảo luận về cứu trợ sắp tới, song chưa rõ liệu các cuộc thảo luận mà ông nói có diễn ra hay không và khi nào.

Trong khi đó, công ty nghiên cứu mạng internet Strange of Ookla cho biết ngay cả với quỹ khẩn cấp liên bang dành cho các vấn đề kết nối, nhiều người Mỹ vốn đang gặp vấn đề về dịch vụ internet vẫn chưa chứng kiến một sự cải thiện nào ngay lập tức.

Theo Strange of Ookla, gốc rễ vấn đề rất sâu, và giải quyết chúng đòi hỏi nỗ lực từ các chính quyền bang, các tổ chức phi lợi nhuận và các thành phố.

Công ty cho biết: "Khả năng mà cơ quan chính phủ có thể giải quyết vấn đề này trong một khung thời gian hạn hẹp là rất ít".

Điều đó có nghĩa là hiện nay, hàng triệu người Mỹ sẽ phải tiếp tục làm việc tại bãi đỗ xe cho đến khi hết dịch, và có thể cả sau đó nữa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục