"Bệnh nhân zero" ở Pháp sẽ mãi là bí ẩn ?

08:36' - 12/04/2020
BNEWS Vào ngày 31/1, một chiếc Airbus A340 của Không quân Pháp đã cất cánh từ sân bay Vũ Hán. Mục đích: sơ tán công dân Pháp sống và làm việc tại tâm chấn của dịch COVID-19.

Vào ngày 31/1, một chiếc Airbus A340 của Không quân Pháp đã cất cánh từ sân bay Vũ Hán-Tianhe ở Trung Quốc. Mục đích: sơ tán công dân Pháp sống và làm việc tại thành phố công nghiệp rộng lớn 11 triệu dân, tâm chấn của dịch COVID-19.

Một tháng sau những cảnh báo đầu tiên từ các bác sĩ Trung Quốc, Tổ chức y tế thế giới (WHO) vừa tuyên bố "tình trạng khẩn cấp quốc tế" chống lại chủng virus corona mới.

Trong máy bay có 193 công dân Pháp làm việc tại Vũ Hán, cùng một số quan chức Trung tâm khủng hoảng bộ Ngoại giao. Phi hành đoàn gồm 18 thành viên, trong đó 14 thuộc phi đội Esterel thường được giao các nhiệm vụ nhạy cảm, 3 bác sĩ quân đội và một thợ máy.

Những người lính này - trên máy bay luôn mặc bộ bảo hộ, đeo găng tay, kính Plexiglas và khẩu trang FFP2 – đóng quân tại căn cứ Creil, tỉnh Oise phía bắc Paris. Được bảo mật tối đa, "căn cứ không quân 110" này nằm cách sân bay Roissy-Charles de Gaule vài cây số, là trụ sở của bộ chỉ huy tình báo quân sự.

Phải chăng người đã truyền bệnh, một cách không cố ý, cho tỉnh Oise gồm khoảng 825.000 cư dân đã có mặt trên chuyến máy bay hồi hương này, theo như nguồn tin đồn thổi ở địa phương? Hay "bệnh nhân zero" này đã bị nhiễm bệnh trước đó và ở nơi khác ?

Trưa thứ Sáu ngày 31/1, chiếc Airbus từ Trung Quốc đã hạ cánh xuống căn cứ quân sự Istres, tỉnh Bouches-du-Rhône bên bờ biển Địa Trung Hải. Các hành khách được đưa vào cách ly tại câu lạc bộ Vacanciel, một khu nghỉ mát trên bãi biển Carry-le-Rouet. Các quy định nghiêm ngặt được áp dụng: họ luôn phải đeo khẩu trang trong vòng 2 tuần và được xét nghiệm 2 lần, đôi khi 3 lần. Kết quả là tất cả đều âm tính.

Tuy nhiên, phi hành đoàn không phải cách ly tập trung như vậy. Họ bay về sân bay Roissy và từ đó trở về nhà riêng mà không phải đi qua căn cứ. Theo kế hoạch, họ phải tự cách ly tại nhà, thường xuyên đo nhiệt độ và được xét nghiệm. Tuy nhiên trên thực tế, họ đã không được xét nghiệm cũng như không tuân thủ cách ly nghiêm túc.

Theo Đại tá Bruno Cunat, chỉ huy căn cứ Creil, "không có lý do gì để cách ly họ" tại nhà riêng vì họ không bị xếp vào loại "có nguy cơ". Vào thời điểm đó, mọi người vẫn đang bỏ qua những người mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng.

Khoảng 60 gia đình làm việc tại căn cứ - thường dân và binh lính - sống ở Creil. Hầu hết các sĩ quan đều định cư ở các thành phố gần đó như Senlis hoặc Chantilly. Người thân của các binh sĩ thực hiện nhiệm vụ sơ tán công dân cũng không được theo dõi y tế. Rõ ràng, vợ chồng và con cái của các thành viên phi hành đoàn tiếp tục đi làm và đi học. Tại những văn phòng nào và trường học nào? Không ai được biết. Bí mật quân sự !

Cần phải nói rằng, căn cứ Creil là một địa điểm đặc biệt, nơi hoạt động của nhiều trung tâm chuyên phân tích phát thải điện từ, diễn giải hình ảnh, tình báo địa không gian, phân tích không gian mạng.

Tại đây, người ta thực hiện "gián điệp" bằng cách phân tích dữ liệu vệ tinh và thông tin từ những binh sĩ trở về sau một nhiệm vụ. "Một Nhà nước trong Nhà nước, theo ông thị trưởng Creil. Quân đội cũng có thể xây dựng bất kỳ công trình nào trong căn cứ mà không cần xin giấy phép xây dựng".

Hai cư dân tỉnh Oise đổ bệnh

Thời hạn cách ly 14 ngày «về mặt lý thuyết» đối với các binh sĩ kết thúc vào giữa tháng 2, mà không có ai bị bệnh. "Họ không phải là người mang virus", Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định, mặc dù không có kết quả xét nghiệm. "Không ai có triệu chứng", chỉ huy căn cứ tỏ ra thận trọng hơn.

Cùng lúc đó, hai cư dân tỉnh Oise đổ bệnh. Thứ tư ngày 12/2, ông Varoteaux, giáo viên môn công nghệ tại một trường THCS, bị sốt. Bác sĩ chẩn đoán bệnh cúm và ngay lập tức cho ông nghỉ ốm, 3 ngày trước kỳ nghỉ đông. Ông Varoteaux, người dạy 4 lớp, nằm bẹp trên giường tại nhà riêng ở thị trân Crépy-en-Valois, cách Creil nửa giờ đi xe.

Người đàn ông 60 tuổi này là một ủy viên Hội đồng địa phương. Việc đổ bệnh của ông không làm ai quá lo lắng, vì đây thời điểm của cúm mùa. Học sinh và giáo viên trong trường đang chuẩn bị cho kỳ nghỉ, mà không tưởng tượng được ác mộng dịch bệnh sắp ập tới.

Ngày hôm sau, thứ năm 13/2, ông Jean-Pierre, người làm việc trong căn cứ Creil cách nhà ông 30 km, cũng bị các triệu chứng cúm. Ông là người thực hiện các hợp đồng với những lao động dọn dẹp hoặc làm vườn trong căn cứ. Sức khỏe ông rất tốt, vừa là huấn luyện viên môn lặn, vừa là thành viên câu lạc bộ cầu lông của địa phương nơi ông sinh sống.

Chủ nhật ngày 16/2, ông Jean-Pierre bắt đầu khó thở. Buổi chiều, ông được đưa vào bệnh viện Compiègne, chung phòng với một bệnh nhân khác. Các nhân viên y tế tại đó không mặc bất kỳ đồ bảo hộ nào. Một ngày trước đó, Pháp đã ghi nhận cái chết đầu tiên vì COVID-19 : một du khách Trung Quốc 80 tuổi nhập viện ở Paris. Ca tử vong "nhập khẩu" này không làm ai lo lắng.

Người thân của ông Jean-Pierre ngay lập tức thông báo cho bệnh viện về nơi làm việc của ông. Mặc dù được chăm sóc, tình trạng của bệnh nhân – xét nghiệm cúm là âm tính - vẫn xấu đi. Ngày 18/2, ông được chuyển sang chế độ chăm sóc đặc biệt và được đặt nội khí quản.

Ngày 22/2, bệnh viện Compiègne đã liên lạc với bác sĩ truyền nhiễm Bệnh viện đại học Amiens, người đã không chỉ định xét nghiệm Covid-19 vì bệnh nhân không trở về từ Trung Quốc hoặc "khu vực có nguy cơ".

Vào đêm 24/2, ông Jean-Pierre đã được chuyển khẩn cấp đến Bệnh viện đại học Amiens. Trường hợp của ông diễn biến phức tạp và bệnh viện Compiègne không có thiết bị ECMO thay thế chức năng tim phổi.

Ngày 25/2, cả 2 bệnh viện quyết định gửi mẫu máu của ông Jean-Pierre đến Paris và nhận được kết quả tối cùng ngày : đó là một bệnh nhân COVID-19. Ông Jean-Pierre trở thành "BN15" trong danh sách của Bộ Y tế. Vào thời điểm đó, Pháp vẫn có thể thống kê từng trường hợp...

Cú sốc sau cái chết của công dân Pháp đầu tiên

Vài giờ sau, trong đêm 25 rạng sáng 26/2, thầy giáo Varoteaux – được xếp là «BN17» - đã tử vong vì tắc mạch phổi lớn tại khoa hồi sức bệnh viện Pitié-Salpêtrière, Paris. Cái chết của ông là một cú sốc : ông là người Pháp đầu tiên bị virus corona giết chết.

Vào thời điểm đó, không ai giải thích được ông Varoteaux đã bị nhiễm bệnh như thế nào. Sáu nhà dịch tễ học và bác sĩ từ Cơ quan y tế công cộng Pháp và Cơ quan y tế khu vực đã liên lạc với nhau để tìm hiểu các trường hợp đã tiếp xúc với 2 hai bệnh nhân tỉnh Oise. Họ được thông báo về cái chết của ông Varoteaux và kết quả xét nghiệm dương tính của ông Jean-Pierre.

Các nhà khoa học ngay lập tức bắt đầu các cuộc tìm hiểu từ vợ bệnh nhân, đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè được cho là đã tiếp xúc với gia đình bệnh nhân. Bà A. Mailles, một trong những nhà dịch tễ học của nhóm điều tra, cho biết bước đầu tiên là thiết lập danh sách những người mà các ông Jean-Pierre và Varoteaux thường xuyên gặp gỡ.

Các nhà dịch tễ học thật sự lo lắng. Cho đến lúc đó, các trường hợp COVID-19 được xác nhận ở Pháp đều là «nhập khẩu», nghĩa là tất cả đều có liên quan, bằng cách này hay cách khác, với Trung Quốc. Theo bà Mailles : «vậy mà lần này chúng tôi xác nhận 2 trường hợp tại địa phương, không có bất kỳ mối liên hệ nào với quốc gia trên".

Các nhà dịch tễ học cũng hiểu rằng 2 bệnh nhân đầu tiên của tỉnh Oise đã được chẩn đoán quá muộn, họ đã tiếp xúc với rất nhiều người trong cộng đồng và trong bệnh viện mà không có biện pháp bảo vệ cụ thể nào. Vào thời điểm đó, người ta chưa áp dụng rộng rãi các biện pháp phòng ngừa trong cộng đồng, có nghĩa là họ đã phát tán virus mà không hay biết.

Nếu như cái chết của thầy giáo Varoteaux làm chấn động người dân Pháp, thì tin tức về sự lây nhiễm của một người lao động dân sự tại căn cứ quân sự đã gây ra tin đồn và nỗi sợ hãi. Trong khoảng thời gian từ 25/2 - ngày ông Jean-Pierre được phát hiện dương tính -đến 4/3, virus lây lan với tốc độ chóng mặt : 16 trường hợp được xác nhận trong căn cứ, cộng với một trường hợp nghi nhiễm.

Cơ quan y tế vùng tiếp tục cuộc điều tra tại Oise. Trong cuộc họp ngày 27/2, một ngày sau cái chết của thày giáo Varoteaux, thị trưởng thị trấn Crépy-en-Valois đã quyết định đóng cửa trường THCS để khử trùng, cũng như cách ly tất cả học sinh, giáo viên và nhân viên. Vào cuối cuộc họp, thị trưởng nhận được cuộc gọi từ một nhà dịch tễ học trong nhóm điều tra : "Ông có biết bà Valérie M. không ?"

Người phụ nữ này là giáo viên một trường THPT trong vùng, và là bạn của vợ ông Varoteaux. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà Valérie M. dương tính với COVID-19. Bà đã được nhập viện vì có triệu chứng nặng.

Ông thị trưởng lo lắng nhớ lại, vào ngày 13/2 – một ngày sau khi ông Varoteaux bị sốt - đã diễn ra buổi họp hội đồng địa phương cuối cùng trước kỳ nghỉ đông. Khoảng 100 người đã tham dự trong đó có bà Valérie M. Ông thị trưởng Crépy-en-Valois lập tức được xét nghiệm. Dương tính.

Được thông báo, các nhà nghiên cứu từ Viện Pasteur đã đến Crépy-en-Valois để lấy mẫu máu của học sinh và giáo viên đồng nghiệp của bà Valérie M. Các nhà nghiên cứu này không chịu trách nhiệm điều tra, nhưng cố gắng tìm hiểu phản ứng của cơ thể con người trước chủng virus corona mới này để tạo ra các kháng thể.

Nghi vấn và tin đồn

Vào ngày 29/2, Bộ Y tế thông báo rằng tỉnh Oise có 36 trường nhiễm COVID-19, trở thành ổ dịch lớn thời điểm đó. Một số chi tiết về nghiên cứu của các nhà dịch tễ học được công bố: cuộc điều tra đã phát hiện ra rằng 2 bệnh nhân đầu tiên có lẽ đã tiếp xúc với một người bệnh vẫn còn đang được tìm kiếm và đó là "bệnh nhân zero"... Lần đầu tiên, thuật ngữ này được giới chức y tế đề cập đến trong một buổi họp báo được truyền hình trực tiếp.

Cũng trong buổi họp báo đó, giới chức y tế khẳng định không có công dân Pháp nào trên chuyến bay đầu tiên trở về từ Vũ Hán bị nhiễm virus. Tuy nhiên, một chi tiết mới được tiết lộ: 1 trong 2 bệnh nhân đầu tiên ở tỉnh Oise "có tiếp xúc thường xuyên với một cô bạn làm việc tại căn cứ Creil". Một phụ nữ mới xuất hiện trong kịch bản và đó không phải là bà Valérie M.

Dịch bệnh là mảnh đất màu mỡ cho trí tưởng tượng và tin đồn tràn ngập. Người ta nói rằng căn cứ che giấu mọi thứ đằng sau nhiệm vụ quốc phòng. Một nghị sĩ tin rằng chiếc Airbus trở về từ Vũ Hán đã không được khử trùng, mà chỉ được lau chùi bởi các nhân viên dân sự làm vệ sinh ở căn cứ, những người mà ông Jean-Pierre đã tuyển dụng.

Một nghị sĩ khác bị thuyết phục rằng chuyến bay bao gồm một hành khách bí ẩn - "một đặc vụ bí mật của Pháp" - đã hồi hương trong trường hợp khẩn cấp vì dịch bệnh. Là một ngoại lệ, "anh ta có thể đã trực tiếp báo cáo về nhiệm vụ của mình trong căn cứ".

Điều gì xảy ra nếu anh ta mang virus trong cơ thể ? Theo luật ngày 24/7/2015 về hoạt động tình báo, bộ Quốc phòng không công bố các thông tin liên quan đến mạng lưới tình báo.

Cho dù là tâm điểm nghi vấn và bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, căn cứ quân sự Creil vẫn im lặng và chỉ cung cấp thông tin nhỏ giọt, tạo điều kiện để tin đồn phát triển. Sáu nhà dịch tễ học phụ trách truy tìm «bệnh nhân zero» thừa nhận với Le Monde rằng việc khai thác thông tin từ các nhân viên quân sự là do y tế quân đội thực hiện.

Một trăm người đã được phỏng vấn. Bằng cách tổng hợp danh sách và bảng câu hỏi, các nhà dịch tễ học bị thuyết phục rằng sự lây nhiễm "đã diễn ra từ vài tuần rồi".

Theo bà Mailles, giữa sự khởi đầu thực sự của dịch bệnh và sự đổ bệnh của các ông Varoteaux và Jean-Pierre, có ít nhất 4 đến 5 «thế hệ lây nhiễm». Nhà dịch tễ học này cũng cho rằng trường hợp đầu tiên tại căn cứ quân sự không phải là «thế hệ thứ nhất».

Vậy ai là «bệnh nhân zero» trước 2 bệnh nhân đầu tiên ở tỉnh Oise ? Xung quanh căn cứ Creil, một số người đã nghi ngờ nhân viên sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle, trung tâm hàng không thứ hai của châu Âu với hơn 72 triệu hành khách mỗi năm.

Một nhân viên an ninh tại Terminal 2F thời điểm đó có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Song tính theo ngày xuất hiện triệu chứng, Cơ quan y tế vùng đã bác bỏ mọi cáo buộc, khi khẳng định không hề có sự liên quan giữa cộng đồng tại Crépy-en-Valois hoặc Creil với khu vực sân bay.

Vào ngày 13/3, các nhà khoa học quyết định ngừng điều tra. Kết quả đưa ra thật đáng ngạc nhiên. "Chúng tôi đã lần tìm đến một ca nhiễm COVID-19 vào tuần thứ hai của tháng 1", bà Mailles xác nhận với Le Monde. Trước cả khi 3 bệnh nhân quốc tịch Trung Quốc đầu tiên chính thức được xác nhận tại Pháp, vào ngày 24/1.

Trước cả khi khách du lịch Trung Quốc đến ăn mừng Tết Nguyên đán cùng gia đình di cư tại châu Âu từ ngày 20/1. Như vậy rõ ràng trước chuyến bay sơ tán công dân Pháp từ Vũ Hán do quân đội thực hiện.

Tại sao, cho đến nay, những thông tin vẫn chưa được tiết lộ để xóa bỏ những tin đồn? "Bởi vì người dân tỉnh Oise đã phải chịu đựng rất nhiều và rất khó khăn cho những người trong chuỗi lây nhiễm biết rằng họ đã góp phần vào việc phát tán virus", theo Cơ quan y tế công cộng Pháp.

Tuy vậy, bà Mailles hé lộ với Le Monde một số manh mối về «bệnh nhân zero» bí ẩn. "Đó là một cư dân tỉnh Oise. Người đó không làm việc trong phi hành đoàn cũng không làm vận chuyển hành lý. Không liên quan đến sân bay, nhưng phần nào đó lại có một mối liên hệ với Trung Quốc". Nhà dịch tễ học từ chối nói chi tiết hơn về cư dân tỉnh Oise này, người đã vô tình làm lây lan virus corona chết người trong khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục