Mỹ: Nợ quốc gia cao kỷ lục vì dịch COVID-19

07:00' - 25/04/2020
BNEWS Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hiện nay do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, chi tiêu liên bang dự kiến sẽ cao hơn khoảng 4.000 tỷ USD so với nguồn thu của chính phủ trong năm 2020.
Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo ước tính của Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm Mỹ (CRFB, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington), nợ công của Mỹ ước tính sẽ vượt 100% GDP là 21.420 tỷ USD trong năm nay.

Đó là chưa tính khoản nợ doanh nghiệp và hộ gia đình của Mỹ đã lên tới 32.000 tỷ USD vào năm ngoái trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng COVID-19. Việc tăng cường vay thêm trong những tháng tới dự kiến sẽ đẩy nợ quốc gia vượt quá mức kỷ lục 106% GDP ghi nhận vào năm 1946.

Nhiều phân tích của các ngân hàng cũng như các chuyên gia kinh tế cho rằng các khoản nợ sẽ sớm đạt tới “điểm bùng phát” mà Mỹ khó có thể tìm cách giải quyết được khi nợ công và nợ doanh nghiệp Mỹ đạt các mức kỷ lục do dịch COVID-19.

Nhằm đối phó với đại dịch, Chính phủ Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) đã thực hiện các biện pháp tài khóa mạnh mẽ như đưa ra các khoản chi tiêu và bảo lãnh nợ mới hàng nghìn tỷ USD. Mục tiêu là nhằm duy trì sự phát triển của nền kinh tế cũng như ngăn chặn một cuộc suy thoái mới trong những tuần gần đây.

Quốc hội và Fed đã bơm ít nhất 6.000 tỷ USD kích thích chi tiêu cũng như nhằm tránh nguy cơ nền kinh tế “chệch bánh” do dịch COVID-19 gây ra. Theo đó, phần lớn khoản tiền sẽ được chuyển đến các tập đoàn và ngân hàng lớn và mỗi người dân Mỹ sẽ được nhận một tờ séc trị giá 1.200 USD và được miễn phí chữa trị nếu dương tính với virus SARS-CoV-2.

Mặc dù Fed đã đưa ra các biện pháp như giảm lãi suất xuống 0 và tạo điều kiện cho khoản vay hơn 2.000 tỷ USD, tuy nhiên các nhà kinh tế cho rằng chiến lược để giải quyết số nợ mới chưa từng có này có thể tạo ra sự mất cân đối trong dài hạn và cản trở bất kỳ sự kỳ vọng nào cho sự phục hồi nền kinh tế.

Giáo sư kinh tế Afif Mian tại trường đại học Princeton bày tỏ lo ngại về một mức nợ mà chắc chắn là chưa từng có trong lịch sử hiện đại.

Trong các cuộc khủng hoảng trước đây, Mỹ dựa vào vị trí đặc quyền của đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới để tăng các khoản nợ cũng như tham gia vào nới lỏng định lượng. Mỹ không hề lo sợ rằng các nhà đầu tư có thể một ngày nào đó sẽ cho rằng Mỹ không thể trả được nợ dẫn đến lạm phát và lãi suất tăng vọt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, mọi thứ có thể khác khi các khoản nợ của hộ gia đình, của doanh nghiệp Mỹ và của chính phủ đã vượt quá 250% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Giáo sư Afif Mian cho rằng việc duy trì chiến lược này có thể tiếp tục dẫn đến sự tăng trưởng trì trệ trong tương lai và Mỹ đã bị mắc kẹt trong một cái bẫy nợ lớn tương tự như của Nhật Bản.

Không giống như trong giai đoạn hậu chiến, nước Mỹ ngày nay dường như không quan tâm tới triển vọng giành thị trường châu Âu và châu Á mới bị phá hủy bởi chiến tranh. Người Mỹ cũng không có cơ sở công nghiệp lớn như đã làm vào cuối những năm 1940, cùng với Kế hoạch Marshall giúp các công ty Mỹ thiết lập chỗ đứng cho các sản phẩm do Mỹ sản xuất trong nhiều thập kỷ sau chiến tranh.

Đầu tháng Tư, khi các công ty Mỹ cho biết đã rút hơn 200 tỷ USD từ hạn mức tín dụng của họ, Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon, đã báo cáo trong một lá thư cho các cổ đông rằng các khoản cho vay của ngân hàng đã vượt đáng kể so với những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát gần đây về việc vay vốn của các công ty do Hiệp hội các nhà quản lý danh mục tín dụng quốc tế tiến hành cho thấy 90% các nhà quản lý cho vay tại các ngân hàng hàng đầu của Mỹ đều cho rằng tỷ lệ vỡ nợ sẽ tăng lên khi rủi ro tín dụng và chi phí đi vay tăng lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục