Mỹ phẩm Hàn Quốc: Khi thị trường truyền thống trở nên “khó nhằn” (Phần 1)

06:00' - 22/02/2018
BNEWS Hàn Quốc từ lâu nay luôn được biết đến là một kinh đô mỹ phẩm của châu Á với những thương hiệu làm đẹp đình đám, các sản phẩm dẫn đầu xu hướng và chiến lược marketing hiệu quả.
Một cửa hàng mỹ phẩm tại trung tâm mua sắm ở Seoul. Ảnh: AFP/TTXVN

Đóng góp vào sự thành công ấy không thể không nhắc đến “làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu) – thuật ngữ ám chỉ sự nổi tiếng của văn hóa Hàn Quốc trên thế giới trong thế kỷ 21, đặc biệt là thông qua âm nhạc (K-pop) và phim truyền hình.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề tại thị trường Trung Quốc trong năm ngoái, do căng thẳng giữa hai nước sau khi Bắc Kinh tiến hành những hành động trả đũa việc Seoul triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ vào đầu năm ngoái.

Đến nay, các rào cản trong kinh doanh đã giảm bớt sau khi chính phủ hai nước nỗ lực cải thiện mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, diễn biến ảm đạm của năm 2017 đã bộc lộ rõ điểm yếu của ngành công nghiệp làm đẹp Hàn Quốc. Đó là sự phụ thuộc quá lớn vào sức tiêu thụ của du khách Trung Quốc cũng như thị trường với khoảng 1,4 tỷ người tiêu dùng này.

Xuất khẩu mỹ phẩm của nước này sang Trung Quốc tăng 20% lên 1,3 tỷ USD trong chín tháng đầu năm ngoái, chiếm 1/3 trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Hàn Quốc. Dù vậy, theo số liệu của chính phủ, con số trên đã thể hiện xu hướng suy giảm mạnh mẽ, so với mức tăng trưởng trung bình hàng năm 66% ghi nhận trong 5 năm trước.

Sau khi Trung Quốc cấm bán các tour du lịch cho các nhóm khách sang Hàn Quốc vào tháng 3/2017, nhà sản xuất mỹ phẩm AmorePacific Corp hàng đầu của Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng ngay sau đó khi lợi nhuận hoạt động của hãng trong quý III giảm gần 40% xuống còn 132,4 tỷ won (tương đương 123 triệu USD) và doanh thu giảm 14,2% xuống còn 1.400 tỷ won.

Những con số này cho thấy sự đảo chiều mạnh mẽ trong hoạt động của hãng trong những năm gần đây, trong đó tăng trưởng ở mức hai chữ số luôn được ghi nhận trong doanh thu cũng như lợi nhuận hoạt động.

Hãng sản xuất mỹ phẩm và hàng gia dụng lớn thứ hai của Hàn Quốc là LG Household & Health Care Ltd. cũng không phải là ngoại lệ. Sau lệnh cấm của Trung Quốc, doanh số bán hàng của hãng này đã giảm trong quý II/2017 sau khi đều đạt mức tăng kỷ lục trong mỗi quý trước đó.

Giờ đây, khi quan hệ Trung-Hàn “ấm dần”, nhiều hãng mỹ phẩm Hàn Quốc đã nối lại các hoạt động tiếp thị trên thị trường Trung Quốc bằng cách cho ra mắt nhiều sản phẩm mới và đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng nước này.

Tuy nhiên, miếng bánh trên thị trường “làm đẹp” có giá trị 53 tỷ USD này giờ đây ngày càng “khó nhằn”, trong bối cảnh các thương hiệu mỹ phẩm Trung Quốc nội địa đang ngày càng được ưa chuộng, ngay cả trong những phân khúc sản phẩm trung-cao cấp mà doanh nghiệp Hàn Quốc vốn có thế mạnh.

Công ty nghiên cứu Euromonitor ước tính giá trị thị trường mỹ phẩm Trung Quốc sẽ tăng lên gần 62 tỷ USD vào năm 2020, do nhu cầu của nhóm khách hàng trẻ tuổi và giàu có tăng lên.

Các công ty mỹ phẩm hàng đầu Trung Quốc như Shanghai Jahwa United, Shanghai Pehchaolin Daily Chemical và Jala Group đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Người tiêu dùng cũng tỏ ra ưa chuộng các thành phần thảo dược cổ truyền Trung Quốc.

Mặt khác, những công ty này cũng được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ thương hiệu nội địa và bảo hộ ngành công nghiệp địa phương của Bắc Kinh.

Theo nhà nghiên cứu Sohn Sung-min, thuộc Viện công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc, các công ty Trung Quốc bắt kịp rất nhanh về mặt thiết kế và chất lượng sản phẩm, chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.

Do đó, các hãng mỹ phẩm Hàn Quốc sẽ phải nhắm đến phân khúc cao cấp hơn để duy trì tính cạnh tranh cũng như tốc độ tăng trưởng ở thị trường này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục