Năm 2018, tăng trưởng vượt mục tiêu, kinh tế khởi sắc trong nhiều lĩnh vực
Kinh tế Việt Nam 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển; chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh.
Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và từng bước được tăng cường. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện…
Năm 2018, tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08% so với năm 2017, mức tăng cao nhất 11 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn về thu ngân sách, bội chi, doanh nghiệp khó khăn, cách nào để tiếp tục phát triển nền kinh tế năm 2019.
• GDP tăng cao nhất trong 11 năm gần đây Tại cuộc họp báo Công bố về tình hình kinh tế xã hội năm 2018 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chiều ngày 27/12, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây. “ Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu 6,7% đặt ra là kết quả sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.”, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định. Chỉ ra những điểm sáng của nền kinh tế, Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Cơ cấu cây trồng được chuyển dịch theo hướng tích cực, giống lúa mới chất lượng cao đang dần thay thế giống lúa truyền thống, phát triển mô hình theo tiêu chuẩn VietGap cho giá trị kinh tế cao. Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng, đã có sự chuyển đổi ngay trong nội tại ngành nông nghiệp. Ví dụ trong lĩnh vực trồng trọt, mặc dù diện tích gieo trồng lúa năm nay thấp hơn nhưng sản lượng vẫn cao hơn năm 2017 khoảng 1,2 triệu tấn. Điều này cho thấy năng suất đã cao hơn. “Đây là kỳ tích của ngành nông nghiệp. Con số tăng trưởng 3,76% vượt mong đợi của chúng tôi từ đầu năm”, ông Lâm cho biết. Còn theo ông Lê Trung Hiếu, Quyền vụ trưởng Vụ Thống kê nông lâm nghiệp và thủy sản, Tổng cục Thống kê, năm qua chăn nuôi lợn đã phục hồi nhanh do giá cả tăng cao. Nông sản Việt năm 2018 cũng có nhiều bước tiến khi có 14 nhà máy chế biến nông sản công suất lớn đi vào hoạt động. Trong đó có 9 nhà máy về trồng trọt và 5 về chăn nuôi. 3 nhà máy nữa sẽ hoạt động vào đầu năm 2019 giúp ngành nông nghiệp phát huy tối đa động lực phát triển.Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2018 duy trì mức tăng trưởng khá với mức tăng 8,79%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng cao 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ 2017 nhưng cao hơn giai đoạn trước.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê chỉ ra, kết quả tăng trưởng cho thấy nền kinh tế đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên khi năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm (giảm 3,11%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ năm 2018 tăng 7,03%, cao hơn mức tăng các năm giai đoạn 2012-2016, trong đó các ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP như bán buôn, bán lẻ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải, kho bãi... đều đạt mức tăng trưởng khá... Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5,54 triệu tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. Đáng chú ý trong báo cáo của Tổng cục Thống kê là hoạt động của khu vực doanh nghiệp. Theo đó, Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017.Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Bên cạnh đó, còn có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165.000 doanh nghiệp.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 244,72 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu là 237,51 tỷ USD. Như vậy, cả nước xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2018 ước tính đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017. Tuy nhiên, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong năm 2018 đạt 25,5 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng trên, nền kinh tế Việt Nam 2018 cũng còn nhiều điểm hạn chế như: tiến độ giải ngân vốn Chính phủ chậm do quy trình hoàn thiện thủ tục dự án đầu tư. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1,272 tỷ đồng, bằng 96,5% dự toán năm. Trong khi đó, tổng chi ngân sách cũng lên tới 1,27 triệu tỷ đồng.Nhập siêu dịch vụ lớn làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tăng cường, phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu như: dịch vụ vận tải, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ tài chính... nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu dịch vụ như hiện nay.
“ Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường; đồng thời, với quy mô kinh tế nhỏ, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp.”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh. * Kinh tế 2019 còn nhiều khó khăn, thách thức Theo người đứng đầu ngành Thống kê, năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Dự báo kinh tế thế giới trong năm 2019 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức.Để đạt được mục tiêu GDP tăng 6,6-6,8%, chỉ số giá tiêu dùng 4%, xuất nhập khẩu tăng 7-8%, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, cơ quan quản lý, các bộ ngành, lãnh đạo địa phương tiếp tục cải cách thể chế, môi trường kinh doanh. Đặc biệt giải pháp để nâng cao năng suất lao động phải đặt lên hàng đầu.
Tổng cục trưởng cũng lưu ý rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài, trong thời gian tới để hạn chế nhập siêu, Việt Nam một mặt cần đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhưng mặt khác cũng cần chú ý tự chủ nguyên liệu để giảm dần nhập siêu của nền kinh tế, nhất là giảm nhập siêu trong lĩnh vực dịch vụ. Mục tiêu năm 2019 xuất khẩu đạt 7 - 8% với độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn. Tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố từ bên ngoài nên các nhà hoạch định vẫn cần lưu ý. Xuất khẩu và tiêu dùng là hai động lực tăng trưởng của nền kinh tế, trong khi đó lạm phát trong giới hạn 4% đã giữ tiêu dùng trong dân cư ổn định. Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 tạo ra xu hướng tự động hoá, trao đổi dữ liệu trong sản xuất và khiến Việt Nam có nguy cơ tụt hậu mãi so với các nước phát triển. Các nhà kinh tế đánh giá, nếu Việt Nam không cố gắng vượt bậc sẽ không bao giờ đuổi kịp các nước phát triển, đây là một trong những thách thức lớn nhất với Việt Nam. “Các cấp, các ngành và địa phương phải nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2019”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh./. >> Năm 2018, GDP tăng 7,08%Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
GDP năm 2018 tăng kỷ lục ở mức 7,08%
17:04' - 27/12/2018
Chiều 27/12, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2018, nền kinh tế Việt Nam đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 7,08%.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê: Nền tảng kinh tế vĩ mô ngày càng được củng cố
16:53' - 27/12/2018
Cuộc trao đổi dưới đây giữa phóng viên Thông tấn xã Việt Nam và Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho thấy bức tranh kinh tế năm 2018 và 2019 sắp tới.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ
19:08'
ại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng. Luật Thuế giá trị gia tăng gồm 4 chương, 17 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Thanh Oai (Hà Nội) phát triển đô thị xanh, sinh thái ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô
19:07'
Thanh Oai có vị trí chiến lược trong phát triển phía Tây Nam Hà Nội. Địa phương "cửa ngõ" của Thủ đô được định hướng sẽ trở thành quận xanh, sinh thái đến khoảng năm 2030.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ động chiến lược quản trị nhân sự trong doanh nghiệp
18:46'
Với 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam hiện đang ở quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ, khu vực này hiện đang đóng góp khoảng 60%GDP của cả nước và tạo ra khoảng 30% việc làm cho toàn xã hội.
-
Kinh tế Việt Nam
Bảo đảm sự linh hoạt thực hiện dự án đầu tư xây dựng đô thị và nông thôn
18:11'
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 5 chương, 59 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam đã sử dụng 5,9 triệu liều vaccine dịch tả lợn châu Phi
16:19'
Nhiều tỉnh đã từng có dịch bệnh rất nghiêm trọng như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh… nhưng sau 1-2 tháng sử dụng vaccine, dịch bệnh đã được kiểm soát, khống chế tốt.
-
Kinh tế Việt Nam
Bố trí vùng nuôi cá lồng bè phù hợp với quy hoạch không gian biển
13:30'
Thời gian gần đây, nghề nuôi cá lồng bè đối mặt với không ít khó khăn, hiệu quả kinh tế giảm sút, cần những giải pháp đồng bộ nhằm giúp cho ngành nghề phát triển bền vững hơn.
-
Kinh tế Việt Nam
Thu hồi số tiền hơn 26.215 tỉ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế
13:06'
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/11, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam và Đan Mạch chia sẻ tầm nhìn về năng lượng sạch và bền vững
09:57'
Ngày 25/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch như A.P Moller-Maersk, doanh nghiệp vận tải biển, logistics, Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch.
-
Kinh tế Việt Nam
Metro Bến Thành - Tham Lương được đề xuất chuyển sang thực hiện bằng vốn ngân sách
09:55'
Dự án metro Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng, với phần lớn là vốn vay ODA (khoảng 37.487 tỷ đồng). Chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh.