Năm 2025, xây dựng TP. Phổ Yên trở thành đô thị loại II

17:58' - 29/04/2023
BNEWS Thành phố Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2025 và đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2023.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí cửa ngõ, trung tâm công nghiệp phía Nam của tỉnh Thái Nguyên có hệ thống giao thông thuận lợi, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế Bắc bộ, thành phố Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2025 và đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2023. 

Để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phổ Yên, trong giai đoạn đến năm 2025, tại khu vực trung tâm thành phố, Phổ Yên tập trung cải tạo chỉnh trang đô thị, chỉnh trang kiến trúc các khu dân cư, khu đô thị, bổ sung hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị, công viên cây xanh, không gian hạt động công cộng... đảm bảo đạt tiêu chuẩn đô thị loại II.

Tại khu vực phía Đông thành phố, Phổ Yên chủ trương phát triển công nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ công nghiệp, trung tâm công nghiệp công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao...

Đối với khu vực phía Tây thành phố, Phổ Yên định hướng phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, kết nối về hạ tầng, không gian văn hóa giữa khu vực Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), đầu tư xây dựng sân golf gắn với các khu đô thị dịch vụ thương mại, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái...
 
Thành phố Phổ Yên đã xây dựng danh mục các dự án trọng điểm đầu tư trên địa bàn trong thời gian tới như: Khu công nghiệp Yên Bình II diện tích 301 ha, Khu công nghiệp đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên quy mô hơn 1.100 ha, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên tại xã Tiên Phong, thành phố Phổ Yên quy mô 154 ha, Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, thể dục thể thao Hồ Suối Lạnh, xã Thành Công 437 ha và sân golf 55ha..

Theo báo cáo của UBND thành phố Phổ Yên, sau khi được công nhận là đô thị loại III  (đầu năm 2022), kinh tế thành phố Phổ Yên luôn tăng trưởng ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thu hút đầu tư đạt kết quả tốt.

Năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm trên 92% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Thái Nguyên; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 30,83 tỷ USD, chiếm cơ bản giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 345 triệu đồng/người, thu nhập bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng/năm; thu ngân sách đạt 2.500 tỷ đồng, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng đồng bộ, nhiều công trình, dự án trọng điểm được xây dựng và đưa vào hoạt động.

Đối chiếu với 63 tiêu chuẩn của đô thị loại II, đến thời điểm này (tháng 4/2023), thành phố Phổ Yên đã có 30 tiêu chuẩn đạt mức tối đa, 16 tiêu chuẩn đạt mức trung bình, 11 tiêu chuẩn đạt mức tối thiểu và chỉ còn 6 tiêu chuẩn chưa đạt gồm: mật độ dân số toàn đô thị, cơ sở giáo dục - đào tạo cấp đô thị, mật độ đường giao thông đô thị, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, công trình xanh, khu chức năn đô thị - đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh...

Trong cuộc làm việc vào cuối tháng 4/2023 với Ban thường vụ Thành ủy Phổ Yên, bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã chỉ đạo trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Phổ Yên cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trong quy hoạch để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch tại các khu, cụm công nghiệp.

Trước mắt, để thu hút các dự án đầu tư và tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng, thành phố Phổ Yên cần đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công các công trình, dự án trọng điểm, nhất là tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và các dự án đã được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh phê duyệt đầu tư trên địa bàn, đồng thời quan tâm phát triển thương mại, dịch vụ, chú trọng khu vực phía Tây Phổ Yên (sườn Đông Tam Đảo và khu vực điểm cao của dãy núi Tam Đảo), phía Nam Hồ Núi Cốc (địa bàn xã Phúc Tân) để phát triển các sân golf, dịch vụ, khách sạn nghĩ dưỡng cao cấp…. Thành phố tăng cường huy động các nguồn lực hợp pháp đầu tư tại Quần thể di tích Lý Nam Đế và các điểm di tích lịch sử trên địa bàn../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục