Nắm chắc cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU

15:15' - 27/09/2016
BNEWS FTA Việt Nam-EU được ví như một hiệp định hiện đại và đóng vai trò quan trọng trong thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế.
EU-Thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: TTXVN

“Thị trường EU- Cơ hội và thách thức mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu” là nội dung Hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu do Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu thuộc Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 27/9 tại Hà Nội.

Ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 28/11/1990 và đến nay đã phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, nhất là quan hệ thương mại đã tăng hơn 10 lần, đạt 41,4 tỷ USD năm 2015.

Tính đến tháng 6 năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU đã đạt 212 tỷ USD, tăng 9,35% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 162 tỷ USD, tăng 9,5%.

Cũng theo ông Tạ Hoàng Linh, thương mại đóng một vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam và tầm quan trọng này đã được phản ánh thông qua một loạt các hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam đang đàm phán.

Cụ thể, Việt Nam và EU đã chính thức triển khai đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào tháng 6/2012. Sau 14 vòng đàm phán, FTA Việt Nam-EU đã chính thức hoàn thành vào tháng 12/2015 tại Brussels.

FTA Việt Nam-EU đang được ví như một hiệp định hiện đại và đóng vai trò quan trọng trong thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế.

Phân tích về tình hình xuất khẩu sang thị trường EU, cơ hội và thách thức mới thông qua Hiệp định FTA thế hệ mới và quản lý rủi ro khi xuất khẩu vào khu vực này, ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, đạt 90,08% kim ngạch xuất nhập khẩu với khu vực thị trường châu Âu.

Chỉ tính về thương mại, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU ký kết chính thức sẽ giúp tăng 4-6% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam vào EU (chưa tính phần tăng thêm hàng năm) so với không ký kết.

Hiệp định còn giúp ngành dệt may trong nước cân bằng thị trường xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam như: dệt may, da giày, thủy sản sang một trong những khu vực kinh tế phát triển và có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới.

Vì vậy, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối giao thương cần được các doanh nghiệp chú trọng bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín doanh nghiệp.

Ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh, lợi thế lớn của hàng xuất khẩu Việt Nam khi FTA được ký kết là sự chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ về về đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này sẽ tăng lên, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh tốt hơn cho hàng hóa Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam cũng sẽ có cơ hội xuất khẩu đi nhiều nước khác trên thế giới.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang thị trường EU phải tuân thủ tính minh bạch và đặt rất cao vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thông qua nhiều biện pháp và chính sách bảo hộ.

Cùng với đó, chất lượng dịch vụ hàng hóa vào thị trường này ngày càng được yêu cầu cao, người tiêu dùng không chấp nhận hàng hóa có chất lượng trung bình hoặc thấp. Do vậy những sản phẩm của các doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với xã hội và môi trường ngày càng ít có chỗ đứng ở thị trường EU.

Thống kê cho thấy, có khoảng 90 dòng thuế áp dụng cho các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam và EU sẽ được giảm xuống ở mức rất thấp, thậm chí là 0% đối với một số hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU như: dệt may, da giầy, thực phẩm và đặc biệt là các sản phẩm nông sản, thủy sản.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU tập trung vào các sản phẩm cần nhiều lao động như: hàng lắp ráp điện tử, điện thoại, giày dép, may mặc và dệt may, cà phê, hải sản và nội thất, trong khi năm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của EU sang Việt Nam bao gồm các sản phẩm công nghệ cao như máy hơi & sản phẩm cơ khí, máy móc & thiết bị điện, dược phẩm, và xe cộ.

Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa chất lượng cao, thực phẩm sạch, hàng thủ công mỹ nghệ, giảm tỷ trọng hàng chất lượng trung bình, hàng nông sản thô.

Đưa ra những quy định bắt buộc về chứng nhận xuất xứ (C/O) khi xuất khẩu sang thị trường EU thông qua các FTA thế hệ mới, bà Trịnh Thị Thu Hiền- Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, quy tắc xuất xứ là nội dung quan trọng của FTA, giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ cam kết thuế.

Chỉ khi áp dụng đúng, chính xác quy tắc xuất xứ ưu đãi, nhà sản xuất, xuất khẩu mới có được C/O (hoặc tự chứng nhận xuất xứ) ưu đãi để được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu tới các nước thành viên FTA.

Cũng theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã thực hiện về cơ bản tương đối linh hoạt và có phần lỏng hơn so với quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Do đó, nếu không có các chương trình tập huấn kịp thời và thường xuyên cho và doanh nghiệp bản thân doanh nghiệp không chủ động cập nhật thông tin, trang bị kiến thức, sẽ không đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục