Năng lượng hạt nhân có thể "hồi sinh" ở châu Âu?

06:30' - 18/12/2021
BNEWS Để có thể đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, năng lượng hạt nhân là một lựa chọn mà nhiều nước châu Âu đang nhắm tới.

Các quốc gia châu Âu đang nỗ lực phát triển những nguồn năng lượng lâu dài và đáng tin cậy để có thể đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Bên cạnh năng lượng gió và Mặt Trời, năng lượng hạt nhân là một lựa chọn mà nhiều nước đang nhắm tới.

* Một thế hệ năng lượng hạt nhân mới sắp đến?

Khi các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra cam kết ngăn chặn thảm họa khí hậu, ngành công nghiệp hạt nhân nhận thấy cơ hội "hồi sinh". Sau nhiều năm điện hạt nhân "bị gạt ra bên lề" sau thảm họa ở Fukushima (Nhật Bản) và Chernobyl (Nga), giờ đây ngày càng có nhiều ý kiến ủng hộ vai trò của điện hạt nhân như một nguồn năng lượng sạch bên cạnh sự phát triển của năng lượng gió và Mặt Trời.

Ít nhất 6 quốc gia châu Âu mới đây công bố kế hoạch xây dựng một thế hệ lò phản ứng hạt nhân mới với lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR). Một số thiết kế có quy mô nhỏ hơn và rẻ hơn so với các lò phản ứng thế hệ cũ, chỉ tương đương diện tích của hai sân bóng đá và chi phí xây dựng bằng một phần nhỏ so với các nhà máy hạt nhân tiêu chuẩn.

Việc xây dựng SMR thường có chi phí thấp hơn nhiều so với xây dựng các nhà máy hạt nhân quy mô lớn vì phần lớn công đoạn sản xuất và lắp ráp sẽ được thực hiện ở một nhà máy trước khi lò phản ứng được đưa tới địa điểm vận hành.

Tháng trước, Rolls-Royce thông báo thành lập một đơn vị mới phụ trách xây dựng SMR sau khi đạt được thỏa thuận cấp vốn 405 triệu bảng Anh (547 triệu USD) với các nhà đầu tư. Rolls-Royce nêu rõ dự án hợp tác công-tư này là một phần đóng góp cho việc thực hiện chiến lược của Chính phủ Anh đưa mức phát thải ròng carbon về 0 vào năm 2050.

Nhiều nhà máy năng lượng hạt nhân của Anh được xây dựng từ thế kỷ trước đến nay đã đóng cửa hoặc chuẩn bị hết khấu hao. Tuy nhiên, nước này mong muốn điện hạt nhân tiếp tục đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng điện để hoàn thành cam kết đưa mức phát thải ròng carbon về 0 vào năm 2050 và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chính phủ Anh hoan nghênh dự án của Rolls-Royce, coi đó là cơ hội để Anh tăng sản xuất năng lượng phát thải thấp, giảm sử dụng than đá và góp phần nâng cao khả năng tự cung năng lượng cho quốc gia này. Việc phát triển công nghệ SMR nằm trong Kế hoạch 10 điểm của Chính phủ Anh về "cuộc cách mạng công nghiệp xanh" được đưa ra vào tháng 12 năm ngoái.

Các quốc gia phương Tây khác, bao gồm Mỹ và Pháp, cũng đang theo đuổi công nghệ SMR của riêng từng nước để sử dụng trong thị trường nội địa cũng như công nghệ có tiềm năng xuất khẩu. NuScale, một công ty phát triển SMR của Mỹ hồi tuần trước thông báo đã đạt được thỏa thuận xây dựng các lò phản ứng quy mô nhỏ ở Romania.

Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đồng ý phân bổ 1 tỷ euro từ quỹ chính phủ để giúp Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) xây dựng 6 lò phản ứng nước áp lực mới cũng như chi hàng tỷ USD để giúp EDF sản xuất các SMR vào năm 2030.

Ngành công nghiệp hạt nhân đang muốn thúc đẩy thế hệ công nghệ điện hạt nhân mới với lập luận rằng chúng an toàn, rẻ và hiệu quả hơn. Họ cũng chỉ ra rằng năng lượng tái tạo như gió và Mặt Trời sẽ không đủ để giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu được nêu ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow vừa qua.

Gần 200 quốc gia tại hội nghị đã cam kết những nỗ lực mới để ngăn nhiệt độ Trái Đất nóng hơn 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Tuy nhiên, các quốc gia đang đối mặt với rất nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu nói trên ngay cả khi họ tăng cường đầu tư vào năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời, bởi sản lượng điện dễ bị biến động theo nhiều yếu tố khác nhau. Khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, giá năng lượng tăng đột biến gần đây cũng là lý do khiến các chính phủ châu Âu chạy đua tìm kiếm những nguồn cung cấp điện thay thế ổn định hơn.

* Châu Âu vẫn chia rẽ trong vấn đề năng lượng hạt nhân

Ông Kirsty Gogan, thành viên Ban Cố vấn và Nghiên cứu Đổi mới Hạt nhân (Anh) và là người sáng lập TerraPraxis - một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ năng lượng hạt nhân trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, cho biết: "Đây là một thập kỷ quan trọng và tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến sự thay đổi thực sự."

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng tin tưởng rằng năng lượng hạt nhân là một giải pháp khả thi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Mười năm trước, chỉ vài tháng sau trận động đất và sóng thần gây ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) khiến hơn 150.000 người phải sơ tán, Chính phủ Đức nhanh chóng tuyên bố sẽ dần dần đóng cửa các nhà máy hạt nhân trong nước. Giờ đây, Đức đang đại diện cho một nhóm các quốc gia muốn ngăn chặn những nỗ lực gia tăng vai trò của điện hạt nhân trong hệ thống năng lượng xanh của châu Âu. Berlin lo ngại về sự gia tăng của các nhà máy hạt nhân ở châu Âu cũng như chất thải phóng xạ mà các cơ sở này tạo ra.

Giới quan sát cũng đánh giá rằng các nhà máy điện hạt nhân, kể cả có ở quy mô nhỏ cũng mất ít nhất 10 năm để đi vào hoạt động, và như vậy là quá muộn để có thể đáp ứng nhu cầu khẩn cấp về chống biến đổi khí hậu. Vấn đề an toàn của điện hạt nhân cũng là một câu hỏi lớn, bên cạnh những quan ngại về cách xử lý và nơi chứa rác thải phóng xạ.

Mark Hibbs, chuyên gia cấp cao về hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (CEIP), cho biết chưa có số liệu chứng minh những "lò phản ứng hạt nhân mini" này có thể tạo ra điện giá rẻ và nhanh chóng. Ông Hibbs nghĩ rằng có thể sẽ cần 10 lò phản ứng hạt nhân mini để tạo ra lượng điện ngang bằng với 1 trạm điện hạt nhân truyền thống.

Trong khi đó, Pháp - nhà sản xuất năng lượng hạt nhân lớn nhất châu Âu - đã tạo dựng một liên minh với các nước Đông Âu muốn thu hút nhiều đầu tư hơn cho năng lượng hạt nhân, bao gồm Bulgaria, Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan và Romania. Nhóm này đang kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phân loại năng lượng hạt nhân vào lĩnh vực đầu tư "bền vững".

Động thái này sẽ "mở van" cho hàng tỷ euro hỗ trợ của nhà nước và vốn đầu tư của các quỹ hưu trí, ngân hàng và các nhà đầu tư khác đang tìm cách rót tiền vào lĩnh vực năng lượng. Ở chiều ngược lại, Áo, Đan Mạch, Luxembourg và Tây Ban Nha đã tham gia cùng Đức trong nỗ lực phản đối sáng kiến này trong các cuộc thảo luận ở Brussels./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục