Nâng quan hệ Mekong-Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược: Việt Nam được hưởng lợi gì?

19:33' - 11/10/2018
BNEWS Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Mekong-Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 tại Tokyo, và thăm Nhật Bản từ ngày 8 đến 10/10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. TTXVN xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.

Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong lần thứ 10 và thăm Nhật Bản. Xin Thứ trưởng cho biết thông tin về các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến công tác này?

 Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong lần thứ 10 và thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp. Thành công này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe vừa tái đắc cử Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, tiếp tục làm Thủ tướng và tiến hành cải tổ Nội các; các nước khu vực Mekong và Nhật Bản kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển cơ chế hợp tác Mekong - Nhật Bản; Việt Nam và Nhật Bản đang tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; và quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp, hiệu quả và thực chất trên mọi lĩnh vực.

Chỉ trong hơn hai ngày làm việc, Thủ tướng đã có hơn 30 hoạt động với chính giới và giới kinh tế Nhật Bản như lễ đón trọng thể, hội đàm, họp hội nghị cấp cao, dự chiêu đãi chính thức, tiếp kiến Nhà vua và Hoàng Thái tử, gặp Chủ tịch Hạ viện, gặp Chủ tịch Thượng viện, tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt, phát biểu báo chí, thực hiện khoảng 15 cuộc gặp riêng với các tổ chức, tập đoàn kinh tế, 4 cuộc gặp chung với các nhóm hàng chục nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản trong các lĩnh vực hạ tầng-bất động sản, ngân hàng-tài chính, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ...; dự Diễn đàn Mekong-Nhật Bản và chủ trì Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Nhật Bản với sự tham dự của hơn 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.

Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết các hoạt động trên của Thủ tướng Chính phủ đóng góp như thế nào cho quan hệ hai nước Việt Nam-Nhật Bản?

Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Về quan hệ song phương, chuyến công tác là dịp để hai bên nhìn lại quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực và đã đạt được rất nhiều kết quả thực chất. Tôi xin điểm lại những kết quả nổi bật là:

Thứ nhất, chuyến thăm góp phần thắt chặt quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Shinzo Abe, tạo dựng quan hệ giữa Lãnh đạo các Bộ, ngành của ta với thành viên Nội các mới trong chính phủ của Thủ tướng Abe, góp phần tăng cường tin cậy chính trị và hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Chính phủ Nhật Bản đã đón tiếp Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với nghi lễ của chuyến thăm chính thức. Nhật Bản khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực; coi trọng Việt Nam trong chính sách khu vực của Nhật Bản, sẵn sàng hợp tác vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Thứ hai, hai bên đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trên mọi lĩnh vực.

Về hợp tác chính trị, hai bên đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng và toàn diện của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua; nhất trí tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; tiếp tục thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa Quốc hội, nghị sĩ hai nước.

Về hợp tác quốc phòng-an ninh, hai bên khẳng định thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh hiệu quả, thực chất, tập trung vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ trang bị quốc phòng, quân y, an ninh mạng, đối phó cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia, phòng cháy chữa cháy, tẩy độc điôxin. Nhật Bản mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương và chương trình đối tác 3 bên với Liên hợp quốc (LHQ) nhằm hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Về kinh tế, hai bên đánh giá cao hiệu quả và cần tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác giữa hai nước; nhất trí thúc đẩy nâng kim ngạch thương mại song phương, tiếp tục trao đổi để tạo điều kiện cho thủy sản và hoa quả của hai nước vào thị trường của nhau như vải, nhãn của Việt Nam sớm vào Nhật Bản và táo, cam tươi Satsuma của Nhật Bản vào Việt Nam.

Hai bên đã bàn đến những lĩnh vực hợp tác mới mà Việt Nam quan tâm như kết nối thông tin, trí tuệ nhân tạo, xây dựng thành phố thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, thành lập các chuỗi sản xuất...

Nhật Bản cũng đang có những đánh giá để xem xét tạo điều kiện cho công dân Việt Nam nhập cảnh Nhật Bản và nhập thêm sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Tổng trị giá các giấy phép và thoả thuận hợp tác đầu tư đạt được trong chuyến công tác của Thủ tướng xấp xỉ 10 tỷ USD.

Thứ ba, hai bên nhất trí tiếp tục chia sẻ lập trường, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế vì lợi ích của hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực và thế giới.

Hai Thủ tướng khẳng định cùng nỗ lực thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nhật Bản khi Việt Nam đang giữ vai trò điều phối viên ASEAN-Nhật Bản từ tháng 8/2018. Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá cao vai trò, vị thế và những đóng góp tích cực của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực; mong phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để đạt thỏa thuận thực chất về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2018, thúc đẩy Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sớm có hiệu lực.

Về vấn đề Biển Đông, tại các cuộc gặp gỡ song phương, và cả trong Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản, các nước khẳng định sự cần thiết duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, đảm bảo trật tự pháp lý ở Biển Đông và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình. Các nước ghi nhận những lo ngại về diễn biến phức tạp ở Biển Đông và yêu cầu đảm bảo thực thi Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.

 Các đại biểu tiễn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân tại sân bay quốc tế Haneda, Tokyo. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN

Phóng viên:Theo thông tin được công bố thì Lãnh đạo các nước Mekong và Nhật Bản đã quyết định nâng cấp quan hệ hợp tác Mekong-Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược, vậy Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ quyết định này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược thể hiện các nước đánh giá hợp tác Mekong-Nhật Bản thực sự hiệu quả. Các bên cũng thấy được các điểm tương đồng liên quan đến chiến lược của các bên và gắn trực tiếp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của mỗi bên. Tức sự kết nối về chiến lược phát triển kinh tế xã hội toàn diện giữa Nhật Bản và các nước Mekong. Việt Nam và Nhật Bản là mối quan hệ đối tác chiến lược, nên việc nâng cấp này bổ sung thêm một khung khổ hợp tác nữa về đa phương, qua đó, thúc đẩy hợp tác đa phương của ta với Nhật Bản và đóng góp cho sự liên kết chung trong khu vực.

Trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Nhật Bản, hàng trăm dự án trị giá hàng chục tỷ USD đã được thực hiện. Ba năm qua, riêng Nhật Bản đã dành nguồn ngân sách tương đương 7 tỷ USD cho cơ chế hợp tác này, chưa kể nguồn lực của các nước Mekong, đóng góp cho sự phát triển của các nước Mekong, trong đó có Việt Nam. Các dự án đã triển khai tại Việt Nam cũng rất cụ thể về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao khả năng của thể chế, cải tiến các thủ tục của Việt Nam với các nước Mekong thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại...

Với quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược và định hướng phát triển trên ba trụ cột là kết nối sống động và hiệu quả, xã hội lấy người dân làm trung tâm và hiện thực hoá một Mekong xanh, tôi tin rằng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa trong việc tranh thủ các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, kinh tế số, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong, ứng phó biến đổi khí hậu... Sự tăng cường hợp tác này cũng sẽ góp phần xây dựng một khu vực Mekong hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển./.

>>> Một số dự án nổi bật của Việt Nam trong hợp tác Mekong-Nhật Bản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục