Năng suất lao động của các nền kinh tế đang có tín hiệu cải thiện mạnh mẽ

05:30' - 02/09/2021
BNEWS Đã có những dấu hiệu cho thấy tình trạng trì trệ năng suất lao động của các nền kinh tế đang có sự cải thiện mạnh mẽ.

 

Trong bài viết đăng tải trên trang Financial Review, chuyên gia Martin Sanbu đã minh chứng cho nhận định trên bằng cách phân tích hiện trạng kinh tế Mỹ.

Các nhà kinh tế Ataman Ozyildirim and Klaas de Vries thuộc tổ chức tư vấn Mỹ The Conference Board dự đoán, sau thời kỳ suy thoái vào năm ngoái, nền kinh tế Mỹ năm 2021 sẽ bước vào đợt tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) hơn 2%.

Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) là chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả "lao động" và "vốn" trong một hoạt động cụ thể của doanh nghiệp hay của nền kinh tế. Trong tình huống sau đại dịch, điều này có thể hiểu đơn giản là, trong quá trình phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp đưa nhiều lao động và vốn vào hoạt động sản xuất hơn.

Tỷ lệ tăng trưởng 2% nếu đạt được trong năm nay sẽ bù đắp cho mức giảm nhẹ của TFP trong năm 2020 - một hệ quả tự nhiên của việc tồn đọng vốn do máy móc không hoạt động. Đây cũng là mức tăng đáng kể bởi tốc độ tăng trưởng TFP hàng năm của Mỹ gần bằng 0 trong suốt một thập kỷ trước đại dịch.

Mỹ không phải là trường hợp duy nhất cho thấy dấu hiệu của tăng trưởng năng suất lao động. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng năng suất lao động ở hầu hết các quốc gia có thu nhập cao.

Dự báo cho biết, tại Mỹ, chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính trên mỗi giờ làm việc sẽ tăng 6,7% trong giai đoạn từ quý IV/2019 đến quý IV/2022. Con số này cao gấp đôi so với mức tăng 3,3% trong giai đoạn ba năm trước đó.

Các nước thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng được dự đoán sẽ có mức gia tăng tương tự. Năng suất lao động của Nhật Bản dự kiến tăng 2% trong vòng ba năm tính đến hết năm 2022, sau khi chứng kiến sự sụt giảm trong ba năm trước đó. Đức ghi nhận tốc độ tăng trưởng trong ba năm ở ngưỡng 1,1% lên 2,6%. Pháp từ 1,8% lên 2,5%, Anh từ 0,6% lên 3,7% và Italy từ 0 lên 1,4%.

Trong số 9 nền kinh tế giàu có nhất thế giới, chỉ có Hàn Quốc chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng năng suất vào giai đoạn này, nhưng con số của nước này vẫn rất cao, ở mức 4%.

Dự báo có thể không hoàn toàn chính xác. Nhưng với sự phục hồi mạnh mẽ đang diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế phát triển, kết quả này có nhiều phần chắc chắn. Tác giả lưu ý, vào năm 2019, các nhà kinh tế học đã lo lắng rằng sự phục hồi hậu khủng hoảng tài chính sẽ mất dần động lực và kéo theo đó là tăng trưởng năng suất trì trệ. Vậy điều gì đã mang lại sự bùng nổ năng suất sau đại dịch?

Tác giả lý giải, năng suất lao động có thể tăng nếu số lượng người lao động giảm đi, ví dụ như những công nhân có năng suất thấp nhất bị mất việc. Khi đại dịch diễn ra vào mùa Xuân năm 2020, lực lượng lao động tại Mỹ đã bị sụt giảm đáng kể. Chính điều này đã thúc đẩy các doanh nghiệp thuyết phục nhân viên tăng hiệu quả công việc, cải tiến kỹ thuật để gia tăng năng suất. Đây có thể là sự thay đổi thực sự về cách thức sử dụng lao động một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, khi dịch bệnh được đẩy lùi theo dự báo của các chuyên gia, khả năng việc làm sẽ quay trở lại tương đương mức trước đại dịch. Vậy làm thế nào giữ năng suất lao động tiếp tục tăng nhanh? Và liệu có thể duy trì mức tăng này ổn định trong tương lai? 

Tác giả cho rằng, năng suất cao hơn nghĩa là số lượng người lao động ít hơn nhưng sẽ phải làm ra nhiều sản phẩm hơn, với ít thời gian hơn. Điều này đã được các nền kinh tế có thu nhập cao áp dụng từ năm ngoái, thông qua hai cách thức rõ ràng.  

Như hai nhà kinh tế Ozyildirim và de Vries đã chỉ ra: "Việc tăng cường áp dụng các công nghệ kỹ thuật số có thể dẫn đến đẩy nhanh năng suất lao động... Tăng trưởng nguồn cung lao động chậm và thiếu hụt lao động có thể thúc đẩy các công ty tập trung nhiều hơn vào đổi mới thông qua tăng tốc tự động hóa và chuyển đổi kỹ thuật số".

Thế giới đã chứng kiến cách mà công nghệ thúc đẩy năng suất, từ việc tiết kiệm thời gian di chuyển và đi lại bằng cách cho phép người lao động làm việc từ xa, đến sự tăng vọt về doanh số bán hàng trực tuyến và thanh toán kỹ thuật số trong lĩnh vực bán lẻ.  

Do đó, theo tác giả, các chính phủ có thể khuyến khích doanh nghiệp duy trì thành quả của họ - chẳng hạn như không thúc đẩy việc quay trở lại hiện trạng bắt buộc phải làm việc tại văn phòng. Nói một cách khác, tác giả cho rằng thiếu hụt lao động có thể là một điều tốt cho các nền kinh tế.

Tác giả phân tích, hầu như không ngày nào trôi qua mà không có tin tức về việc các nhà quản lý phàn nàn rằng họ không thể tìm thêm nhân viên. Điều đó được hiểu là người lao động sẽ phải làm việc với nguồn lực ít hơn, nhưng hiệu suất cao hơn.

Lịch sử kinh tế và nhận thức chung cho thấy khi cầu vượt quá cung, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu "cuộc chơi" của mình bằng cách tăng năng suất. Tăng trưởng năng suất có thể được hưởng lợi từ sự kết hợp của ba yếu tố: nhu cầu dự kiến duy trì mạnh mẽ; vốn và công nghệ phải chăng; và đào tạo để không ngừng để nâng cao kỹ năng của người lao động.

Sự kết hợp ba yếu tố này cho thấy doanh nghiệp sẽ cố gắng cạnh tranh để giành được người lao động. 

Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng khi thế giới "đánh bại" được dịch COVID-19, các quốc gia nên dần thích nghi với tình trạng thiếu hụt lao động./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục