Triển vọng năng suất kinh tế Mỹ cải thiện mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19

05:30' - 26/04/2021
BNEWS Với vaccine COVID-19 đang được triển khai rộng rãi và các chính sách tài khóa đang hỗ trợ thúc đẩy tổng cầu, nền kinh tế Mỹ đã sẵn sàng trở lại mức sản lượng như thời trước đại dịch vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường lao động sẽ chậm hơn nhiều và phân bổ không đồng đều, với khả năng việc làm khó có thể trở lại mức đỉnh điểm như hồi trước đại dịch cho đến năm 2024.

Năng suất cao hơn nhờ tiến trình tự động hoá...

Nếu tăng trưởng sản lượng vượt quá tăng trưởng việc làm trong vài năm tới, thì năng suất sẽ tăng lên, ít nhất là tạm thời. Dự báo gần đây nhất của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) nhận định tăng trưởng năng suất lực lượng lao động tại Mỹ sẽ là 1,5% mỗi năm trong giai đoạn 2021-25, so với mức trung bình 1,2% mỗi năm từ năm 2008 đến năm 2020.

Để đối phó với đại dịch, nhiều công ty - đặc biệt là những công ty lớn – đã có những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy năng suất thông qua tự động hóa, số hóa và tổ chức lại hoạt động, bao gồm cả việc chuyển đổi nhanh sang làm việc tại nhà, để tăng tính hiệu quả và khả năng phục hồi.

Trong một cuộc khảo sát vào tháng 12/2020 của McKinsey & Company đối với các giám đốc điều hành doanh nghiệp ở khu vực Bắc Mỹ và 6 quốc gia châu Âu (chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu), 51% người được hỏi cho biết họ đã tăng cường đầu tư vào công nghệ mới trong năm 2020 và 75% cho biết họ dự định làm như vậy trong giai đoạn 2020-24.

Hơn nữa, một cuộc khảo sát năm 2020 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện cho thấy 80% doanh nghiệp có kế hoạch tăng cường việc số hóa hoạt động của họ và mở rộng làm việc từ xa, trong khi 50% dự định đẩy nhanh quá trình tự động hóa các nhiệm vụ sản xuất. 

Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây của Viện McKinsey Toàn cầu (MGI) cũng xác định các cơ hội để tăng năng suất trên nhiều lĩnh vực, ví dụ như chăm sóc sức khỏe (y tế từ xa), xây dựng, bán lẻ (thương mại điện tử và tự động hóa kho hàng), ngân hàng (thanh toán kỹ thuật số và kết hợp làm việc từ xa), sản xuất (robot, kênh kỹ thuật số và xe hơi được kết nối), và thậm chí cả ngành du lịch đang gặp nhiều khó khăn (làm việc nhanh nhẹn hơn). Đây là những lĩnh vực chiếm khoảng 60% nền kinh tế phi nông nghiệp, 

Nếu tất cả tiềm năng này được hiện thực hóa, tăng trưởng năng suất lao động hàng năm ở Mỹ và một số nền kinh tế châu Âu có thể tăng thêm khoảng 1% từ năm 2019 đến năm 2024. Tuy nhiên, sự cải thiện mạnh mẽ từ phía cung đòi hỏi những thay đổi nhằm thúc đẩy năng suất lan tỏa từ các doanh nghiệp lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dù vậy, rất nhiều công ty vừa và nhỏ cho đến nay vẫn không thể hoặc miễn cưỡng tăng cường đầu tư vào việc tự động hóa hoặc số hóa chuỗi cung ứng, cũng như các hoạt động và mô hình giao hàng của họ. Nếu không có sự đầu tư như vậy, khoảng cách năng suất giữa các công ty "siêu sao" lớn và một loạt các đối thủ cạnh tranh tụt hậu sẽ tăng lên, làm giảm mức tăng năng suất của nền kinh tế.

... nhưng quỹ đạo tổng cầu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực

Trong khi đó, điều quan trọng không kém là quỹ đạo của tổng cầu, vốn phụ thuộc vào những gì xảy ra đối với tăng trưởng thu nhập và việc làm. Lời giải thích thuyết phục nhất cho đà tăng trưởng năng suất đáng thất vọng một thập kỷ qua sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 là do nhu cầu tiêu dùng và đầu tư yếu kém kinh niên. 

Mặc dù sự tăng tốc của số hóa và tự động hóa trong thời kỳ đại dịch có thể thúc đẩy năng suất về phía cung, nhưng nó cũng có thể tác động tiêu cực đến phía cầu, bằng cách cản trở tăng trưởng thu nhập lao động và tiêu dùng - một yếu tố quyết định chính đối với tăng trưởng kinh tế nói chung.

Trong năm tới, tăng trưởng tiêu dùng có thể sẽ còn mạnh mẽ do nhu cầu bị dồn nén sau đại dịch được giải phóng và các đợt kích thích tài khóa ồ ạt. Tuy nhiên theo thời gian, tác động của các biện pháp năng suất tập trung vào hiệu quả và quá trình số hóa tăng tốc có thể làm giảm tăng trưởng việc làm và thu nhập, khiến sự phân cực trong thị trường lao động sâu sắc hơn và loại bỏ các công việc có kỹ năng trung bình, do đó hạn chế tăng trưởng tiêu dùng ở những người có xu hướng chi tiêu cao nhất .

Các tác động lâu dài có thể là đáng kể. Khoảng 60% tiềm năng năng suất được xác định trong báo cáo gần đây của MGI phản ánh việc cắt giảm nhân công và các chi phí khác nhằm thúc đẩy hiệu quả.

Cuộc khảo sát của WEF cho thấy 43% doanh nghiệp được khảo sát dự đoán lực lượng lao động của họ sẽ giảm do kết quả của quá trình tự động hóa và kỹ thuật số hóa do đại dịch. Trong một báo cáo liên quan, MGI ước tính rằng thêm 5% công nhân (khoảng 8 triệu người) có thể bị thay thế bởi tự động hóa/số hóa vào năm 2030.

Tại Mỹ và các nền kinh tế công nghiệp phát triển khác, tác động tiêu cực lớn nhất của đại dịch đối với việc làm và thu nhập là trong dịch vụ ăn uống, bán lẻ, khách sạn, dịch vụ khách hàng và hỗ trợ văn phòng.

Nhiều công việc lương thấp trong số này có thể biến mất hoàn toàn nếu việc cắt giảm thời gian làm việc tại văn phòng và việc đi công tác do đại dịch gây ra làm giảm nhu cầu đối với vô số dịch vụ như dọn dẹp văn phòng, an ninh và bảo trì, vận chuyển, nhà hàng và dịch vụ khách sạn. 

Đầu tư yếu kém gây ra một rủi ro khác từ phía cầu đối với tăng trưởng năng suất tiềm năng. Tỷ lệ đầu tư kinh doanh nhìn chung đã giảm trong thời gian dài trước đại dịch và đầu tư kể từ đó đã thu hẹp hơn nữa do đầu tư của các công ty tư nhân đã giảm so với mức đỉnh năm 2019. 

Để thúc đẩy tiềm năng tăng năng suất cao hơn, các cơ quan tài chính và tiền tệ nên định hình các chính sách phục hồi với hai mục tiêu lớn: thúc đẩy tăng trưởng thu nhập và tiêu dùng mạnh mẽ và bao trùm, đồng thời thúc đẩy đầu tư công và tư đối với vốn hiện vật (cơ sở hạ tầng và nhà ở giá rẻ), vốn nhân lực (giáo dục và đào tạo) và kiến thức (nghiên cứu và phát triển).

Ngoài ra, do sự thiếu hụt đáng kể trong cơ sở hạ tầng công cộng, hậu quả của nhiều thập kỷ thiếu hụt đầu tư, kế hoạch cơ sở hạ tầng của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden có thể thu hút đầu tư tư nhân, thúc đẩy đầu tư tổng thể trong ngắn hạn và tăng năng suất tiềm năng của nền kinh tế về dài hạn./.                                                                                                         

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục