Năng suất lao động - động lực dẫn dắt tăng trưởng

07:30' - 02/10/2015
BNEWS Năng suất lao động phải trở thành động lực cốt lõi dẫn dắt tăng trưởng. Việt Nam phải đẩy mạnh cải thiện năng suất nội ngành, nội khu vực thông qua cải tiến công nghệ, quy mô và trình độ lao động.

Theo các chuyên gia kinh tế, để gỡ "nút thắt" trong quá trình phát triển kinh tế, năng suất lao động phải trở thành động lực cốt lõi dẫn dắt tăng trưởng. Việt Nam phải đẩy mạnh cải thiện năng suất nội ngành, nội khu vực thông qua cải tiến công nghệ, quy mô và trình độ lao động.

Việt Nam phải đẩy mạnh cải thiện năng suất nội ngành: Vũ Sinh - TTXVN

Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), khẳng định để mức thu nhập bình quân đầu người tiệm cận tới 15.000 USD/người/năm vào năm 2035, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ tăng khá, điểm mấu chốt trong vòng 20 năm tới của Việt Nam là phải bảo đảm năng suất lao động tốt.

TS. Hồ Đình Bảo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, năng suất lao động phải trở thành động lực cốt lõi dẫn dắt tăng trưởng. Theo TS Bảo, Việt Nam cần vực dậy làn sóng tăng trưởng dựa vào các nhân tố khởi nguồn tăng trưởng mới có thể thay thế cho “sự hụt hơi” của những động lực tăng trưởng cốt lõi trước đây.

Trong đó, Việt Nam phải đẩy mạnh cải thiện năng suất nội ngành, nội khu vực thông qua cải tiến công nghệ, quy mô và trình độ lao động.

Ngoài ra, Chính phủ phải nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Đây mới chính là khu vực đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng năng suất lao động trong giai đoạn sắp tới.

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Việt Nam cần phân bổ hợp lý lực lượng lao động giữa các vùng miền nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Đây là động lực tăng năng suất lao động theo chiều rộng.

Bên cạnh đó, phải tạo một bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng bộ với tái cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực nhằm đảm bảo cân đối cung cầu lao động. Việt Nam cũng cần cơ cấu lại năng suất lao động trong nội bộ các ngành kinh tế, đặc biệt trong khu vực nông nghiệp.

Nông nghiệp một trong trong những linh vực cần được cơ cấu lại về NSLĐ. Ảnh: Văn Trí-TTXVN
Ngoài ra, cũng cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.

Để thu hẹp khoảng cách về năng suất lao động với các nước trong khu vực, WB khuyến nghị rằng, Việt Nam nên điều hòa việc tăng lương tối thiểu trong tương lai liên kết với sự tăng năng suất lao động. Lương tối thiểu sẽ hiệu quả nhất nếu nó được quyết định chủ yếu dựa trên các yếu tố về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Năng suất lao động là yếu tố quan trọng khi quyết định mức lương tối thiểu. Đi kèm đó là các công cụ chính sách khác hiệu quả, có thể kết hợp với lương tối thiểu nhằm đảm bảo mọi người có thể sống trên mức nghèo.

Để đạt được sự chuyển đổi, trong ngắn hạn, khu vực tư nhân của Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc điều hòa tốc độ điều chỉnh lương tối thiểu. Trong trung hạn, cần đưa ra các kế hoạch hiện có gắn điều chỉnh lương tối thiểu với tăng năng suất lao động thực tế./.

Quốc Huy

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục