Năng suất lao động thấp: Nút thắt cho sự phát triển

09:29' - 01/10/2015
BNEWS Năng suất lao động thấp sẽ là “nút thắt” trong quá trình phát triển nếu không được xử lý kịp thời. Trong vòng 15 năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã giảm đáng kể, và rất thấp so với khu vực.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, so với 20 năm trước, khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực tuy đã được thu hẹp, song vẫn còn một khoảng cách khá xa để có thể đuổi kịp.

Năng suất lao động của Việt Nam có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.

Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Cụ thể, nếu năm 1994 năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia lần lượt gấp 29,2 lần; 10,6; 4,6; 3,1 và 2,9 lần của Việt Nam, thì đến năm 2013 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 18 lần; 6,6; 2,7; 1,8 và 1,8 lần.

Nếu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng như hiện nay, phải đến năm 2038, Việt Nam mới có thể bắt kịp năng suất lao động của Philipines và phải đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan. Như vậy, năng suất lao động của Việt Nam đang thua Philipines 20 năm và thua Singapore tới… 50 năm.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu khi năng suất lao động chưa cải thiện. Bên cạnh đó, năng suất lao động lại chỉ tăng chủ yếu nhờ chuyển dịch lao động. Vốn đầu tư chỉ đổ vào các ngành năng suất thấp như tài chính - ngân hàng, bất động sản cũng là điều bất hợp lý, khiến thị trường sai lệch.

Theo TS. Hồ Đình Bảo, đại diện nhóm nghiên cứu về năng suất lao động của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ số năng suất tổng hợp của Việt Nam chỉ xấp xỉ Lào và cao hơn Campuchia 36,4%. Điều này sẽ khiến cho quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam rất khó khăn.

Không chỉ dừng lại ở đó, nếu tính năng suất lao động theo giờ công, trong năm 2012, một giờ lao động của một người lao động Singapore tạo ra được 49,5 USD giá trị gia tăng; người Nhật Bản tạo ra 38,4 USD; người Hàn Quốc tạo ra 24,4 USD; người Malaysia tạo ra 20,5 USD... Trong khi đó, một giờ của một lao động Việt Nam chỉ tạo ra được 3,4 USD.

Một giờ của một lao động Việt Nam chỉ tạo ra được 3,4 USD. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Mặt khác, tốc độ về tăng năng suất lao động của Việt Nam cũng đang chậm dần lại, trong khi nhìn sang các nước khác thì chưa hẳn tốc độ của họ giảm dần.

"Cứ cho là người ta đứng hơn một chỗ thì phải hơn 10 năm nữa chúng ta mới bắt kịp Indonesia hay Philipines. Tuy nhiên thực tế là người ta không bao giờ đứng yên. Theo một báo cáo, nếu như tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam và Thái Lan như hiện nay thì phải đến năm 2069 - tức là 54 năm nữa, năng suất lao động của Việt Nam mới tương đương Thái Lan. Đây là vấn đề chúng ta phải đặc biệt quan tâm", ông Bảo nói.

Trong khi đó, bàn về năng suất lao động của Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cũng nhận định, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay rất thấp.

Nhìn từ 2010 đến nay, năng suất lao động của ASEAN vẫn gấp 2/3 lần Việt Nam. Ngay cả như Lào, trong mấy năm liên tục năng suất lao động vẫn bám sát Việt Nam.

Myanmar trước đây năng suất lao động chỉ bằng 0,6 lần Việt Nam, tuy nhiên các năm qua đã tịnh tiến dần và đến năm 2014 đã bằng 0,9 lần của Việt Nam. Thậm chí trong thời gian tới có khi còn vượt qua cả Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam rất thấp. Theo báo cáo của Chính phủ, lao động qua đào tạo năm 2014 là 49%; trong đó lao động qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 19% là 1 thách thức của nguồn nhân lực nước ta.

Trong khi, cơ cấu nguồn nhân lực hiện nay còn bất hợp lý, tỷ lệ đại học trở lên là 1, trung học chuyên nghiệp là 1,3 và công nhân kỹ thuật chỉ 0,92%, (cơ cấu hợp lý của quốc tế là 1-4-10). Do đó, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển là đương nhiên.

Điều đáng nói là trong khi năng suất lao động ở hàng thấp nhất trong khu vực thì lương tối thiểu của Việt Nam lại đang tăng nhanh hơn năng suất lao động.

Theo báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành mới đây, tỷ lệ lương tối thiểu trên lương trung bình/trung vị – lương tối thiểu của khu vực tư nhân tại Việt Nam tương đối cao so với các quốc gia khác. Kể từ năm 2006, mức lương tối thiểu đã tăng hơn gấp đôi, trong khi tăng trưởng năng suất lao động rất chậm chạp.

Báo cáo của WB cũng chỉ ra rằng, nếu lương tối thiểu vượt năng suất lao động thì chủ sử dụng lao động có thể tuyển lao động không chính thức, không ký hợp đồng lao động để tránh các quy định của lương tối thiểu.

Việt Nam cần cải thiện năng suất lao động để đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp.

Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Trong khi đó, Việt Nam thu hút vốn FDI một phần nhờ vào việc chi phí nhân công rẻ nên tồn tại rủi ro mức lương tối thiểu cao sẽ ngăn cản thu hút vốn đầu tư FDI và việc làm tạo ra nhờ FDI.

Tăng lương tối thiểu góp phần làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác như Bangladesh, Campuchia, Myanmar… những nước có mức tiền lương thấp hơn.

Cũng theo tính toán của WB, năng suất lao động trong ngành nông nghiệp lúc nào cũng thấp nhất và tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cũng thấp, làm cho thu nhập của nông nghiệp tụt hậu so với toàn bộ nền kinh tế.

Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nhấn mạnh, trong giai đoạn 20 - 25 năm qua, năng suất lao động của Việt Nam theo chiều hướng đi xuống. Theo đó, việc thay đổi xu hướng về năng suất lao động là điều vô cùng quan trọng. Để đạt được tăng trưởng năng suất lao động phải có tăng trưởng năng suất lao động từng ngành.

Nếu nhìn vào quy mô 94% các công ty của Việt Nam thuộc loại nhỏ, (có chưa đến 50 lao động) thì khó có thể tận dụng được lợi thế kinh tế từ quy mô. Tuy nhiên, những công ty có quy mô trên 300 lao động năng suất còn thấp hơn nữa, và đó là điều bất thường.

Thực tế cho thấy, trong 3 năm 2011 - 2013, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chỉ hơn 3%/năm, trong khi GDP vẫn tăng trưởng ở mức trên dưới 5%. Tức là năng suất lao động còn tăng chậm hơn cả tăng GDP quốc gia.

Đây cũng là một cảnh báo, nếu Việt Nam vẫn không có những điều chỉnh kịp thời thì tốc độ tăng chậm của năng suất lao động sẽ kéo tăng trưởng GDP quốc gia xuống và Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu của một nước công nghiệp hóa.

Quốc Huy

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục