Ngành du lịch Campuchia trước tác động của đại dịch COVID-19

05:30' - 28/05/2020
BNEWS Không thể phủ nhận thực tế rằng đại dịch COVID-19 đã phá hoại tất cả các ngành kinh tế, trong đó tác động mạnh đến lĩnh vực du lịch và lữ hành.
Quang cảnh khu đền Angkor Wat ở tỉnh Siem Reap, cách thủ đô Phnom Penh của Campuchia 314km về phía Tây Bắc. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Khmer Times vừa đăng bài viết của tác giả Geraldine Tan, nghiên cứu sinh tại Trung tâm Kinh tế Số (CIDE) thuộc Viện Tầm nhìn châu Á (Campuchia) đồng thời là diễn giả hàng đầu về du lịch thuộc Viện Công nghệ Kirirom. Bài viết có nội dung như sau.

Không thể phủ nhận thực tế rằng đại dịch COVID-19 đã phá hoại tất cả các ngành kinh tế, trong đó tác động mạnh đến lĩnh vực du lịch và lữ hành.

Các quốc gia đang phải áp dụng các biện pháp kiểm soát khác nhau trong nỗ lực giám sát và giảm thiểu khả năng lây lan của dịch bệnh, trong đó biện pháp đóng cửa và hạn chế đi lại được sử dụng nhiều nhất. Biện pháp này đang khiến ngành du lịch toàn cầu tạm thời ngưng trệ vì người dân bị hạn chế di chuyển.

“Cú giáng” của đại dịch COVID-19

Tại Campuchia, 2.865 cơ sở kinh doanh du lịch thông báo tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa. Động thái này đang tàn phá kinh tế Campuchia vì du lịch là một trong những lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế, cùng với may mặc và giày dép (chiếm 80% lượng hàng hóa xuất khẩu của Campuchia).

Theo báo cáo của tờ New Straits Times, du lịch đóng góp 12,1% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia và sử dụng 630.000 lao động. Việc những lao động trong ngành du lịch Campuchia rơi vào tình trạng hoảng loạn vì sợ mất việc ảnh hưởng tiêu cực ngay lập tức đến kinh tế và xã hội của nước này.

Tuy nhiên, mặc dù đóng cửa hàng loạt cơ sở kinh doanh du lịch, trong tuần thứ hai của tháng 3/2020, hơn 190.000 lượt khách du lịch nội địa và quốc tế đã tới thăm các điểm du lịch và khu nghỉ dưỡng ở Campuchia. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bất chấp tình trạng không thể đi lại qua biên giới, người dân vẫn muốn đi du lịch.

Câu hỏi được đặt ra là đi du lịch như vậy có an toàn và nên tiếp tục hay không? Vẫn có thể đi du lịch nếu mỗi người khách đi lại có trách nhiệm. Khách du lịch, người địa phương và tất cả các phần trong chuỗi giá trị du lịch đều làm đúng vai trò của mình trong việc đảm bảo ưu tiên cho sức khỏe cộng đồng, như khuyến cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO).

UNWTO mạnh mẽ lên tiếng về sự cần thiết phải có nghị định thư mới về sức khỏe và an toàn để tăng lòng tin của người dân về sự an toàn khi đi du lịch. Trong một bài báo công bố hôm 15/5 vừa qua, UNWTO tuyên bố “lòng tin chính là một đồng tiền mới”.

Nếu người dân tin tưởng rằng chính phủ và ngành du lịch dành ưu tiên cho sức khỏe của người dân, thì họ sẽ không ngần ngại đi du lịch trở lại như một số trường hợp ghi nhận ở Campuchia.

Hướng đi mới cho du lịch Campuchia

Việc khách du lịch nội địa và quốc tế thăm các điểm du lịch tại Campuchia là tín hiệu tốt cho nền kinh tế đang sụt giảm tăng trưởng. Tuy nhiên, lúc này cần thận trọng, du lịch có thể là con dao hai lưỡi trước khả năng bùng phát dịch COVID-19 thứ hai tại Campuchia.

Để ngăn chặn tình huống này, các nhà hoạch định chính sách nên áp dụng các quy định rõ ràng đối với tất cả các nhà cung cấp dịch vụ du lịch và du khách để đảm bảo tính bền vững và an toàn khi đi du lịch.

Các điểm tập trung đông khách du lịch ở Campuchia là Angkor Wat và các ngôi đền trên khắp nước này nên giới hạn lượng khách thăm quan vào cùng một thời điểm. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới ((WEF), người dân sẽ có xu hướng tới thăm những điểm bớt đông người.

Việc quản lý lượng khách thăm quan có ý nghĩa quyết định trong việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Thêm vào đó, cần bắt buộc tất cả du khách, hướng dẫn viên du lịch và những người làm việc tại các điểm du lịch tuân thủ các quy định về vệ sinh như luôn đeo khẩu trang. Các điểm vệ sinh và lau chùi sát khuẩn phải luôn sẵn sàng ở khu du lịch và trục giao thông chính.

Khách du lịch trẻ quan tâm nhiều hơn đến du lịch sinh thái, du lịch gần gũi với thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, khám phá các hòn đảo trên biển và các tỉnh xa. Điều này cho thấy có sự thay đổi về nhu cầu tham quan của du khách tại Campuchia trong mùa đại dịch.

Thay vì đổ đến các điểm du lịch đông người, du khách chọn các điểm đến cho phép thực hiện giãn cách xã hội. Các điểm xa được yêu thích hơn ở đô thị để tránh tụ tập đông người.

Campuchia giàu tài nguyên thiên nhiên. Nếu được giới thiệu và phát triển một cách hợp lý, một loại hình du lịch mới sẽ trở thành tiềm năng đưa ngành du lịch nước này phục hồi.

Thay vì tập trung vào các điểm du lịch chính tại Campuchia như hiện nay, điều lý tưởng hơn là nhìn xa và đầu tư vào các loại hình du lịch khác có thể chống chọi được trong thời gian dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Du lịch sinh thái có thể phát triển tại Campuchia.

Những người kinh doanh trong ngành du lịch và những nhà hoạch định chính sách nên đầu tư để thu hút sự chú ý đối với các điểm du lịch mới, vì du lịch là một ngành có khả năng hồi phục và hồi phục nhiều lần như lịch sử đã cho thấy.

Du lịch sinh thái có tiềm năng mang lại nguồn thu mới cho ngành du lịch Campuchia với sự hỗ trợ của chính phủ và sự hợp tác của các nhà cung cấp dịch vụ du lịch và du khách.

Một ví dụ minh chứng cho quan điểm trên có thể nhận thấy tại Khu nghỉ dưỡng Kirirom Pine nằm trong khu vực Công viên Quốc gia Kirirom thuộc tỉnh Kampong Speu.

Để chống dịch, khu nghỉ dưỡng này đã thực hiện các biện pháp cần thiết như đảm bảo khẩu trang và đồ sát khuẩn luôn sẵn sàng dành cho khách, đảm bảo kiểm tra nhiệt độ bắt buộc khách tới thăm quan và lưu trú.

Cả nhân viên khu nghỉ dưỡng và khách được khuyến nghị đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Tuy nhiên, các bước tiếp theo nên làm là khử trùng thường xuyên các điểm như quầy lễ tân, nhà hàng, những nơi khách qua lại và phòng nghỉ.

Việc làm này chứng tỏ cả nhà cung cấp dịch vụ du lịch và du khách đều có trách nhiệm khi tham gia dịch vụ như khuyến nghị của UNWTO.

Trong bối cảnh hiện nay, các nước đang thực hiện các biện pháp khác nhau để đối phó với tác động của đại dịch COVID-19 lên ngành du lịch. Và Campuchia đang trong quá trình xác định biện pháp nào là phù hợp để áp dụng tại nước này.

Điều quan trọng là “đặt người dân lên trên hết”, theo đó các biện pháp y tế chặt chẽ cần phải được áp dụng để giảm nguy cơ đại dịch lây lan và hỗ trợ chính phủ tăng cường hợp tác quốc tế. Cho dù đề xuất chính sách thế nào, mỗi người tham gia du lịch đều phải có trách nhiệm đảm bảo du lịch an toàn và hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục