Ngành giao đồ ăn Đông Nam Á phát triển trong dịch bệnh (Phần 1)

06:30' - 17/09/2021
BNEWS Thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á phát triển nhanh, với sự tham gia của các nền tảng giao đồ ăn quốc tế và khu vực, giúp "nuôi dưỡng" nhiều nền tảng giao đồ ăn nhỏ tiếp tục phát triển.

Theo báo Liên hợp buổi sáng, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự nhộn nhịp của thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á, các nền tảng giao đồ ăn quốc tế và khu vực tích cực mở rộng quy mô, các nền tảng giao đồ ăn loại hình nhỏ của mỗi nước cũng duy trì lợi thế của mình bằng những sách lược khác nhau.  

Vài năm trở lại đây, thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á phát triển nhanh, không những các nền tảng giao đồ ăn quốc tế và khu vực tranh nhau thâm nhập, mà còn giúp "nuôi dưỡng" nhiều nền tảng giao đồ ăn nhỏ tiếp tục phát triển. 

Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, tỷ lệ sử dụng Internet và điện thoại di động cao, hạ tầng thanh toán từng bước hoàn thiện, văn hóa ẩm thực phát triển, cũng như thói quen của người tiêu dùng thay đổi đều là những nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển bùng nổ của thị trường giao đồ ăn.

Dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, cũng như các biện pháp ngăn chặn virus sau đó và những hình thức phòng dịch như làm việc tại nhà đã góp phần thúc đẩy thị trường giao đồ ăn tăng trưởng nhanh. 

Theo số liệu của Momentum Works, năm 2020, tổng giá trị giao dịch của các nền tảng giao đồ ăn tăng 183% so với năm 2019, quy mô thị trường đạt 11,9 tỷ USD. Trong đó, 3 thị trường lớn nhất lần lượt là Indonesia, Thái Lan và Singapore.

Phụ trách bộ phận nghiên cứu của Momentum Works Diêu Tử Văn cho biết, số liệu nghiên cứu của năm 2020 cho thấy tốc độ tăng trưởng của toàn thị trường có thể đạt 30-40% trong năm nay. Do dịch bệnh bắt đầu bùng phát trở lại từ tháng Tư, nên một số dữ liệu có thể không ổn định.

Đáng chú ý, tổng giá trị giao dịch của Singapore từ đầu năm đến nay đã ở mức tương đương với 60% của Indonesia, trong khi dân số chỉ bằng 2% “đất nước vạn đảo”. Theo nhà phân tích Diêu Tử Văn, đây là do Singapore đã áp dụng các biện pháp như đóng cửa các hàng ăn trong thời gian dịch bệnh, hơn nữa giá mỗi đơn hàng khá cao. 

Dịch vụ giao đồ ăn đã sớm xuất hiện ở Âu-Mỹ từ năm 1994 khi các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh như McDonald's và KFC “khai sinh” dịch vụ giao đồ ăn. 

Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực này ở Đông Nam Á gắn liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, sự phổ cập của Internet, cũng như việc nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẵn sàng tăng cường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông của Đông Nam Á trong 10 năm qua. 

* Thị trường giao thực phẩm hình thành “thế chân vạc”

Năm 2012, nền tảng giao thực phẩm và hàng tạp hóa foodpanda có trụ sở chính ở Đức đặt chân vào Singapore, trở thành doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tiên khởi động dịch vụ giao đồ ăn ở Đông Nam Á. 

Hiện nay, nền tảng giao đồ ăn của Đông Nam Á đã hình thành cục diện “thế chân vạc”. GrabFood có trụ sở chính ở Singapore, Deliveroo có trụ sở chính ở London và foodpanda đều triển khai nghiệp vụ kinh doanh ở châu Á, bao gồm các thành phố lớn của Đông Nam Á.  

Các thị trường Đông Nam Á mà GrabFood thâm nhập gồm có Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Myanmar.

Theo người phát ngôn của Grab, ở Singapore, GrabFood đã áp dụng một số biện pháp trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh trong 18 tháng qua để hỗ trợ các đối tác kinh doanh dịch vụ ăn uống gia nhập nền tảng, đồng thời tăng thêm cơ hội thu nhập. 

Số liệu khảo sát do GrabFood phối hợp với Euromonitor International tiến hành cho thấy, năm 2020, GrabFood chiếm 50% thị phần thị trường giao thực phẩm trực tuyến của khu vực, tỷ lệ này cao hơn 1,5 lần so với đối thủ đang theo sau.

Theo số liệu của Momentum Works, ở thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á năm 2020, tổng giá trị giao dịch của Grab đạt 5,9 tỷ USD, theo sau là foodpanda và Gojek, lần lượt chiếm 2,52 tỷ USD và 2 tỷ USD.

Không ít nền tảng giao đồ ăn tiếp tục mở rộng nghiệp vụ kinh doanh theo chiều dọc, những năm gần đây đã phát triển sang lĩnh vực giao hàng tạp hóa, bao gồm Grab, foodpanda, Deliveroo.

Người phát ngôn của foodpanda cho biết, vị trí địa lý của Đông Nam Á rất đặc biệt, foodpanda luôn tích cực mở rộng các thị trường châu Á có tiềm năng lớn. Ở Thái Lan, foodpanda là nền tảng giao hàng duy nhất bao phủ 77 tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, nền tảng này đã thúc đẩy triển khai dịch vụ giao đồ ăn hoặc hàng tạp hóa ở 4 thị trường, bao gồm Campuchia, Lào và Myanmar.

Theo người phát ngôn của Deliveroo, công ty này tiếp tục tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Deliveroo tin rằng cơ hội trong lĩnh vực này là rất lớn, vì vậy sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào các kế hoạch tăng trưởng. 

Đầu năm nay, Grab cũng đã khai trương siêu thị trực tuyến với hơn 10.000 mặt hàng nhu yếu phẩm và tạp hóa.

* Các nền tảng giao đồ ăn nhỏ xây dựng lợi thế của mình.

Lĩnh vực giao đồ ăn hoạt động nhộn nhịp trong dịch bệnh đã thu hút sự quan tâm của các nền tảng thương mại điện tử. Tháng Ba năm nay, nền tảng thương mại điện tử Shopee trực thuộc Sea Ltd (Singapore) đã ra mắt dịch vụ giao đồ ăn ShopeeFood ở Jakarta, Indonesia, sau đó lần lượt triển dịch vụ liên quan ở các thành phố khác. Ngay mới tháng trước, Shopee cũng đã đổi tên nền tảng giao đồ ăn Now mua lại tại Việt Nam thành ShopeeFood.

Tuy nhiên, dường như Shopee không có ý định phát triển mạnh dịch vụ giao đồ ăn, hoặc có kế hoạch thúc đẩy ở Singapore. Theo báo cáo kết quả kinh doanh của ban lãnh đạo Sea Ltd vào tháng Năm vừa qua, tập đoàn chỉ xem mảng giao đồ ăn là một loại hình sản phẩm của Shopee, giống như một sự bổ trợ cho các sản phẩm thương mại điện tử khác của Shopee.

Các nền tảng giao đồ ăn quốc tế và khu vực tích cực mở rộng quy mô, một số nền tảng quy mô nhỏ khác cũng dựa vào đối tượng khách thân thiết để duy trì lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn, WhyQ chủ yếu tập trung vào giao đồ ăn vặt, BUNGKUS chuyên về thực phẩm Halal (cho người Hồi giáo), trong khi Oddle lại nhắm đến việc giao đồ ăn cho nhà hàng.

Theo Giám đốc điều hành Oddle Jonathan Lim, thị trường giao đồ ăn Singapore đang cạnh tranh gay gắt, ngoài các nền tảng giao đồ ăn ban đầu, hiện nay AirAsia cũng đã nhảy vào thị trường. Ông Jonathan Lim cho biết thêm, công ty sử dụng công nghệ riêng để thiết lập chuỗi cửa hàng trực tuyến của nhà hàng, đồng thời cũng hỗ trợ trực tuyến và ngoại tuyến, bao gồm cung cấp miễn phí hệ thống đặt bàn và chọn thức ăn bằng mã QR.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Oddle đã đưa hơn 500 cơ sở kinh doanh của Singapore vào nền tảng của công ty. Bên cạnh đó, Oddle cũng tích cực mở rộng dịch vụ ở Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc)./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục