Ngành nào có mức độ sẵn sàng cao trong chuyển đổi số?

13:28' - 25/10/2019
BNEWS Tài chính - ngân hàng được xác định là một trong “các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao” cần tập trung phát triển.
Hội nghị quốc tế về Chuyển đổi số trong hệ thống tài chính-ngân hàng hướng tới thực hiện tài chính toàn diện và phát triển bền vững.Ảnh: BNEWS/TTXVN
Sáng 25/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội nghị quốc tế về Chuyển đổi số trong hệ thống tài chính-ngân hàng hướng tới thực hiện tài chính toàn diện và phát triển bền vững.

Tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh thông tin, hướng đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm khoảng 20% GDP của Việt Nam. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với hạt nhân là chuyển đổi số là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động và giải quyết các vấn đề về xã hội, đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng.

Trong tiến trình đó, tài chính - ngân hàng được xác định là một trong “các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao” cần tập trung phát triển, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết.

Hội nghị quốc tế về Chuyển đổi số trong hệ thống tài chính-ngân hàng hướng tới thực hiện tài chính toàn diện và phát triển bền vững nằm trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do GIZ thực thi tại Việt Nam theo ủy nhiệm của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ).

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, làn sóng công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Đối với ngành ngân hàng, các công nghệ và đổi mới sáng tạo mang lại nhiều thay đổi trong mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ; trước hết là cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng phù hợp nhu cầu người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển bền vững.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng thanh toán di động 8 tháng năm 2019 tại Việt Nam tăng 150% về giá trị và 100% về số lượng so với cùng kỳ năm trước.

Theo Khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2019 của Hãng kiểm toán PwC (PricewaterhouseCoopers hay còn gọi là PwC - là một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay) đối với 27 nước, vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2019, tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở Việt Nam đã tăng lên 61% từ mức 37% của năm 2018.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, xu hướng chuyển đổi số là tất yếu không thể đảo ngược trong hệ thống tài chính - ngân hàng. Ông cũng cho biết hệ thống ngân hàng Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành dẫn đầu trong việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; khuôn khổ chính sách, hạ tầng công nghệ liên tục được hoàn thiện.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại hội nghị. Ảnh:BNEWS/TTXVN
TS. Sebastian Paust, Tham tán thứ nhất phụ trách Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội cho biết, sự hợp tác giữa Đức và Việt Nam thông qua quan hệ hợp tác truyền thống giữa Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức và Ngân hàng Nhà nước khá hiệu quả; đặc biệt là ý tưởng gắn chuyển đổi số với các mục tiêu phát triển bền vững và tài chính toàn diện.

TS. Sebastian Paust cũng giới thiệu Chiến lược hợp tác phát triển của Đức về hỗ trợ chuyển đổi số và cho biết thời gian qua BMZ đã tăng đáng kể nguồn vốn dành cho các dự án số; trong đó, châu Á là một trọng tâm. Ông cũng bày tỏ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và hệ thống tài chính-ngân hàng thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số.

TS. Michael Krakowski, Giám đốc Chương trình - Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh nhận định: “Quá trình số hóa và những thay đổi nhanh chóng của công nghệ đã và đang mở ra những tiềm năng lớn để khắc phục những thiếu hụt về nguồn vốn và hỗ trợ thực hiện các mục tiêu xanh hóa nền kinh tế và phát triển bền vững”.

Ông Michael Krakowski bày tỏ cam kết đóng góp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện khung chính sách và quy định về tài chính-ngân hàng số và Fintech (công nghệ tài chính) tại Việt Nam nhằm thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu hợp tác về tài chính-ngân hàng xanh, bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục