Ngành thương mại Mỹ Latinh "sụp đổ" trong năm 2020 do đại dịch COVID-19

13:30' - 23/01/2021
BNEWS Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe cho biết do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đã sụt giảm 13% và nhập khẩu cũng giảm 20% trong năm 2020.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (Cepal) ngày 22/1 cho biết do những ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đã sụt giảm 13% và nhập khẩu cũng giảm 20% trong năm 2020.

Trong báo cáo thường niên về Triển vọng Thương mại Quốc tế Mỹ Latinh 2020 do Thư ký điều hành của Cepal - bà Alicia Barcena trình bày, trao đổi thương mại của khu vực Mỹ Latinh với thế giới trong năm 2020 vừa qua xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Bà Barcena cho rằng khu vực này đã “tan rã” về mặt thương mại và sản xuất, với tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 7 thập kỷ và cho rằng đây là điều rất đáng lo ngại, bởi thương mại nội khối có lợi nhất cho đa dạng hóa sản xuất, việc quốc tế hóa các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) và vấn đề bình đẳng giới.

Theo số liệu trong báo cáo của Cepal, Trung Mỹ là tiểu vùng có mức giảm xuất khẩu thấp nhất với 2%, trong khi đó thương mại ở Nam Mỹ và Mexico - nền kinh tế thứ 2 trong khu vực sau Brazil - ghi nhận mức giảm 13% và vùng Caribe là 16%.

Báo cáo của Cepal chỉ ra rằng khu vực cần thúc đẩy một chương trình nghị sự chung nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần, cũng như hợp tác kỹ thuật số, để tạo ra sự hiệp lực trong các lĩnh vực năng động nhất. Cepal khẳng định cần phải "hội nhập sâu rộng hơn để thúc đẩy phục hồi khu vực” và hỗ trợ phục hồi bền vững toàn diện.

Tài liệu của tổ chức kinh tế khu vực cũng lưu ý rằng sự phục hồi giá cả của các mặt hàng cơ bản và sự gia tăng về nhu cầu tại Mỹ, Trung Quốc và châu Âu tạo điều kiện cho sự phục hồi dần trở lại của ngành xuất khẩu trong khu vực kể từ nửa cuối năm 2020, song tình hình này lại không chắc chắn do sự tái bùng phát của dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia khác nhau.

Theo đó, việc các nước tiếp tục đóng cửa biên giới, hạn chế di chuyển và suy giảm thương mại tiếp tục tác động đén người lao động, đặc biệt là lao động nữ chiếm đa số trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch và dịch vụ và các hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu. 

Để đối phó với tình trạng này, Cepal kêu gọi tăng cường hội nhâp và bổ sung năng suất khu vực bằng cách đảm bảo sự tham gia của nữ giới trong các ngành chiến lược nhằm thay đổi cơ cấu với bình đẳng giới trong một thế giới hậu đại dịch.

Tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc đề xuất các biện pháp như đưa các quy định về giới vào các thỏa thuận thương mại, đảm bảo cho phụ nữ được tiếp cận tín dụng, công nghệ và việc làm trong các ngành năng động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục