"Ngày tàn" của các "gã khổng lồ" đã tới?

06:30' - 22/11/2021
BNEWS Trong vòng chưa đầy 1 tuần, hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới, gồm Johnson & Johnson (Mỹ), Toshiba (Nhật Bản) và General Electric (Mỹ) lần lượt tuyên bố chia tách thành nhiều công ty con.
Biểu tượng Toshiba tại trụ sở ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong vòng chưa đầy 1 tuần, hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới, gồm Johnson & Johnson (Mỹ), Toshiba (Nhật Bản) và General Electric (Mỹ) lần lượt tuyên bố chia tách thành nhiều công ty con, làm dấy lên dư luận về “ngày tàn của các gã khổng lồ”. Tuy nhiên, một luồng dư luận khác lại cho rằng việc chia tách là nhằm thích ứng với tình hình mới, hướng tới tương lai tốt hơn.

Dư luận bắt đầu xôn xao từ tuyên bố hôm 9/11 của tập đoàn công nghiệp khổng lồ General Electric rằng họ sẽ tách mảng chăm sóc y tế vào đầu năm 2023, tách mảng năng lượng vào năm 2024 và chỉ giữ lại mảng hàng không. General Electric được thành lập vào năm 1892, tới thập niên 1980 trở thành doanh nghiệp lớn nhất thế giới. 

Dưới sự lãnh đạo của ông Jack Welch, General Electric đưa tăng doanh thu gấp 5 lần lên 130 tỷ USD vào năm 2001 và vốn hóa thị trường cũng tăng từ 14 tỷ USD lên 410 tỷ USD. Các sản phẩm của General Electric hiện diện trong từng căn nhà ở Mỹ, từ bóng đèn, tivi tới máy giặt, máy phát điện, thậm chí là máy chụp cộng hưởng từ và động cơ phản lực cho máy bay. Cho nên, không có gì lạ khi General Electric được xếp vào hàng tinh hoa, biểu tượng của ngành công nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên, cơn “sóng thần tài chính” thế giới năm 2008 cho thấy quy mô và sự phức tạp trong kinh doanh của General Electric đã làm ảnh hưởng đến tính linh hoạt của tập đoàn trong việc đối phó với khủng hoảng. Vào năm 2018, General Electric trở thành đại diện đời đầu cuối cùng bị loại khỏi danh sách bluechip của Chỉ số công nghiệp Dow Jones, chính thức chia tay với quá khứ huy hoàng. Quyết định ngày 9/11 cho thấy lãnh đạo General Electric đã mạnh dạn tạm biệt hình ảnh khổng lồ quen thuộc suốt hơn 100 năm qua để có thể “gọn nhẹ hơn, tập trung hơn và mạnh hơn”.

Đối với Toshiba, "ông lớn" đến từ Nhật Bản này thành lập năm 1875, với hoạt động kinh doanh trải dài từ năng lượng, cơ sở hạ tầng, chip bán dẫn cho tới đồ gia dụng. Ngày 12/11, Toshiba cũng tuyên bố chia tách thành ba công ty. 

Thương hiệu Toshiba hiện nay sẽ tồn tại dưới danh nghĩa công ty Toshiba Tec Corporation - đơn vị cung cấp máy in, bộ mã vạch và thiết bị bán hàng. Một bộ phận khác trở thành công ty Device Co., kế thừa mảng kinh doanh bán dẫn của Toshiba, bao gồm thành phẩm và dây chuyền sản xuất, cùng với mảng kinh doanh ổ cứng.

Hiện tại doanh thu của Toshiba trên lĩnh vực này vào khoảng 6,7 tỷ USD/năm. Công ty con thứ ba mang tên Infrastructure Service Co., tham gia lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện, năng lượng tái tạo, các giải pháp cơ sở hạ tầng công cộng, đường sắt, giải pháp tiết kiệm năng lượng, công nghệ thông tin cho chính phủ và doanh nghiệp.

Việc chia tách của Toshiba sẽ bắt đầu vào đầu năm 2023. Hai năm sau chia tách, ba công ty nêu trên sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán. Với quyết định ngày 12/11, Toshiba đã trở thành “ông lớn” đầu tiên ở Nhật Bản được chia tách hoàn toàn. Một số dư luận cho rằng hoạt động chia tách của Toshiba bị ảnh hưởng bởi quyết định của General Electric bởi Toshiba cũng từng là biểu tượng của ngành công nghiệp Nhật Bản. Bên cạnh đó, hai hãng này còn sự chồng lấn trong các dự án kinh doanh và giữa họ cũng tồn tại quan hệ hợp tác. 

Chia sẻ về quyết định của Toshiba, Chủ tịch tạm quyền kiêm CEO Satoshi Tsunakawa cũng cho rằng chia tách là cách tốt nhất để có thể tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, truyền thông Nhật Bản lại nghi ngờ về khả năng duy trì hoạt động nghiên cứu về công nghệ bán dẫn và công nghệ hạt nhân của Toshiba sau khi biến thành ba doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Vài tiếng sau quyết định của Toshiba, đại gia chăm sóc sức khỏe với 135 năm lịch sử Johnson & Johnson cũng công bố kế hoạch tách mảng sản phẩm tiêu dùng khỏi mảng thiết bị y tế và dược phẩm. Sau chia tách, hai mảng này sẽ là hai công ty đại chúng độc lập. Mảng đồ gia dụng chưa được đặt tên, có các sản phẩm như băng y tế cá nhân Band-Aid, thuốc giảm đau Tylenol, nước súc miệng Listerine… Mảng thiết bị y tế và dược phẩm sẽ giữ thương hiệu Johnson & Johnson với sản phẩm tiêu biểu là vaccine COVID-19.

Trong thông báo đưa ra, CEO của Johnson & Johnson, ông Alex Gorsky cho rằng quyết định chia tách được đưa ra trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng, mang tới cách tốt nhất để tăng tốc nỗ lực phục vụ người bệnh, người tiêu dùng, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Việc chia tách cũng tạo cơ hội của các nhân viên tài năng của Johnson & Johnson, thúc đẩy tăng trưởng và quan trọng hơn là cải thiện chăm sóc sức khỏe y tế cho người dân toàn thế giới.

Phân tích cả ba trường hợp nêu trên có thể thấy thị trường hiện nay cạnh tranh ngày càng quyết liệt, các doanh nghiệp đều phải xem xét đâu là lĩnh vực kiếm tiền nhiều nhất, có thể đứng ra độc lập nhằm tránh bị “vạ lây” bởi các lĩnh vực yếu kém khác. Đối với trường hợp của Johnson & Johnson, lĩnh vực kiếm tiền nhiều nhất, có tiềm năng nhất chính là sản xuất vaccine. Dự kiến năm 2021, mảng thiết bị y tế và dược phẩm sẽ đem về cho Johnson & Johnson doanh thủ gần 77 tỷ USD trong khi đó mảng sản phẩm tiêu dùng chỉ khoảng 15 tỷ USD.

Trước đây, mục tiêu của các công ty lớn là phát triển ổn định, nỗ lực đa dạng hóa và đa nguyên hóa hoạt động, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, đồng thời duy trì thu nhập ổn định và không ngừng tăng trưởng, công ty càng lớn càng tốt.

Tuy nhiên, cái giá phải trả là việc quyết định của các bộ phận chịu sự kiềm chế của tập thể lãnh đạo, khó có thể độc lập, khiến ưu điểm khó phát huy, cho nên, khó chiếm được sự ưu ái của các nhà đầu tư. Hệ quả là giá cổ phiếu khó tăng lên.

Do đó, khi quyết định chia tách được đưa ra, các nhà đầu tư khá hài lòng. Đóng cửa phiên 9/11, giá cổ phiếu của General Electric tăng 2,7% so với lúc mở cửa. Tỷ lệ này đối với Johnson & Johnson là gần 2% vào hôm 12/11.

Ở một góc nhìn khác có thể thấy việc chia tách của các ông lớn truyền thống được khích lệ bởi mô hình khởi nghiệp của các công ty công nghệ cao ở Thung lũng Silicon.

Các công ty này thường tập trung vào một mục tiêu, làm nổi bật ưu thế của mình và nhận được các khoản đầu tư lớn để hỗ trợ họ mua bán hoặc sáp nhập hướng tới việc vượt qua đối thủ cạnh tranh về mặt công nghệ, bành trướng thị trường.

Tuy nhiên, điều này cũng thường thu hút sự chú ý của các nhà quản lý thị trường với việc tiến hành điều tra xem có vi phạm Luật Chống độc quyền hay không. 

Do đó, trong tương lai e rằng các công ty chuyên ngành sau khi bành trướng có thể bị can thiệp với danh nghĩa chống độc quyền, một lần nữa bị rơi vào cuộc khủng hoảng chia tách giống như những gì mà Google và Facebook đang phải đối mặt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục