Nghệ An chuyển đổi số để nâng cao hoạt động xúc tiến thương mại

10:25' - 18/05/2022
BNEWS Nghệ An đang tập trung chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp.

Mục tiêu được tỉnh đề ra là đến năm 2025, xây dựng, hoàn thành cập nhật cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại, các ngành hàng thương mại và xuất khẩu trọng điểm của tỉnh vào Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; 100 tổ chức xúc tiến thương mại và 100% doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; 25% số lượng hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh được tổ chức trên môi trường số; 100% thủ tục hành chính trên lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp được trên cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp tỉnh.

 

Giải pháp được tỉnh triển khai thực hiện đó là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến thương mại; tập huấn, nâng cao kỹ năng về ứng dụng chuyển đổi số cho các đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp. Cùng đó, yêu cầu Sở Công Thương hướng dẫn tổ chức xúc tiến, các doanh nghiệp đăng ký tài khoản sau và tích hợp các cơ sở dữ liệu, thông tin về xúc tiến thương mại của tỉnh lên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Tại Nghệ An, thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, đến nay 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều sử dụng email trong trao đổi công việc, chào bán sản phẩm, giao kết hợp đồng và kê khai thuế qua mạng; trên 80% doanh nghiệp đã tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc ứng dụng các mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu, mua bán sản phẩm, dịch vụ; 60% doanh nghiệp xây dựng website để giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều sàn giao dịch hoạt động hiệu quả, thu hút được nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia.

Tuy nhiên, hiện nay tại một số địa phương trong tỉnh Nghệ An việc chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do cơ sở hạ tầng, mạng thông tin của một số đơn vị, địa phương còn yếu và chưa đồng bộ, nhất là tại các địa phương miền núi; nguồn lực phục vụ chuyển đổi số còn thiếu và yếu; kinh phí đầu tư cho việc chuyển đổi số chưa đáp ứng được yêu cầu; một số chương trình, dự án trọng điểm về chuyển đổi số chậm được triển khai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục