Nghị quyết 01 với mục tiêu 135.000 doanh nghiệp: Dù khó cũng phải thực hiện được

10:21' - 07/02/2018
BNEWS Theo Nghị quyết 01 của Chính phủ, mục tiêu phấn đấu thành lập mới 135.000 doanh nghiệp trong năm 2018, là một con số ấn tượng và sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực để thực hiện được.

Nghị quyết 01/2018/NQ-CP của Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu thành lập mới 135.000 doanh nghiệp trong năm 2018. Với phương châm hành động xuyên suốt là "Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo và Hiệu quả", thông qua Nghị quyết 01, Chính phủ đã phát đi thông điệp mạnh mẽ cùng những giải pháp quyết liệt để thực hiện nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; trong đó, đặt trọng tâm là tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ cộng đồng doanh nghiệp. Qua trao đổi với phóng viên TTXVN, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có những bình luận, đánh giá về những vấn đề mà Chính phủ đặt ra qua Nghị quyết 01.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Theo Nghị quyết 01 của Chính phủ, mục tiêu phấn đấu thành lập mới 135.000 doanh nghiệp trong năm 2018, theo ông liệu có khả thi hay không?

TS. Vũ Tiến Lộc: Đây là một con số ấn tượng và sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực để thực hiện được. Tuy nhiên, điều này cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi sẽ góp phần đạt mốc 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 như mục tiêu mà Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đề ra trước đó.

Với cả mục tiêu trước mắt của năm 2018 và mục tiêu bao trùm tới năm 2020 đều đòi hỏi rất nhiều nỗ lực cải cách thể chế.

Công cuộc này đã được tiến hành khá lâu. Nhưng như Thủ tướng nói là đã chuyển động nhưng còn chậm, sức nóng và sự lan tỏa quyết tâm cải cách của Chính phủ, của Thủ tướng tới các cơ quan còn chậm. Đặc biệt là không đồng bộ, vẫn còn hiện tượng trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh. Do đó, điều cần nhấn mạnh nhất chính là hành động và các cơ quan, các địa phương cần thực hiện đúng những cam kết, những nhiệm vụ được ghi.

Tôi cũng rất ấn tượng về một trong những nội dung cải cách quan trọng được đề cập trong Nghị quyết 01. Đó là việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là chủ trương rất đáng hoan nghênh và phải làm sớm, cần tính toán để làm sao thực sự có thể giám sát, quản lý vốn có hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế thị trường. Việc thành lập ủy ban, cộng với việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin như Nghị quyết nêu một mặt sẽ giải phóng nguồn lực của các cơ quan Nhà nước, để các cơ quan này tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, mặt khác vừa giải phóng nguồn lực của khu vực tư nhân.

Trở lại với con số 135.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm nay, chưa vội nói tới có khả thi hay không, nhưng tôi nhận thấy, trong xu hướng hiện nay, mỗi doanh nghiệp thành lập mới có 10 lao động. Với 135.000 doanh nghiệp thành lập mới sẽ tạo việc làm cho gần 1,4 triệu lao động. Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Như vậy, sẽ tạo thêm việc làm mới cho 1,7 đến 1,8 triệu người. Vì thế muốn hay không cũng phải thực hiện cho được mục tiêu này. Tôi tin vào tính khả thi của mục tiêu phấn đấu mà Chính phủ đề ra. Điều này rất quan trọng và là mục tiêu cao nhất của mọi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Phóng viên: Vậy, ngoài cải cách thể chế còn cần những giải pháp gì để thực hiện mục tiêu trên, thưa ông?

TS. Vũ Tiến Lộc: Không chỉ có mục tiêu 135.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2018, Nghị quyết 01 của Chính phủ còn đề ra nhiệm vụ, phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Đồng thời, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh… Đó cũng chính là những giải pháp mà chúng ta cần tích cực triển khai trong năm nay.

Tôi mong muốn Chính phủ sẽ thúc đẩy hơn nữa việc chuyển giao dịch vụ công. Nghị quyết Trung ương 6 đã yêu cầu các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân đảm nhiệm. Điều này cũng giải phóng nguồn lực để các cơ quan Nhà nước tập trung hoàn thiện thể chế và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển.

Thực tế cho thấy, trong khi các địa phương đang chịu áp lực cải cách rất lớn từ người dân và cuộc chạy đua nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thì thực tế, còn có không ít bộ, ngành, cơ quan vẫn chưa tỏ rõ những nỗ lực cải cách, hoặc chưa tỏ rõ một cách thực chất.

Chính yêu cầu cắt giảm và đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã cho thấy các bộ, ngành còn rất nhiều vấn đề cần phải thay đổi và điều chỉnh. Nỗ lực cải cách của các bộ, ngành là rất quan trọng để tạo không gian mới cho những nỗ lực ở địa phương và cũng là nhằm thực hiện nhiệm vụ mà các bộ ngành được Chính phủ giao theo Nghị quyết 01.

Phóng viên: Cộng đồng doanh nghiệp sẽ kỳ vọng gì trong năm nay và những năm tiếp theo?

TS. Vũ Tiến Lộc: Năm 2018 có thể là năm khởi đầu cho một giai đoạn mới của những nỗ lực cải cách. Người dân và cộng đồng doanh nghiệp đều bày tỏ niềm tin về một Chính phủ kiến tạo. Ở đó có Đảng tiên phong trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đặc biệt là trong phòng chống tham nhũng, cải cách thể chế, xây dựng bộ máy, phát triển kinh tế-xã hội, phát triển kinh tế tư nhân, đối ngoại, quốc phòng, an ninh… Đây cũng chính là cơ sở để Chính phủ, các cấp chính quyền thực hiện vai trò kiến tạo, tạo điều kiện tối đa cho người dân khởi nghiệp và để tiến tới trở thành một quốc gia khởi nghiệp trong tương lai không xa.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục