Người dân vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét chờ dự án - Bài cuối: Chủ động giảm thiểu thiệt hại

10:32' - 01/08/2019
BNEWS Mưa lũ, sạt lở, dông lốc… đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tuy nhiên, ngân sách của Trung ương, địa phương dành cho công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, các tỉnh miền núi phía Bắc đang gồng mình vận dụng nhiều giải pháp, chủ động ứng phó để giảm thiệt hại thấp nhất, bảo đảm an toàn cho người dân.

Những hộ dân bản Nà Hừ, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè (Lai Châu) nằm sát bên bờ suối Nậm Bum, nguy cơ sạt lở và lũ quét cao cần di dời. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Phát huy vai trò cộng đồng dân cư

Các tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình chia cắt, phổ biến là núi cao, độ dốc lớn, điều kiện địa chất phức tạp, nhiều sông, suối và công trình hồ đập, lượng mưa lớn, thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, năm 2018, các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, mưa đá, dông, lốc… làm 117 người chết và mất tích (chiếm 52% cả nước), thiệt hại ước tính khoảng hơn 10.300 tỉ đồng.

Tại tỉnh Lai Châu, ngày 26/6/2018, Phó trưởng bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ Giàng A Hánh đã phát hiện vết nứt trên một số cung trượt, nguy cơ sạt lở và kịp thời báo với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã, huyện yêu cầu di dân tới vị trí an toàn trước khi xảy ra vụ sạt lở. Khoảng 4 giờ ngày 27/6/2018, vụ sạt lở đã xảy ra với hàng nghìn m3 bùn đất, phá hủy nhà ở của 28 hộ dân và vùi lấp nhiều tài sản, vật dụng, lương thực, gia súc, gia cầm, nhưng do được cảnh báo và di dời dân kịp thời nên không có thiệt hại về người.

Tại một số địa phương, vì chưa có nguồn kinh phí để di dời các hộ dân trong vùng nguy cơ cao sạt lở, lũ quét nhưng người dân đã ý thức được nguy hiểm đang rình rập, tự chuyển đến nơi an toàn và chờ Nhà nước hỗ trợ.

Tại xã biên giới Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ (Lai Châu), đầu tháng 8/2018, mưa lớn gây sạt lở đất làm 10 người chết và mất tích, nhiều nhà dân bị đất đá vùi lấp hoàn toàn.

Theo báo cáo của UBND xã Vàng Ma Chải, chính quyền đã tổ chức hỗ trợ, tái định cư cho 8 hộ bị sập nhà hoàn toàn, còn khoảng 10 hộ bị ảnh hưởng nhưng lo sợ không an toàn nên tự di chuyển.

Anh Phàn Diễu Lu ở bản Sì Choang, xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ cho biết, đợt mưa tháng 8/2018, đất đá sạt gần vào nhà. Mặc dù không nằm trong danh sách hỗ trợ để di chuyển nhưng gia đình vẫn tự di dời.

Đời sống của đồng bào vùng biên giới rất khó khăn, do đất đá sạt gần vào nhà rất nguy hiểm, cần phải di chuyển đến nơi an toàn.

Anh mong các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ di dời theo chính sách của Nhà nước để người dân bớt khó khăn hơn, anh Phàn Diễu Lu kiến nghị.

Nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền

Năm 2018, tỉnh Lai Châu xảy ra mưa lũ, sạt lở đất làm 25 người chết, 14 người mất tích và 134 nhà sập hoàn toàn… gần 400 hộ dân được di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.

Công ty TNHH Một thành viên Hòa Quý đã tập trung máy móc về đơn vị để tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng, đảm bảo khi có mưa lũ, sạt lở xảy ra có thể đưa đi khắc phục ngay. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN

Công tác phòng chống thiên tai và di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm luôn được chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, kinh phí của địa phương hạn hẹp, khó khăn về mặt bằng nên chưa thể một lúc di dời được tất cả các hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở và lũ quét lên chỗ ở mới.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu Hà Văn Um cho biết, năm 2018, tổng thiệt hại do mưa lũ tại Lai Châu là gần 400 tỉ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 180 tỉ đồng và tỉnh vận dụng chi được hơn 50 tỉ đồng...

Các huyện thống kê và đề xuất hỗ trợ kinh phí di chuyển tập trung các hộ trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét. Tuy nhiên, do tỉnh khó khăn, việc xử lý vấn đề này là bài toán khó, cần Trung ương hỗ trợ.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Khánh cho biết, việc quy hoạch sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm có nhu cầu vốn đầu tư của một số chương trình dự án rất lớn.

Nguồn vốn cân đối của tỉnh còn hạn hẹp, nguồn vốn thực hiện chủ yếu dựa vào Trung ương nên rất khó khăn trong quá trình thực hiện.

Nhiều huyện đã tìm được đất tái định cư tập trung nhưng chưa có kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà cho các hộ, người dân phải ở nhà tạm…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Khánh, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành cần sớm hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt, triển khai Đề án nghiên cứu tổng thể thực trạng biến đổi khí hậu; đề ra giải pháp phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Bắc.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo việc xây dựng nâng cao độ chính xác của bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai của địa phương.

Các đơn vị thi công trên địa bàn huyện Phong Thổ cũng chuẩn bị sẵn rọ thép để có thể sử dụng kè đường khi xảy sạt lở. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN

“Chính phủ cần đầu tư trang thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cho các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Các tỉnh miền núi phía Bắc có điều kiện kinh tế khó khăn, vì vậy Chính phủ cần cân đối nguồn vốn hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai trong năm 2018 để khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng, nhất là các công trình kè sông, suối, công trình giao thông, công trình thủy lợi”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái kiến nghị.

Theo nhận định tình hình thiên tai từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, năm nay, nguy cơ xảy ra nhiều trận mưa lớn với cường suất lớn, gây lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Trong năm 2019, Chính phủ đề ra tinh thần, mục tiêu chỉ đạo phòng chống thiên tai là “giảm thiểu rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”, bởi nhận thức của cộng đồng là yếu tố quan trọng, góp phần rất lớn hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn diễn ra ngày 20/6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu không chủ động phòng chống, thiệt hại sẽ rất lớn.

Do đó, vấn đề đặt ra là không được phép chủ quan và chính quyền phải có phương án cụ thể để ứng phó, vì thiên tai có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào.

Các địa phương đóng vai trò trọng tâm trong phòng chống thiên tai và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ đối với việc thực hiện công tác này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục