Người lao động vẫn khó tiếp cận nhà ở giá rẻ

07:41' - 01/01/2023
BNEWS Hiện nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân tại tỉnh Long An rất lớn. Hàng chục ngàn người có thu nhập thấp còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở.
Trước thực trạng trên, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp; trong đó có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư để tăng quỹ nhà, giúp người lao động có chỗ ở, ổn định cuộc sống.

Nhiều khu nhà trọ nơi công nhân thuê ở diện tích hẹp, tiền điện, nước và thuê mỗi năm không ngừng tăng lên. Chị Thạch Thị Ni, quê xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú (tỉnh sóc Trăng) đến Long An làm công nhân tại Công ty TNHH Liên Cường Việt Nam, huyện Bến Lức hơn 6 năm nhưng cuộc sống khá vất vả. Mỗi tháng, với tiền lương 5 triệu đồng vừa trả tiền thuê phòng trọ, tiền điện, nước sinh hoạt hàng ngày, vừa lo chi phí chí 2 đứa con nhỏ, chị Ni cần kiệm lắm mới đủ trang trải cuộc sống. Ước mong của chị là có căn nhà để ở với mức phí phù hợp. Như bao người lao động khác, chị Ni mong muốn Nhà nước và doanh nghiệp giúp công nhân tạo lập được căn nhà cho riêng mình, ổn định cuộc sống để gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hạnh, công nhân Công ty cổ phần sản xuất - thương mại Sáng Việt (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) cho hay, bản thân thường xuyên bị bệnh và phải nuôi bà mẹ già trong căn nhà xiêu vẹo, nước ngập lênh láng vào những đợt mưa, bão nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Chị Hạnh rất mong chính quyền các cấp, doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ để gia đình chị có một căn nhà được khang trang dể toàn tâm với công việc, lo cuộc sống.
 
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Bến Lức, hiện Bến Lức có trên 60.000 công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Qua khảo sát nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động, đặc biệt công nhân có thu nhập thấp rất cao, với khoảng 10.000 người. Những năm qua, Liên đoàn lao động huyện đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho công nhân như Chương trình Mái ấm Công đoàn,giới thiệu công nhân lao động chương trình mượn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho công nhân lao động sửa chữa nhà mới.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều công nhân lao động khó khăn chưa tiếp cận được các chương trình nhà ở. Thời gian qua, Tỉnh ủy Long An đã triển khai chương trình nhà ở cho công nhân có thu nhập thấp. Công đoàn huyện Bến Lức mong chương trình này sớm đưa vào triển khai thực hiện để cho công nhân lao động tiếp cận và có nơi an cư - ông Thành chia sẻ.

Thống kê từ Sở Xây dựng Long An, toàn tỉnh có khoảng 230.000 công nhân lao động và người có thu nhập thấp đang làm viêc tại 24 khu công nghiệp, 23 cụm công nghiệp. Thời gian qua, Long An đã có 7 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân và người thu nhập thấp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng quy mô đất khoảng 5,41 ha. Tổng diện tích sàn hoàn thành là 74.637,62 m2 sàn với 1.884 căn, đáp ứng cho khoảng 7.800 người với hơn 20.000 căn nhà trọ, bố trí ở khoảng 35.000 công nhân lao động- đáp ứng khoảng 19% so với nhu cầu.

Theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030 dự kiến kêu gọi đầu tư khoảng 395.532 căn nhà ở xã hội cho công nhân và người có khó khăn về nhà ở; trong đó hoàn thành 95.000 căn. Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh kêu gọi đầu tư khoảng 159.879 căn nhà ở xã hội cho công nhân và người có khó khăn về nhà ở; trong đó hoàn thành 5.000 căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và 25.000 căn nhà ở cho công nhân.

Định hướng đến năm 2030, Long An kêu gọi đầu tư khoảng 235.653 căn nhà ở xã hội cho công nhân và người có khó khăn về nhà ở; trong đó hoàn thành 10.000 căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và 55.000 căn nhà ở cho công nhân, đáp ứng khoảng 85% công nhân lao động có khó khăn về nhà ở. Đồng thời, tỉnh đang triển khai lập đề án nhà ở xã hội dành cho công nhân dự kiến đến 2030 đầu tư hoàn thành khoảng 95.000 căn nhà ở xã hội dành cho công nhân.

Giám đốc sở Xây dựng tỉnh Long An Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện tỉnh gặp một số khó khăn trong đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân. Cụ thể, ngân sách địa phương chưa thể cân đối để bố trí nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội, cần phải đầu tư theo hình thức xã hội hoá. Hơn nữa, nhà ở xã hội yêu cầu đảm bảo chất lượng tốt, nhưng giá phải rẻ, để phù hợp với người có thu nhập thấp. Mặt khác, nhà ở xã hội còn bị khống chế về đối tượng và mức lợi nhuận không được vượt quá 10%.

Do đó, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa quan tâm, tham gia đầu tư nhà ở xã hội khiến các dự án chậm triển khai, thực hiện. Thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tuy đã được cải thiện, rút ngắn nhưng vẫn còn phức tạp, thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án vẫn còn kéo dài,...

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, Long An đang thực hiện các chính sách ưu đãi trong đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân theo quy định của Luật Nhà ở, bao gồm các chính sách cụ thể như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội công nhân; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở để cho thuê mua, bán; hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án, trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, doanh nghiệp được hỗ trợ toàn bộ kinh phí; được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam;...

Nhận định về phát triển nhà ở xã hội, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được khẳng định, nhà ở công nhân là vấn đề cấp bách, nhất là qua đợt phòng chống dịch vừa qua, chính quyền các cấp thấy rõ những khiếm khuyết, hạn chế trong việc phòng chống dịch… Công nhân số lượng rất đông, nhưng nguồn lực của Nhà nước cũng như nguồn lực của doanh nghiệp thực hiện nhà ở cho công nhân, đặc biệt là khu nhà ở cho người có thu nhập thấp không đủ đáp ứng. Từ đó, người công nhân ở các khu nhà trọ rất ọp ẹp dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe, không đủ tái tạo sức lao động và không đủ điều kiện vui chơi giải trí để đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần.

Đứng trước thực trạng trên, Tỉnh ủy đã có chủ trương, giao UBND tỉnh triển khai lập đề án nhà ở xã hội dành cho công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, nhằm đảm bảo các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chương trình phát triển nhà ở; cần kêu gọi, tận dụng huy động tất cả các nguồn lực từ Nhà nước cho đến tư nhân để xây dựng. Qua đó, đảm bảo nhu cầu tối thiểu về nhà ở cho những người công nhân nghèo trong và ngoài tỉnh đến Long An làm việc, có được điều kiện kinh tế tốt hơn.

Với những chủ trương và giải pháp quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An sẽ đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động và người có thu nhập  thấp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, không còn là nỗi lo, nỗi trăn trở về nhà ở của công nhân nghèo, từ đó, dốc toàn tâm, toàn lực, góp phần vào hiệu quả phát triển trong doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục