Nguồn gốc số tiền hơn 20 tỷ USD được chuyển từ Nga vào các ngân hàng châu Âu

14:33' - 07/04/2017
BNEWS Nhiều hãng truyền thông đồng loạt tiết lộ cách thức hoạt động của một hệ thống rửa tiền quy mô lớn chưa từng có, gần như mang tính công nghiệp.
Nguồn gốc số tiền hơn 20 tỷ USD được chuyển từ Nga vào các ngân hàng châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN

Hệ thống rửa tiền này đã giúp giới chính trị gia Nga giàu có, nhiều lãnh đạo ngân hàng hay những người giàu khác, rửa hơn 20 tỷ đôla có nguồn gốc từ “xứ Bạch dương”, thông qua nhiều ngân hàng châu Âu khác nhau.

Số tiền khổng lồ này được cất giữ tại nhiều ngân hàng nổi tiếng hàng đầu thế giới như HSBC, RBS. Nhờ đó, người thụ hưởng tiếp tục cuộc sống đế vương trên khắp thế giới.

Theo kênh truyền hình France24, ngày 21/3, tai tiếng rửa tiền hàng loạt này được tiết lộ ngày 20/3 nhờ một tổ hợp phóng viên điều tra về tội phạm có tổ chức và tình trạng tham nhũng ở Đông Âu (OCCRP) cùng phối hợp với nhật báo Anh The Guardian và tờ Suddeutsche Zeitung của Đức.

Cuốn vào hoạt động gian lận này có nhiều chính trị gia thân cận với chính quyền Nga, nhiều ngân hàng của một số nước Đông Âu, nhân viên tình báo FSB (trước là KGB), cũng như các vị thẩm phán “dễ dãi”.

Tiết lộ của nhóm phóng viên điều tra cũng đặt ra nhiều câu hỏi về thủ tục giám sát trong nội bộ các ngân hàng lớn của thế giới mà mục đích là tránh tạo điều kiện giao dịch các khoản tiền có nguồn gốc đáng ngờ.

Trả lời nhật báo The Guardian, một nhà điều tra Anh cho biết từ năm 2010 đến 2014, một nhóm khoảng 500 người đã chuyển ra khỏi lãnh thổ Nga khối lượng tiền rất lớn “rõ ràng là ăn cắp hay có nguồn gốc tội phạm”.

Theo nhật báo Anh, ít nhất 20,7 tỷ đôla đã được rửa, nhưng số tiền thật của cỗ máy tội phạm rộng lớn này có thể lên đến gần 80 tỷ đôla.

Đây là trường hợp chưa từng có, được thực hiện nhờ một hệ thống vô cùng tinh vi để cất tiền vào nơi an toàn. “Cỗ máy rửa tiền Nga” (tên do các nhà điều tra đặt) hoạt động từ năm 2014 và tiến hành theo nhiều giai đoạn.

Trước hết, hai công ty bình phong được thành lập ở một nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), mà Anh là ưu tiên số một. Công ty thứ nhất cho công ty thứ hai vay một khoản tiền “khống” (chỉ tồn tại trên giấy tờ).

Khoản tín dụng này được một hoặc nhiều doanh nghiệp Nga bảo lãnh và luôn có một công ty Moldova đóng vai trò quan trọng trong đội ngũ bảo lãnh này. Sau đó, công ty thứ hai tuyên bố không có khả năng thanh toán khoản nợ “ảo”.

Như vậy, công ty cho vay tín dụng sẽ quay sang các nhà bảo lãnh. Vì một trong số đó mang quốc tịch Moldova, vụ việc sẽ được đưa ra tòa án của nước này, nơi các thẩm phán “dễ dãi” xác nhận thực tế của khoản nợ.

Vậy là các nhà bảo lãnh Nga có thể chuyển tiền một cách hợp pháp, điều mà họ tìm kiếm ngay từ đầu: Tiền được chuyển từ Nga vào một tài khoản trong một ngân hàng Moldova (Moldindconbank).

Tiếp theo, số tiền trên lại được chuyển sang một ngân hàng Latvia… có nghĩa là nằm trong Âu. Từ đó, tiền có thể giao dịch tự do hơn trong phần còn lại của khối và trên khắp thế giới.

Các ngân hàng Anh như HSBC, RBS, Barclays…, đã nhận được 740 triệu đôla từ các công ty bình phong đăng ký tại Anh phục vụ cho tỉ phú Nga.

Được phóng viên của The Guardian liên lạc để tìm hiểu tại sao nguồn gốc của những khoản tiền này lại chưa bao giờ được xác minh, các ngân hàng liên quan đều tránh trả lời, từ chối “bình luận trường hợp cá nhân”.

Thế là tiền được rửa và thỏa mãn thói quen xa xỉ của giới nhà giàu Nga ở hơn 90 quốc gia khắp thế giới. Tại Pháp, nhóm điều tra OCCRP đã tìm được dấu vết của 125.583 euro được thanh toán cho một khách sạn hạng sang ở Courchevel, trên dãy núi Alpes.

Hơn 42.000 euro được chi trong các cửa hàng thương hiệu lớn của Pháp hay khoảng 366.780 euro được thanh toán cho các tiệm kim hoàn. Tổng cộng, 52 triệu euro từ số tiền bẩn này đã được tiêu ở Pháp từ năm 2011 đến 2014.

Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa thấm vào đâu so với 1,2 tỷ euro được những người thụ hưởng từ “cỗ máy rửa tiền Nga rải” ở Estonia.

Nếu như đường dây rửa tiền và các kiểu chi tiêu được tìm hiểu rõ, hiện vẫn còn nhiều thắc mắc về những người thụ hưởng thật sự từ hệ thống này.

Nhóm điều tra OCCRP khẳng định tìm ra được danh tính của ba người: Alexei Krapivin, con trai của một cựu cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin và là người đứng đầu ngành đường sắt Nga; Georgy Gens, một doanh nhân Moskva đứng đầu một tập đoàn tin học chuyên phân phối các sản phẩm của Apple, Samsung và nhiều tập đoàn công nghệ khác ở Nga và Sergei Girdin, lãnh sự danh dự của Guinea-Conakry ở Saint-Peterburg và là chủ một doanh nghiệp tin học.

Còn tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung nói rõ là các nhà điều tra vẫn đang tìm tung tích những người chủ chốt trong vụ này.

Đây cũng là việc mà Chính quyền Moldova cố gắng thực hiện kể từ khi nhóm phóng viên điều tra OCCRP nêu vụ tai tiếng này lần đầu tiên vào năm 2014. Năm 2016, họ đã bắt giam Vyacheslav Platon, một doanh nhân người Moldova, bị tình nghi tổ chức “cỗ máy rửa tiền Nga” có quy mô lớn trên.

Nhiều thẩm phán cũng bị bắt và nhiều ngân hàng đã bị đóng cửa vì rửa tiền. Nhưng cuộc điều tra trở nên phức tạp hơn ngay khi bắt đầu vươn sang biên giới Nga. Từ tháng 3/2017, Moldova phàn nàn về việc các nhà ngoại giao nước này bị tình báo Nga “quấy rối có hệ thống” ngay khi đặt chân vào lãnh thổ Nga.

Đối với một quốc gia nhỏ bé như Moldova nằm sát Ukraine, đó là câu trả lời của Moskva vì đã quan tâm đến vụ tai tiếng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục