Nguy cơ đe dọa tham vọng cải tổ của Tổng thống Pháp

05:30' - 16/12/2018
BNEWS Vấn đề đặt ra là Tổng thống Macron đã được bầu lên nhờ một chương trình cải tổ đầy tham vọng, nhưng sau khủng hoảng Áo vàng, ông Macron có còn khả năng thi hành các chương trình cải tổ nữa hay không?
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN 

Áp lực của một bộ phận trong công luận Pháp đã buộc chính phủ phải lùi bước. Paris thông báo bãi bỏ biện pháp tăng giá xăng dầu cho cả năm 2019, qua đó dời lại một số tham vọng về môi trường và có nguy cơ gây thêm thâm hụt từ 2 đến 4 tỷ euro trong cán cân chi tiêu của Nhà nước. 

Trong một năm rưỡi vừa qua, Tổng thống Macron đã nhanh chóng bắt tay vào việc, đem lại một bộ mặt mới cho nước Pháp, nhưng đó mới chỉ là một phần trong chương trình của vị Tổng thống không thuộc cánh tả, không thuộc cánh hữu hày. Phần còn lại trong cương lĩnh của ông từ nay đến cuối nhiệm kỳ năm 2022 còn quan trọng hơn thuế xăng dầu hay bãi bỏ thuế ISF cho người giàu.

Trong lĩnh vực kinh tế, Emmanuel Macron muốn Pháp trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, có một nền kinh tế năng động hơn và qua đó giải quyết nạn thất nghiệp.

Bên cạnh vấn đề kinh tế, ông Macron còn muốn đem lại những thay đổi sâu rộng cho xã hội Pháp. Trong số này bao hàm nhiều hồ sơ, từ chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu đến kế hoạch cải tổ y tế, giải quyết tình trạng các bệnh viện bị quá tải; cải tổ ngành giáo dục hay guồng máy tư pháp ...

Vế cải tổ thứ ba quan trọng không kém liên quan đến các dự án sửa đổi Hiến Pháp phù hợp với những đòi hỏi của xã hội hiện nay.

Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, chính quyền Macron trong 18 tháng qua đã cải tổ theo đường lối tự do: Chính phủ đã sửa đổi luật lao động, giảm thuế cho doanh nghiệp, khuyến khích việc đào tạo và học nghề, bãi bỏ ISF với mục đích khuyến dụ doanh nhân nước khác đến Pháp hoạt động.

Nhưng cũng chính biện pháp vụng về bãi bỏ ISF này khiến ông Emmanuel Macron mang tiếng là "Tổng thống của người giàu".

Song song với việc giảm thuế cho doanh nghiệp, cho những thành phần giàu có, thì chủ nhân điện Elysée và Chính phủ của Thủ tướng Edouard Philippe còn giảm một số các khoản trợ cấp xã hội, thí dụ như là cắt giảm trợ cấp nhà ở APL cho người có thu nhập thấp, tăng các khoản đóng góp cho quỹ an sinh xã hội (CSG) của cả những người còn đi làm và hưu trí...

18 tháng qua, Hạ Viện đã làm việc với một nhịp độ dồn dập đến nỗi nhiều đại biểu than phiền "kiệt sức" vì phải liên tục nghiên cứu, soạn thảo, thảo luận về các dự luật cải tổ. Nhịp độ cải tổ của chính quyền trong năm thứ nhì nhiệm kỳ Macron được dự báo còn "tăng nhanh hơn nữa".

Hiện tại Paris đang lao vào một loạt hồ sơ gai góc và nhậy cảm không kém: như dự luật cải tổ y tế, giáo dục và tư pháp ... tránh nạn bệnh viện, trường đại học và nhà tù liên tục bị quá tải.

Thế nhưng nhịp độ dồn dập mà điện Elysée áp đặt từ tháng 5/2017 tới nay đã bị cuộc xuống đường của phe Áo vàng chặn lại.

Tổng thống Macron đã phải tạm thời rút lại kế hoạch tăng thuế xăng dầu kể từ ngày 1/1/2019 để xoa dịu sự công phẫn trong xã hội. Mới chỉ cách nay 10 ngày, cũng chính ông Emmanuel Macron trước khi lên đường sang Achentina dự thượng đỉnh G20 tuyên bố quyết tâm cải tổ "đến cùng".

Bước nhượng bộ đầu tiên của điện Elysée liệu có nguy cơ chôn vùi tất cả những dự án cải cách còn dang dở của ông Macron hay không? Hai trong số các hồ sơ nóng bỏng nhất chờ đợi chính quyền là dự luật cải tổ hệ thống hưu bổng và trợ cấp thất nghiệp. Liệu chính quyền Macron có còn đủ can đảm cải tổ đến nơi đến chốn hai vế nhậy cảm nói trên nữa hay không ?

Thêm vào đó là sau khi Thủ tướng Pháp thông báo "tạm hoãn" biện pháp gây bất bình trong công luận này, Phủ tổng thống còn đi xa hơn với quyết định "hủy" tăng thuế xăng dầu trong cả năm 2019. Điện Elysée hy vọng xoa dịu công luận đáp ứng đòi hỏi ban đầu của phe Áo vàng. Trước mắt dường như phe này vẫn chưa thỏa mãn. Vậy câu hỏi đặt ra là chính phủ sẽ còn phải nhượng bộ tới mức độ nào trước sức mạnh của đường phố?

Một số nguồn tin thông thạo cho biết Tổng thống Macron yêu cầu tất cả các bộ trưởng đang đặc trách về những hồ sơ nhậy cảm tạm thời "đóng băng" các dự án cải tổ. Liệu rằng từ nay đến cuối nhiệm kỳ, mỗi đợt cải cách có là một cuộc đọ sức với công luận, dẫn tới những cảnh tượng đập phá như vừa qua hay không?

Cuối cùng, lo ngại cũng xuất phát từ cách ứng xử, những thông báo vụng về của bên hành pháp và những tuyên bố trống đánh xuôi, kèn thổi ngược từ ngay trong thành phần chính phủ. Điển hình là những phát biểu trái ngược nhau về khả năng Paris rút lại luật bãi bỏ thuế ISF.

Có một điều chắc chắn, là trước mắt, hành pháp cần nối lại đối thoại với đường phố. Điện Elysée nhìn nhận "cần rà soát lại từ A đến Z" phương pháp làm việc và điều hành đất nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục