Nhà bán lẻ Tp. Hồ Chí Minh tăng đầu tư, mở điểm bán mới

15:47' - 11/01/2022
BNEWS Bước vào tháng đầu tiên của năm 2022, thị trường bán lẻ Tp. Hồ Chí Minh đã rộn ràng đón nhận nhiều thương hiệu mới, cũng như hàng loạt điểm bán mới khai trương.

Những hoạt động này, không chỉ góp phần kích cầu thị trường tiêu dùng đầu năm mới, mà còn cho thấy sự nỗ lực không ngừng vươn lên của các nhà bán lẻ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong việc đổi mới sáng tạo, thích ứng với xu hướng mới trên thị trường.

 

Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa ra mắt cùng lúc 5 chuỗi bán lẻ ở lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới.

Trong số đó, AVAFashion - chuỗi cửa hàng thời trang, AVASport - chuỗi cửa hàng chuyên đồ thể thao chính hãng, AVAKids - chuỗi cửa hàng cho mẹ và bé, AVAJi - hệ thống bán lẻ đồng hồ, trang sức, mắt kính và AVACycle - chuỗi cửa hàng xe đạp dưới hình thức "shop in shop" tại hệ thống Điện máy Xanh.

Cuộc chào sân đồng loạt của 5 thương hiệu này cho thấy bước đi quyết liệt của Thế Giới Di Động trong giai đoạn hậu dịch với tham vọng chinh phục những thị trường mới tiềm năng.

Bên cạnh đó, là nhà bán lẻ đã hoạt động lâu trong ngành, Thế Giới Di Động tìm thấy cơ hội trong bối cảnh thị trường bán lẻ có nhiều khoảng trống sau các làn sóng dịch bệnh, đồng thời, các lĩnh vực mới đều chưa thực sự có đơn vị nào dẫn dắt thị trường.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động cho biết, sự ra đời của 5 chuỗi cửa hàng AVA mới chính là giấc mơ thứ 4 của Thế Giới Di Động tiếp sau thegioididong, Điện máy Xanh và Bách hóa Xanh. Đây là bước đi tất yếu cho mục tiêu đưa Thế Giới Di Động trở thành nhà bán lẻ đa ngành hàng và trở thành nhà bán lẻ top đầu khu vực.

Thông tin thêm về việc chỉ sau hơn 2 tháng đề cập sẽ lấn sân sang mảng kinh doanh mới đã lần lượt cho ra mắt nhiều thương hiệu bán lẻ, đại diện Thế Giới Di Động chỉ ra rằng, điển hình ở  lĩnh vực bán lẻ đồ thể thao hiện vẫn chưa có thương hiệu nào thực sự chiếm lĩnh thị trường, trong khi tập luyện thể thao là nhu cầu tất yếu và ngày càng gia tăng trong bối cảnh mới, đó chính là một lợi thế cho AVASport.

Hệ thống chuyên bán sản phẩm thời trang, giầy dép, thiết bị, phụ kiện, đồng hồ thể thao… chính hãng phục vụ tập luyện của những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Puma, Adidas, Reebok...

Còn đối với chuỗi AVAKids, chuỗi nhắm đến thị trường đầy tiềm năng cho lĩnh vực mẹ và bé, mẹ bầu… bởi Việt Nam có tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em cao nhất Đông Nam Á với 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1-2 tuổi. Ngoài ra, với khoảng 68% số dân có độ tuổi từ 15-64 tuổi, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn "cơ cấu dân số vàng" vì vậy số lượng gia đình trẻ gia tăng là tất yếu.

Thống kê của Asia Plus (Dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam) cho thấy, giá trị tiêu dùng hàng dệt may Việt Nam mỗi năm rất lớn, đạt khoảng 5-6 tỷ USD (tương đương khoảng 120.000 - 140.000 tỷ đồng). Như vậy, ngành hàng thời trang cũng có cơ hội khi Việt Nam chưa có quá nhiều cái tên mang độ phủ rộng trên thị trường bán lẻ nội địa.

Với dân số khoảng 100 triệu dân, Việt Nam được xếp vào nhóm những quốc gia tăng trưởng tầng lớp trung lưu mạnh nhất thập kỷ qua. Nên dù chịu tác động của dịch bệnh, thị trường bán lẻ Việt Nam dường như chưa bao giờ giảm đi sức hấp dẫn đối với cả nhà bán lẻ trong và ngoài nước.

Cũng trong những ngày đầu năm 2022, thị trường bán lẻ Tp. Hồ Chí Minh cũng chào đón chuỗi siêu thị mỹ phẩm AB Beauty World tiếp tục khai trương chi nhánh mới tại quận Bình Thạnh. Chuỗi siêu thị mỹ phẩm AB Beauty World không chỉ khẳng định vị thế thương hiệu AB Beauty World trên thị trường bán lẻ mỹ phẩm, mà cung ứng ra thị trường đa dạng chủng loại mỹ phẩm với giá tốt cho người tiêu dùng.

Tại chuỗi siêu thị mỹ phẩm AB Beauty World có sự "đồng hành" của hơn 500 thương hiệu hàng đầu quốc tế và trong nước. Trên cơ sở này, AB Beauty World mang đến cho người tiêu dùng những không gian mua sắm sang trọng, đẳng cấp, cùng hơn 20.000 sản phẩm chính hãng chất lượng cao về trang điểm, chăm sóc sức khỏe cá nhân và chăm sóc gia đình.

Còn J&T Express - Thương hiệu chuyển phát nhanh quốc tế, hiện đang đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển thứ 37 tại Việt Nam với diện tích lên đến 60.000 m2, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2022. Việc đầu tư vào hệ thống trung tâm trung chuyển là một trong những yếu tố giúp tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp chuyển phát nhanh trong việc tối đa hóa trải nghiệm của khách hàng, đồng thời đáp ứng tốt sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử.

Đại diện J&T Express cho rằng, với số lượng đơn hàng ngày một gia tăng và mở rộng sang nhiều tỉnh, thành trên cả nước, việc đầu tư vào hệ thống trung tâm trung chuyển sẽ giúp đảm bảo việc vận chuyển được thông suốt, hạn chế thất thoát và hư hỏng hàng hóa so với việc xử lý thủ công. Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian giao hàng và nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng là một trong mục tiêu doanh nghiệp đến.

Ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam chia sẻ, một trong những lợi ích của trung tâm trung chuyển là không gian lưu kho rộng lớn và hệ thống quản lý chuyên nghiệp, giúp đảm bảo hàng hóa được phân loại, lưu trữ và quản lý đúng cách. Nhờ ứng dụng đa dạng công nghệ xử lý hiện đại, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí và thời gian xử lý hàng hóa, đồng thời, đáp ứng được tốc độ tăng trưởng về sản lượng của bưu kiện trong tương lai.

"Đầu tư vào hệ thống trung tâm trung chuyển hiện đại giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt số lượng lẫn chất lượng hàng hóa, đảm bảo việc lưu thông và vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và chuẩn xác. Điều này còn giúp các doanh nghiệp chuyển phát nhanh có bước chuẩn bị tốt hơn để đón đầu nhu cầu mua sắm tăng cao trong thời gian tới, nhất là vào các mùa cao điểm", ông Phan Bình cho biết thêm.

Ghi nhận thực tế, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử trong những năm gần đây cùng thói quen mua sắm trực tuyến (online) được hình thành trong và sau đại dịch đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển phát nhanh. Đồng thời, khi giao nhận được xem là một trong những yếu tố quan trọng góp phần định hình trải nghiệm của khách hàng trên hành trình mua sắm trực tuyến đòi hỏi tất cả doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà bán lẻ... đều phải chuyển mình lên kênh bán hàng online.

Báo cáo của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, từ tháng 12/2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố cơ bản đã được kiểm soát, các đơn vị kinh doanh thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, chuẩn bị hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng vào dịp mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2021 đạt 68.850 tỷ đồng, tăng 8% so với tháng trước và giảm 29% so với tháng cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá giảm 29,9%).

Tính chung cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 822.592 tỷ đồng, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá giảm 23,7%). Các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong năm 2021 cũng kịp thời thích ứng với tình hình dịch bằng việc thay đổi phương thức bán hàng, đẩy mạnh hoạt động mua bán và thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt, quảng bá sản phẩm của đơn vị qua sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, website... của doanh nghiệp, cũng như kênh truyền hình trực tuyến nhằm giảm thiểu thiệt hại doanh thu do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thói quen mua sắm người dân thay đổi theo xu hướng tiết kiệm và thắt chặt chi tiêu nên dự báo sức mua trên thị trường sẽ duy trì ở mức thấp. Các đơn vị sản xuất kinh doanh không ngừng linh hoạt trong phương thức bán hàng, giá cả, mẫu mã đa dạng... nhằm thu hút và giữ chân khách hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục