Nhận diện các thách thức kinh tế Trung Đông năm 2019

06:02' - 28/12/2018
BNEWS Mạng tin Albawaba dẫn nhận định và phân tích của giới chuyên gia đánh giá về những thách thức kinh tế mà khu vực Trung Đông-Bắc Phi sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.
Nhận diện các thách thức kinh tế Trung Đông năm 2019. Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, tình hình Trung Đông trong năm 2019 vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn cao, ngay cả tại các nước đã thoát khỏi xung đột sau giai đoạn “Mùa xuân Arab” hồi năm 2011 như Jordan, Lebanon và Ai Cập. 

Nhà phân tích Amer Sabaileh tại Jordan nhận định “2019 vẫn là một năm đầy thách thức đối với khu vực” khi hàng triệu thanh niên vẫn phải đối mặt với bài toán kinh tế do nhiều chính phủ đang phải “đau đầu” giải quyết tình trạng thất nghiệp gia tăng trong giới trẻ.

 * Sức ép địa-chính trị

Trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Trung Đông-Bắc Phi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt, căng thẳng thương mại leo thang, sức ép địa-chính trị và xung đột trong khu vực là những nhân tố có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế các nước trong khu vực nói riêng và các đối tác thương mại nói chung. 

Những rủi ro này có thể châm ngòi cho sự suy giảm lòng tin trên thị trường và tạo ra các bất ổn tài chính, làm gia tăng thách thức đối với các quốc gia có mức nợ công cao hoặc có nhu cầu tái cân bằng tài chính lớn.

Một dự báo đáng chú ý khác là vấn đề căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar và nhóm các nước Bahrain, Ai Cập, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có thể vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn trong năm 2019, đặc biệt khi mới đây Qatar bất ngờ thông báo sẽ rút khỏi của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để tập trung phát triển ngành công nghiệp khí đốt của mình. 

Giới phân tích cho rằng, hành động cô lập ngoại giao và kinh tế Qatar của nhóm các nước này có thể đẩy Qatar xích lại gần Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hơn.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Abdelak Adjriou tại American Century Investments, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ tại khu vực Trung Đông cũng sẽ khiến những thách thức địa-chính trị khu vực càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát hơn.

* Giá dầu biến động

Các quốc gia Trung Đông từ lâu đã phụ thuộc không nhỏ vào xuất khẩu dầu mỏ và coi đó như nguồn thu ngân sách chính. Sự bất ổn trên thị trường trong bối cảnh mất cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu là hồi chuông báo động đối với hàng loạt quốc gia, đặc biệt tại vùng Vịnh, cần phải đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và tạo thêm nhiều việc làm trong những lĩnh vực kinh tế khác.

Hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đánh giá, giá dầu mỏ cần duy trì ở ngưỡng cao hơn 80 USD/thùng để nhiều quốc gia có thể cân bằng cán cân ngân sách. Việc giá “vàng đen” được dự báo sẽ biến động mạnh trong năm 2019 cũng sẽ làm tăng áp lực ngân sách lên các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác tại Trung Đông. 

Hiện giá dầu đang được giao dịch quanh ngưỡng 60 USD/thùng, tức là thấp hơn khá nhiều so với ngưỡng tiêu chuẩn 80 USD/thùng nói trên, bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước đối tác hồi đầu tháng 12.

* Những vấn đề kinh tế còn tồn tại

Tại Iran, tỷ giá đồng nội tệ của nước này vẫn biến động mạnh trong bối cảnh Washington tiếp tục gia hạn các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran, sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức). 

Tuy nhiên, Mỹ vẫn cho phép một số quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến giá dầu thô chịu sức ép từ những lo ngại về tình trạng dư cung.

Còn tại Ai Cập, tình trạng dân số tăng trưởng nóng và thị trường lao động không tạo đủ số việc làm cần thiết sẽ là thách thức không nhỏ của chính phủ nước này. Tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2019, cho dù lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư Ai Cập đã được cải thiện.

Theo IMF, triển vọng và những thách thức đang gia tăng cho thấy sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực để duy trì tăng trưởng tới ngưỡng tạo đủ việc làm cho thị trường lao động. Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần mở rộng tiếp cận tài chính, tăng cường quản trị, cải thiện thành quả giáo dục và gia tăng sự linh hoạt của thị trường lao động, đặc biệt tại các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục