Nhật Bản đề xuất giải pháp giúp các nền kinh tế APEC phục hồi

18:14' - 12/11/2021
BNEWS Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đề xuất một số giải pháp hướng tới sự phục hồi tốt hơn của các nền kinh tế thành viên APEC thời kỳ hậu COVID-19.

Tối 11/11 (theo giờ Nhật Bản), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tham gia cuộc Đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) dưới hình thức trực tuyến.

Trong đó, ông đề xuất một số giải pháp hướng tới sự phục hồi tốt hơn của các nền kinh tế thành viên APEC thời kỳ hậu COVID-19.

Thủ tướng Kishida nhấn mạnh sự cần thiết của việc đảm bảo sự công bằng về quyền tiếp cận nguồn cung cấp vaccine COVID-19 của các nước là hết sức cần thiết để xây dựng một cộng đồng kinh tế có khả năng chống chịu được đại dịch.

Trong đó, Nhật Bản không chỉ cam kết đóng góp 1 tỷ USD cho cơ chế COVAX mà còn cung cấp khoảng 60 triệu liều vaccine cho các nước đang gặp khó khăn thông qua cơ chế này.

Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng khẳng định, để hướng tới một trật tự quốc tế tự do, cởi mở dựa trên pháp quyền, cần phải loại bỏ các hành vi thương mại không công bằng, bao gồm bảo hộ ngành nghệ, bóp méo thị trường, cổ xúy cho hoạt động cạnh tranh bất bình đẳng.

Nhật Bản đang nỗ lực đóng góp cho việc hình thành quy tắc quốc tế để hiện thực hóa việc phân phối dữ liệu miễn phí và đáng tin cậy (DFFT) nhằm đối phó những hành vi độc quyền dữ liệu hoặc phân vùng dữ liệu.

Liên quan đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Kishida khẳng định sẽ đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của APEC nhằm thúc đẩy triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao để tăng cường tính kết nối khu vực. Trong đó, chú trọng tính công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và bền vững của loại hình đầu tư này.

Hướng tới sự tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững, Thủ tướng Kishida cho rằng, điều quan trọng nhất là các nước phải chung tay hành động, xóa bỏ khoảng cách và sự chia rẽ giữa các quốc gia, vốn nảy sinh trong thời kỳ dịch COVID-19.

Giải pháp căn cơ là tích cực phối hợp đầu tư công-tư, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển xanh, cải thiện năng suất trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Nhật Bản đã bổ sung khoản hỗ trợ 10 tỷ USD cho mục tiêu 100 tỷ USD của các nước phát triển nhằm hỗ trợ các nước châu Á giảm khí thải carbon trong vòng 5 năm.

Khoản hỗ trợ này là ngoài 60 tỷ USD Nhật Bản đã công bố đóng góp cho cả khu vực công và tư trong vòng 5 năm, vốn được nước này công bố vào tháng Sáu vừa qua./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục