Nhật Bản, Đức bày tỏ quan điểm về thương mại tự do với Mỹ

21:45' - 03/03/2017
BNEWS Trong một phát biểu ngày 3/3, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết ông muốn sử dụng cơ chế đối thoại kinh tế Mỹ-Nhật làm nền tảng để thảo luận các quy định về đầu tư và thương mại tự do.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa), Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara (trái) và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso (phải) tại cuộc họp nội các ở Tokyo ngày 22/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết cuộc đối thoại sẽ thảo luận về chính sách kinh tế, cơ sở hạ tầng và năng lượng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước đã nhất trí thiết lập một khuôn khổ mới cho cuộc đối thoại kinh tế để thảo luận về thương mại và đầu tư cơ sở hạ tầng, dưới sự chủ trì của ông Aso và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.

Theo giới quan sát, cuộc đối thoại này được xem là một phép thử để xem Mỹ và Nhật Bản có thể duy trì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp dưới thời tân chính quyền Mỹ hay không. Truyền thông Nhật Bản đưa tin ông Pence sẽ có chuyến thăm Tokyo vào tháng 4/2017, trong khi Nhà Trắng chưa đưa ra thông báo chính thức về việc này.

Ngày 23/1, Tổng thống Mỹ D.Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận tự do thương mại được 12 quốc gia ven Thái Bình Dương ký kết năm 2015, mà Nhật Bản là nước đầu tiên hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước để phê chuẩn văn kiện này.

Các tuyên bố và hành động của Tổng thống Mỹ D.Trump đã khiến giới kinh doanh Nhật Bản lo ngại về những bấp bênh trong môi trường kinh doanh toàn cầu sắp tới.

Cũng liên quan tới mối quan hệ thương mại với nền kinh tế số 1 thế giới, Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries trong lá thư mới đây gửi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh rằng sẽ là các lợi ích chung cho cả Mỹ và Đức khi giảm thiểu các rào cản thương mại giữa hai nước này.

Bà Brigitte Zypries (phải) - Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức. Ảnh: EPA/ TTXVN

Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries cho biết Đức, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ nên tăng cường hợp tác giữa bối cảnh cơ cấu của nền kinh tế toàn cầu có những thay đổi lớn.

Chính phủ cũng như các tập đoàn công nghiệp của Đức đã bày tỏ quan điểm chủ nghĩa bảo hộ là một đáp án sai cho các thách thức mà thế giới đang phải đối mặt và rằng nước Đức phải đấu tranh để bảo vệ thương mại tự do.

Bà Zypries cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này, đánh giá đây luôn là "phần trung tâm" trong chính sách của Đức. Khoảng 670.000 việc làm tại Mỹ là “trái ngọt” của hoạt động đầu tư từ Đức. Đầu tư trực tiếp từ Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – vào Mỹ ở mức khoảng 256 tỷ USD trong năm 2015.

>> Phó Tổng thống Mỹ vướng bê bối sử dụng hòm thư điện tử cá nhân để trao đổi việc công

>> Chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ là rủi ro lớn nhất với New Zealand

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục