Nhật Bản quan ngại về sự lây lan của dịch COVID-19 ở Osaka

15:06' - 02/04/2021
BNEWS Nhóm chuyên gia cố vấn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự lây lan của dịch COVID-19 ở tỉnh Osaka.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, nhóm chuyên gia cố vấn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự lây lan của dịch COVID-19 ở tỉnh Osaka, phía Tây nước này trong bối cảnh sẽ diễn ra lễ rước đuốc Olympic tại tỉnh này vào ngày 14/4.

Nhóm chuyên gia này khuyến cáo cần phải nhanh chóng ứng phó với tình trạng số ca mắc mới gia tăng mạnh ở tỉnh Osaka, trong đó có nhiều ca nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia này cũng lo ngại về việc số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng trên khắp cả nước kể từ đầu tháng 3/2021.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp đầu tiên của nhóm chuyên gia kể từ khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, ông Takaji Wakita, Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID), cho biết các biến thể mới của SARS-CoV-2 là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng của số ca nhiễm mới tại khu vực Kansai, trong đó có tỉnh Osaka.

Theo thống kê của MHLW, ngày 1/4, tỉnh Osaka đã phát hiện thêm 616 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ ngày 16/1 và cao thứ 4 kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Nhật Bản.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo là 475, cao nhất kể từ ngày 10/2. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Osaka vượt Tokyo về số lượng ca nhiễm mới. 

Trong bối cảnh đó, Thống đốc Osaka,  ông Hirofumi Yoshimura, khẳng định dịch COVID-19 ở tỉnh này đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 4, đồng thời đề nghị hủy lễ rước đuốc Olympic trên địa bàn tỉnh này, dự kiến diễn ra vào ngày 14/4 ở thành phố Osaka thuộc tỉnh này.

Theo ông Yoshimura, chính quyền thành phố Osaka sẽ thảo luận vấn đề này với Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo.

Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chính sách hỗ trợ tài chính cho các cơ sở kinh doanh ăn uống tuân thủ quy định về rút ngắn thời gian hoạt động trong thời gian áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm hoặc tình trạng khẩn cấp tùy thuộc vào quy mô của các cơ sở này.

Cụ thể, các cơ sở kinh doanh ăn uống được điều hành bởi các công ty có quy mô nhỏ và vừa sẽ được nhận số tiền hỗ trợ hàng ngày tương đương 40% doanh thu bình quân một ngày trong tài khóa trước đó nhưng không quá 100.000 yen/trường hợp, trong khi mức hỗ trợ tối đa cho các cơ sở kinh doanh có quy mô lớn là 200.000 yen/trường hợp.

Chính sách này sẽ được áp dụng ở 6 thành phố nằm trong danh sách phòng dịch trọng điểm từ ngày 5/4, gồm thành phố Osaka của tỉnh Osaka, các thành phố Kobe, Nishinomiya, Amagasaki và Ashiya của tỉnh Hyogo và thành phố Sendai của tỉnh Miyagi.

Ngoài các tỉnh Osaka, Hyogo và Miyagi, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc đưa hai tỉnh Okinawa và Yamagata vào danh sách phòng dịch trọng điểm.

* Cùng ngày, báo Vientiane Times ngày 2/4 đưa tin Văn phòng Chính phủ Lào đã thông báo yêu cầu tất cả các tỉnh/thành trên cả nước phải giảm quy mô tổ chức các sự kiện chào mừng Boun Pi Mai (Lễ hội mừng Năm mới) nhằm tránh tụ tập đông người và ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, chỉ thị trên yêu cầu các tỉnh/thành được phép tổ chức các nghi lễ truyền thống để chào đón năm mới (diễn ra từ ngày 14-16/4) cấm các sự kiện tụ họp nơi công cộng.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước láng giềng của Lào, gây nguy cơ dịch bùng phát tại nước này.

Các hoạt động bị cấm trong dịp Năm mới của Lào năm nay gồm biểu diễn văn hóa, ca nhạc, các cuộc thi sắc đẹp và lễ rước Hoa hậu Lào, các hội chợ đường phố tại những nơi công cộng trừ những địa điểm được chính phủ cho phép.

Người dân được khuyến khích đón mừng năm mới theo các phong tục truyền thống, tổ chức các nghi lễ tôn giáo và buộc chỉ cổ tay ở quy mô nhỏ tại nhà, văn phòng và chùa. Người dân cũng bị cấm ném nước bẩn hoặc nước có màu trên đường phố và các địa điểm công cộng.

Tại thủ đô Viêng Chăn, các sự kiện chào mừng năm mới sẽ bị hạn chế ở quy mô nhỏ tại các trung tâm mua sắm, nơi khách hàng có thể thưởng thức đồ ăn và mặc trang phục truyền thống của Lào.

Mọi người cũng có thể ra bờ sông Mê Công để đắp các tháp cát theo phong tục truyền thống vào dịp đón năm mới của Lào, song việc tổ chức biểu diễn ca nhạc và tụ tập đông người dọc sông và các địa điểm công cộng khác như chùa hoặc ở nhà sẽ bị cấm.

Tại Vang Vieng, một địa điểm du lịch thu hút rất đông khách của Lào, chính quyền huyện này cũng thông báo sẽ hạn chế tổ chức các cuộc tụ tập đông người nơi công cộng, trong khi các hoạt động chào mừng năm mới chỉ được giới hạn trong khuôn khổ các nghi lễ truyền thống như tưới nước lên tượng Phật tại các chùa.

Giới chức của huyện này cũng cho biết sẽ cử người giám sát các chùa để ngăn chặn việc hình thành các đám đông và nhắc nhở du khách về các quy tắc phòng dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục