Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động phòng ngừa thiên tai

14:52' - 07/04/2016
BNEWS Ngày 7/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016.
Tăng cường phòng chống thiên tai năm 2016. Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị, đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty cho biết, mặc dù trong năm 2015 có nhiều khó khăn, ảnh hưởng do thời tiết, phải tiết giảm chi phí... song hoạt động phòng chống thiên tai ở các đơn vị vẫn được đẩy mạnh.

Đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, ông Đặng Cao Sơn cho hay, trong năm qua, giá dầu đã giảm tới 60%, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhưng ngay từ đầu năm 2016, Tập đoàn đã đề ra kế hoạch xuyên suốt, đảm bảo công tác an toàn, phòng chống thiên tai; trong đó, hoàn thành văn phòng trực ban tình huống khẩn cấp, trang bị thiết bị, công nghệ hiện đại theo dõi các giàn, tàu trên biển, phối hợp với Bộ Quốc phòng, cảnh sát biển và các nhà thầu.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng đã đi sâu vào việc đầu tư, nghiên cứu để đánh giá quản trị rủi ro ở các công trình khí, điện, đạm; xây dựng và ký hợp đồng đánh giá cháy nổ giàn khoàn và ống dẫn khí trên bờ, dự kiến trong năm nay sẽ tổ chức báo cáo với cơ quan chức năng.

“Với các công trình dầu khí trọng điểm miền Trung, miền Nam, các nhà máy điện, khí, Tập đoàn kiểm tra các nhà thầu thường xuyên để đảm bảo quá trình sản xuất an toàn. Tập đoàn có thể tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nhưng riêng an toàn môi trường, chống cháy nổ là không thể tiết giảm.” - ông Sơn nói.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) Vương Thái Dũng cũng cho rằng, Tập đoàn luôn quan tâm và tăng cường công tác an toàn cháy nổ, phòng chống thiên tai.

Tuyệt đối không cắt giảm khoản chi phí này để đảm bảo an toàn với hệ thống và người lao động.

Tuy nhiên, ông Vương Thái Dũng cũng kiến nghị, cần có quy định về trình tự xây dựng, xem xét... phương án phòng chống cháy nổ, thiên tai một cách thông thoáng hơn, tránh gây chồng chéo và tốn kém cho doanh nghiệp.

Báo cáo tại hội nghị, ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho hay, trong năm qua, thiên tai tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại cho ngành công thương ước tính 1.720 tỷ đồng.

Các đơn vị bị thiệt hại lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam...

Mặc dù, có nhiều cố gắng nhưng trong năm qua, nhiều đơn vị còn chủ quan, chưa thực sự chủ động trong các khâu chuẩn bị, phòng ngừa; công tác báo cáo và diễn tập chưa được thường xuyên...

Vì vậy, ông Tô Xuân Bảo cũng cho rằng, trong thời gian tới, các Tập đoàn, Tổng công ty cần tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các nội dung được giao để ứng phó sự cố, thiên tai, cụ thể Tập đoàn Dầu khí cần khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch ứng phó cấp quốc gia sự cố cháy nổ giàn khoan và đường ống dẫn dầu; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố sập đổ hầm lò khai thác khoáng sản. Các đơn vị cần tăng cường hơn nữa diễn tập, phổ biến kiến thức và nguồn lực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố...

Ông Bảo cũng kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai hướng dẫn chi tiết việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai; thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng chống thiên tai và cứu nạn, đồng thời có cơ chế hỗ trợ về vốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp cam kết dự trữ hàng hoá, vật tư thiết yếu phục vụ công tác phòng chống thiên tai.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục