Nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện - Bài 1: Đảm bảo tiến độ các dự án

14:22' - 01/03/2020
BNEWS Một trong những giải pháp quan trọng đảm bảo triển khai Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, giai đoạn 2016-2030 là tăng cường chỉ đạo Chủ đầu tư các công trình nguồn điện/lưới điện vào vận hành.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng ban thường trực, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho biết, một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo triển khai Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, giai đoạn 2016-2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) là tăng cường chỉ đạo Chủ đầu tư các công trình nguồn điện/lưới điện vào vận hành nhằm tăng cường khả năng cấp điện và khả năng giải tỏa công suất các nguồn điện này.

Điện mặt trời trên đảo Trường Sa. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Cụ thể, Chủ đầu tư đưa Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng vào vận hành trong Quý 1 năm 2020; Đôn đốc các Chủ đầu tư xử lý những nội dung thuộc thẩm quyền và báo cáo Chính phủ chỉ đạo xử lý đối với các dự án Sông Hậu I, Thái Bình II, Long Phú 1.

Đồng thời, chỉ đạo các Chủ đầu tư đảm bảo tiến độ các dự án nhiệt  điện lớn trong giai đoạn 2021-2025 gồm: Nhiệt điện Sông Hậu 1 (năm 2021); BOT Duyên Hải 2, Thái Bình 2 (năm 2022); BOT Vân Phong 1, Long Phú 1 (năm 2023); Nhơn Trạch 3&4 (2023-2024)...

Đặc biệt Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc tăng cường năng lực khai thác và tăng khả năng cấp than cho sản xuất điện.

Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện mặt trời, điện gió đã có trong quy hoạch vào vận hành đúng tiến độ; Khẩn trương xây dựng lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện này, các cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách đồng bộ nhằm khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo với cơ cấu và tỷ lệ hợp lý, nhất là các dự án điện mặt trời áp mái.

Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính thủ tục điều chỉnh quy mô, tiến độ các dự án lưới điện đã có trong danh mục của Quy hoạch điện VII điều chỉnh để đảm bảo tiến độ các dự án.

Hạ lưu Thủy điện Buôn TuaSrah. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia khẩn trương đầu tư, xây dựng và hoàn thành các đường dây và trạm biến áp 500/220/110 kV giải tỏa công suất các trung tâm điện lực, các nguồn năng lượng tái tạo tập trung ở khu vực Nam Trung Bộ, các nguồn thủy điện nhỏ ở khu vực miền núi phía Bắc; đôn đốc, đảm bảo tiến độ xây dựng đường dây 500 kV Vũng Áng -  Dốc Sỏi -  Pleiku 2 đảm bảo vào vận hành trong năm 2020.

Ngoài dự án điện khí LNG Bạc Liêu đã được bổ sung vào Quy hoạch, theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, cần xem xét bổ sung quy hoạch các nhà máy điện LNG như các dự án Long Sơn và Cà Ná mà Bộ Công Thương đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong trường hợp các dự án nhiệt điện phía Nam vẫn tiếp tục chậm tiến độ, để đảm bảo cấp điện cho miền Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết có thể xem xét tới khả năng thuê các tàu, xà lan/nhà máy điện nổi để cung cấp điện.

Trung tâm hệ thống điện Quốc gia. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Với thời gian giao hàng ngắn, theo hợp đồng từ 3 đến 10 năm và dải công suất dao động trong khoảng 30 MW đến 620 MW. Đây là giải pháp ngắn hạn và trung hạn tương đối hiệu quả cho các quốc gia có nhu cầu điện khẩn cấp.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực sẽ xem xét chuyển đổi nhiên liệu đối với Nhà máy nhiệt điện Hiệp Phước hiện hữu (375 MW) sang sử dụng khí LNG và bán toàn bộ điện năng lên lưới.

Đồng thời lắp đặt bổ sung 3 tuabin khí, nâng qui mô công suất lên 1.185 MW để nâng cao hiệu suất và bổ sung nguồn điện, giảm sản lượng điện thiếu cho hệ thống điện Quốc gia từ cuối năm 2022. Mặt khác, tiếp tục tăng cường nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực theo chủ trương Chính phủ đã phê duyệt.

Song song với đó, Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu phụ tải điện và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của các chương trình quản lý nhu cầu điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và khách hàng sử dụng điện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục