Nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện - Bài 2: Kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành

14:41' - 01/03/2020
BNEWS Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính...
Công nhân kiểm tra máy biến áp trước khi đóng điện. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Để đảm bảo tiến độ các dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đối với các dự án điện. Đây là thủ tục mất khá nhiều thời gian và gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án.

Cụ thể, một số công trình vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài như đường dây 220 kV đấu nối sau các trạm 500 kV Phố Nối, Việt Trì, Lưu Xá; đường dây 500 kV mạch 3, đường dây 220 kV Thượng Kon Tum – Quảng Ngãi, Kiên Bình – Phú Quốc, trạm biến áp 220 kV Tân Cảng…; vướng mắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng như trạm biến áp 220 kV Nghĩa Lộ và đường dây 220 kV Nghĩa Lộ - 500 kV Việt Trì, đường dây 220 kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ, Nha Trang – Tháp Chàm....

Đặc biệt, là một số công trình trọng điểm đồng bộ nguồn điện BOT bị chậm tiến độ như đường dây 500 kV đấu nối các Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, Vân Phong 1 và Hải Dương.

Cùng với việc Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam thay thế Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 sau khi Bộ Công Thương trình, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét và ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý nhà nước về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án điện.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, sớm giải quyết các vướng mắc của Dự án Thái Bình 2.

Vướng mắc chính của dự án này liên quan đến việc sử dụng vốn và các vướng mắc khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban đã được Bộ Công Thương báo cáo tại Văn bản số 9779/BCT-ĐL ngày 30/11/2018) và Dự án Long Phú 1, liên quan đến các vướng mắc như hợp đồng EPC, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án....

Thủ tướng Chính phủ cũng xem xét việc tiếp tục bảo lãnh cho các chủ đầu tư vay vốn cho các dự án điện quan trọng, cấp bách phù hợp quy định của pháp luật; Xem xét việc tiếp tục cho phép sử dụng vốn ODA vào đầu tư các dự án điện, đặc biệt là các dự án truyền tải cấp bách.

Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An tập trung quyết liệt để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng Dự án đường dây 500 kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 để đảm bảo dự án có thể hoàn thành xây dựng trước tháng 6/2020.

Ngoài ra, Thường trực Ban Chỉ đạo còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương tăng sản lượng nhập khẩu lên 3,6 tỷ kWh/năm từ năm 2021 thông qua việc mở rộng hợp đồng hiện nay.

Nhiền trạm biến áp 220 kV đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Đối với Bộ Công Thương, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy nhanh việc thẩm định các dự án điện, tạo điều kiện đảm bảo thời gian triển khai dự án; Nghiên cứu, phân cấp cho EVN, PVN, TKV chủ động thực hiện các bước thiết kế của một số công trình hoặc hạng mục dự án trong phạm vi thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ các dự án.  

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với các dự án lưới điện phục vụ giải tỏa nguồn điện.

Bộ Công Thương cũng tổ chức triển khai việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 (quy định danh mục các quy hoạch tích hợp vào Quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh) trên cơ sở tổng thể, đảm bảo tính khả thi và đồng bộ của quy hoạch; khẩn trương thẩm định, trình duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các dự án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực các địa phương và Quy hoạch điện VII trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, hoàn thành việc lập Quy hoạch điện quốc gia VIII trong năm 2020 theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyêt.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho biết, về phía Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chủ động tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại của các Dự án theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính  phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền nhằm đảm bảo tiến độ các dự án, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

 Đồng thời tiếp tục chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan đến công tác đầu tư, xây dựng các dự án điện theo chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP.

 Mặt khác, kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương để đôn đốc, chỉ đạo Chủ đầu tư cùng với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm các vướng mắc về giải phóng mặt bằng các dự án điện.

Trạm biến áp 220 kV Than Uyên (Lai Châu) là trạm biến áp không người trực đầu tiên. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Đối với Bộ Xây dựng, ngoài việc sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng;  Sớm xem xét có ý kiến thẩm định, phê duyệt về một số định mức dự toán thi công xây dựng công trình Nhiệt điện (chưa được đề cập trong định mức đơn giá chuyên ngành) do Viện Kinh tế Xây dựng lập, còn có ý kiến sớm đối với bộ Định mức chuyên ngành thiết kế, chế tạo một số hệ thống thiết bị phụ trợ công trình nhiệt điện được ban hành kèm theo Quyết định số 2572/QĐ-BCT ngày 23/4/2013 của Bộ Công Thương, làm cơ sở cho các Chủ đầu tư áp dụng.

Bên cạnh đó, Bộ này cũng sớm xem xét thỏa thuận/ban hành một số bộ định mức - đơn giá mới như Bộ Công Thương đã có Công văn số 9390/BCT-ĐL ngày 06/12/2019 gửi Bộ Xây dựng làm đầu mối thỏa thuận/ban hành để Chủ đầu tư có cơ sở áp dụng/vận dụng tại dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1.

Ngoài ra, chủ trì xem xét điều chỉnh phân cấp công trình xây dựng đối với các công trình liên quan đến nhóm năng lượng, phù hợp thực tế quản lý và quy mô số lượng các dự án điện.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, nhất là các dự án nhiệt điện và đường dây truyền tải điện.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các Cục chức năng hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, thống nhất cho Chủ đầu tư về các hồ sơ thủ tục cấp giấy phép.

Hỗ trợ Chủ đầu tư hoàn thành thủ tục cấp giấy phép xả thải, giấy phép sử dụng nước mặt cho Nhà máy nhiệt điện có tiến độ vận hành đến năm 2021 để kịp chạy thử, nghiệm thu và vận hành thương mại, phục vụ giảm nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới.

Riêng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, xử lý các kiến nghị của các Tập đoàn về thu xếp vốn cho các dự án điện đầu tư trong giai đoạn đến năm 2025 hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

 Cụ thể, xem xét việc tiếp tục cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án điện đầu tư trong giai đoạn đến năm 2025;  Cho phép các khoản vay không có bảo lãnh Chính phủ cho các dự án điện được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013; Tiếp tục ưu tiên bố trí các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để đầu tư các dự án điện, đồng thời bổ sung các dự án điện vào Khoản 12 Điều 1 Nghị định 132/2018/NĐ-CP ngày 01/10/2018.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sớm hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) Dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Nhiệt điện Quảng Trạch II trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải cũng có trách nhiệm sớm xem xét, rà soát quy định tại Điểm a, Khoản 3 Điều 12 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT theo hướng cho phép đường dây dẫn điện được gắn vào cầu đường bộ, không phân biệt cấp điện áp của đường dây nếu đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo an toàn, phù hợp với nội dung quy định tương ứng của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP, Nghị định số 72/2012/NĐ-CP và Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Đặc biệt đối với UBND các tỉnh, thành phố, theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, cần giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án điện, nhất là các đường dây và trạm đấu nối đồng bộ với phát điện nhà máy, các dự án điện cấp bách, các dự án giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các địa phương trong tỉnh/thành phố phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư xử lý dứt điểm và quyết liệt các vướng mắc về giải phóng mặt bằng; Có phương án hỗ trợ bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường bố trí chi tiết vị trí các trạm biến áp và tuyến đường dây 220, 110 kV theo quy hoạch điện được duyệt vào kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hàng năm của địa phương, tạo điều kiện cho các Chủ đầu tư rút ngắn thời gian thỏa thuận vị trí trạm biến áp và tuyến đường dây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục