Nhiều khu công nghiệp ở Bà Rịa-Vũng Tàu vướng giải phóng mặt bằng

16:36' - 05/07/2022
BNEWS Nhiều KCN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang gặp khó về bồi thường, giải phóng mặt bằng khiến việc bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư thứ cấp của các chủ khu công nghiệp gặp nhiều trở ngại.

Đáng chú ý, trong số đó có những khu công nghiệp đã đi vào hoạt động hàng chục năm vẫn gặp khó trong vấn đề này.

Khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức, nằm trên địa bàn 4 xã của huyện Châu Đức và thị xã Phú Mỹ, được thành lập từ năm 2008 với tổng diện tích đất là 2.287 ha.

 

Thế nhưng, phần đất thuộc địa huyện Châu Đức và thị xã Phú Mỹ hiện còn 127 ha đất chưa thực hiện được kiểm đếm thực địa do người dân không hợp tác với lý do đơn giá bồi thường thấp so với thị trường và yêu cầu chủ khu công nghiệp thỏa thuận bồi thường.

Đồng thời, một số khu vực thuộc Khu công nghiệp (phần trên địa bàn huyện Châu Đức) khi thi công hạ tầng vẫn còn vướng mặt bằng, với diện tích 48,7ha do một số hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường, một số hộ khác (với diện tích khoảng 11ha) đã nhận tiền nhưng không bàn giao mặt bằng.

Đại diện Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức cho biết, việc người dân không nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng dẫn đến phía doanh nghiệp không thể đấu nối hoàn thiện hạ tầng khu vực diện tích khoảng 250ha đất khu công nghiệp, điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư khu công nghiệp và thu hút các dự án thứ cấp vào xây dựng nhà máy.

“Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đang là nỗi trăn trở của doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã nỗ lực nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng”, vị đại diện này cho biết thêm.

Ông Võ Đông Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Châu Đức cho biết, người dân cho rằng giá đất hiện nay chưa phù hợp với giá thị trường nên kiến nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần hỗ trợ thêm để họ ổn định cuộc sống.

Vấn đề này huyện Châu Đức đã và đang có nhiều sự hỗ trợ cho dân như: hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ giá đất ở mới và hỗ trợ tái định cư. Tuỳ theo đối tượng được hưởng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ này cũng bù đắp cho dân nên hiện nay một số hộ dân đã đồng thuận cao.

Không riêng gì khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức vướng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành lập cách đây cả hàng chục năm nhưng vẫn vướng.

Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 thành lập đến nay đã được 24 năm, với tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê là 651ha. Tuy nhiên, khu công nghiệp này hiện còn khoảng 45,8ha đất không thể thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để có đất sạch bàn giao cho nhà đầu tư thứ cấp do các hộ dân không chịu nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, gây cản trở không cho chủ đầu tư thi công, san lấp mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư thứ cấp.

Hay như Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, hiện vẫn còn diện tích đất khoảng 30ha rải rác trong phần diện tích đất Khu công nghiệp chưa thực hiện công tác bồi thường do nhiều vướng mắc khác nhau.

Cụ thể: pháp lý về đất giữa việc canh tác sản xuất lâu đời của người dân trong khu vực rừng phòng hộ chưa được giải quyết dứt điểm; việc xác định điều kiện bồi thường tài sản trên đất trong khu vực rừng phòng hộ chưa được thực hiện.

Theo báo cáo từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay trên địa bàn tỉnh còn hơn 390ha đất thuộc 9 khu công nghiệp nằm trên địa bàn thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức còn vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Để tháo gỡ các khó khăn trên, ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Ban đã đề nghị huyện Châu Đức và thị xã Phú Mỹ quan tâm hỗ trợ lực lượng vận động người dân hợp tác thực hiện trình tự về bồi thường, giải phóng mặt bằng để có đất sạch bàn giao cho các nhà đầu tư.

Trường hợp sau khi đã vận động người dân vẫn không hợp tác, địa phương cần sớm áp dụng các biện pháp hành chính nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu nhìn nhận, việc chậm giải phóng mặt bằng khu công nghiệp gây trở ngại cho nhà đầu tư. Do đó, để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương phải quyết tâm, đồng hành cùng nhà đầu tư hạ tầng nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án tại các khu công nghiệp.

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp phối hợp Trung tâm Phát triển qũy đất tỉnh, các địa phương làm việc với các chủ đầu tư các khu công nghiệp xác định rõ từng vị trí, khu vực chưa giải phóng mặt bằng được để xác định số lượng hộ dân; trong đó, xem xét giải quyết cụ thể từng trường hợp vướng mắc theo quy định và tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho các khu công nghiệp thu hút dự án đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục