Nhiều kiến nghị sửa đổi liên quan đến dự thảo Bộ Luật Lao động

12:03' - 18/09/2019
BNEWS Sau hơn 5 năm thi hành, Bộ Luật Lao động (năm 2012) đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động... Do đó, cần được sửa đổi, bổ sung.
Hội thảo Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi): những tác động bất lợi và kiến nghị. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nhằm tạo diễn đàn để các bên liên quan chia sẻ quan điểm về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Lao động sửa đổi (như quy định về khung giờ làm thêm, lương lũy tiến theo giờ, hợp đồng lao động, thời gian làm việc tiêu chuẩn, kỷ luật lao động,…) và tác động của các quy định đó tới người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế; từ đó đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi các quy định liên quan, sáng 18/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị”.
Sau hơn 5 năm thi hành, Bộ Luật Lao động (năm 2012) đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn; và do đó cần được sửa đổi, bổ sung.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và đang trong giai đoạn hoàn thiện, xin ý kiến rộng rãi để trình Quốc hội. Bên cạnh những điểm mới, tiến bộ, dự thảo còn nhiều nội dung bất cập, gây tranh cãi.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là nguồn nhân lực dồi dào, mọi đóng góp cho tăng trưởng kinh tế là tạo ra nhiều công ăn việc làm, tận dụng tối đa nguồn nhân lực để tăng trưởng.

Chính vì vậy, cần khích lệ cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ Luật Lao động; có đạo luật tốt, chính sách tốt sẽ cực kỳ quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội.
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, giới thiệu một số điểm còn nhiều tranh luận của dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), theo đó, có 8 vấn đề lớn cần được xem xét sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển; đó là: thời giờ làm thêm và cách tính tiền lương làm thêm giờ; tiền lương; thời gian làm việc bình thường; hợp đồng lao động, hợp đồng thử việc, tập nghề và cho thuê lại lao động; kỹ thuật lao động; đình công; tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở và một số vấn đề khác…
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, lợi ích quốc gia sẽ có thể bị ảnh hưởng ở cả trong và ngoài phạm vi lãnh thổ khi thông qua dự thảo Bộ Luật Lao động mới.
Có ý kiến cho rằng, kim ngạch xuất khẩu đã và đang chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của quốc gia. Tuy nhiên, nếu dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi được chính thức thông qua với hàng loạt các quy định “ngáng chân” doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực tới kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Bộ Luật Lao động năm 2012 đang tồn tại và gây nhiều khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa của các ngành công nghiệp trọng điểm xuất khẩu, nhiều đơn hàng đã bị hỏng do các đoàn đánh giá độc lập của “bên mua” đã căn vào các quy định quá khắt khe của Bộ Luật Lao động hiện hành để “đánh trượt” doanh nghiệp trong việc xuất hàng đi nước ngoài.
Bên cạnh đó, dự thảo Bộ Luật Lao động mới sẽ có thể làm sụt giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước. Theo đó, khi doanh nghiệp đang phải đối diện với quá nhiều khó khăn về thị trường, nguồn vốn, những rủi ro trong kinh doanh thì các thay đổi theo hướng gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp trong dự thảo Bộ Luật Lao động lần này sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, doanh thu sụt giảm.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, dự thảo Bộ Luật Lao động mới còn nhiều “điểm mờ” sẽ có thể trở thành “rào cản” gây ảnh hưởng đến sự phát triển doanh nghiệp.
Theo đó, nhiều quy định trong dự thảo Bộ Luật Lao động mới hiện nay đang “rất mờ” và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng “như các quy định về kỷ luật lao động, sa thải lao động, các quy định về tập nghề, sử dụng lao động thuê lại…

Điều này vô tình đã tạo “khoảng trống” cho pháp luật. Trong thực tiễn, khi các bên đánh giá độc lập cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, giải quyết khiếu nại, khởi kiện, đình công khi gặp phải các quy định mờ này thường diễn giải theo hướng “có lợi hơn cho người lao động” nên càng gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội cho rằng, trước hết, cần làm rõ Bộ Luật Lao động này có đảm bảo được việc làm công bằng và bình đẳng của người lao động hay không? Hiện, Luật Lao động điều chỉnh còn rất hẹp.

Bộ Luật sửa đổi lần này còn đang loại trừ các đối tượng vị thành niên (cụ thể đối với độ tuổi dưới 15 tuổi đang tham gia hoạt động kinh tế).
Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sông Hồng cũng cho rằng, quy định về số thời gian làm việc cùng chế độ tiền lương trong doanh nghiệp còn quá rườm rà, không luật nào quy định chi tiết đến như trong Bộ Luật Lao động, điều này sẽ gây thêm rất nhiều phức tạp cho doanh nghiệp.
Kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, các quy định Luật hiện nay về điều kiện xin giấy phép lao động cho người nước ngoài rất chặt chẽ, không phải lao động nước ngoài nào cũng đủ điều kiện để xin giấy phép lao động, mà chỉ có các chuyên gia và các lao động kỹ thuật cao.

Quy định như Dự thảo Luật Lao động sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn, làm hạn chế về môi trường đầu tư của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục