Nhiều tiềm năng phát triển thị trường nông nghiệp hữu cơ

19:01' - 15/12/2017
BNEWS Chiều 15/12, tại phiên hội thảo chuyên đề “Phát triển thị trường nông nghiệp hữu cơ" đa số các đại biểu cho rằng, thị trường nông nghiệp hữu cơ còn rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển.
 
Hội thảo chuyên đề "Phát triển thị trường nông nghiệp hữu cơ". Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế: “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Hội nhập và Phát triển” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tổ chức.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, tại Việt Nam đến nay có 33/63 tỉnh, thành phố đã phát triển nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ với diện tích đạt hơn 76.600 ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010.

Nhiều doanh nghiệp đã đi tiên phong vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất hữu cơ theo chuỗi phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu sản phẩm đi nhiều nước trên thế giới và có thương hiệu được khẳng định trên thị trường như TH truemilk, Vinamilk...

Đánh giá về thị trường nông nghiệp hữu cơ, ông Toản cho rằng, hiện nay nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và nhiều thuận lợi. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện Nghị định về nông nghiệp hữu cơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ cũng được Bộ Khoa học Công nghệ tiếp tục hoàn thiện để sớm ban hành trong thời gian tới. Như vậy, bước đầu chúng ta đã tạo được khuôn khổ pháp lý cho nông nghiệp hữu cơ phát triển.

"Đã đến lúc nông nghiệp Việt Nam phải chuyển sang mô hình mới, sạch, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng chuyển sang lựa chọn những sản phẩm có chất lượng cao, đặc biệt là có truy suất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, cũng như là sản phẩm đạt các tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế. Chính vì vậy, thị trường về nông nghiệp hữu cơ là rất tiềm năng, mặc dù hiện nay mới chỉ là bước khởi đầu. Nhưng tôi tin rằng, với sự vào cuộc của các bộ, ngành và sự đồng hành của doanh nghiệp, nông dân thì nông nghiệp hữu cơ sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới" - ông Toản nhấn mạnh.

Là một đơn vị phân phối nhiều sản phẩm nông nghiệp, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Nguyễn Thành Nhân cho hay, qua nghiên cứu, tôi cho rằng tiềm năng của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại thị trường Việt Nam rất lớn và còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, do mới chỉ đang ở bước khởi đầu nên cũng có rất nhiều thách thức.

Có 3 thách thức lớn là, hiện các sản phẩm hữu cơ trên thị trường Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận và các sản phẩm hữu cơ "tự phong" không rõ ràng. Từ đó, tạo ra nhận thức chưa rõ ràng đối với các sản phẩm hữu cơ. Chính sự phân biệt không rõ ràng đã làm cho sản phẩm hữu cơ khó phát triển.

Bên cạnh đó, trình độ, năng lực cập nhật thông tin về sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa nhiều đối với các nhà sản suất. Chính vì vậy, chất lượng, sản lượng chưa cao. Thực tế, đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thì cung chưa đáp ứng kịp cho cầu. Cuối cùng là việc quy hoạch cho vùng trồng là rất khó tìm, đồng thời việc cải tạo lại đất, nguồn nước để trồng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là rất lớn và mất nhiều thời gian.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, để thị trường nông nghiệp hữu cơ phát triển cần phải xây dựng bộ tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, quy hoạch các vùng chuyên canh, xen canh, trái vụ... phù hợp.

Bên cạnh đó, xây dựng hành lang pháp lý để được công nhận, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ... Có thêm các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Công ty Kantar World Panel Việt Nam cho biết, trên thế giới, thị trường nông nghiệp hữu cơ chiếm 4% doanh thu thực phẩm và đồ uống. Mỹ, châu Âu, Trung Quốc là 3 thị trường hữu cơ phát triển nhất; trong đó Mỹ chiếm gần 50% doanh thu sản phẩm hữu cơ toàn cầu.

Còn tại Việt Nam, các sản phẩm hữu cơ vẫn còn mới mẻ đối với người tiêu dùng. Mặc dù vậy thị trường này vẫn được kỳ vọng phát triển trong những năm tới nhờ các nhà sản xuất đẩy mạnh sản phẩm hữu cơ từ nội địa đến nhập khẩu.

Tuy nhiên, có 4 rào cản chính trong việc phát triển thị trường nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam là, hầu hết người dân chưa hiểu hoặc chưa biết đến khái niệm sản phẩm hữu cơ; việc tiếp cận sản phẩm và hệ thống phân phối bán lẻ còn hạn chế; các tiêu chuẩn đánh giá trong nước và thiếu các hệ thống chứng nhận rõ ràng; chi phí đầu tư và giá thành cao.

Do đó, để phát triển thị trường đầy tiềm năng này cần đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục các lợi ích của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; xây dựng, áp dụng hệ thống chứng nhận uy tín, nhãn hiệu, nguồn gốc rõ ràng; phát triển phân khúc tầm trung, giá thành hợp lý; nâng cấp và mở rộng chuỗi cung ứng nuôi trồng - sản xuất - phân phối; Nghiên cứu và đầu tư vào cơ hội xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, EU nơi cung vẫn còn ít hơn cầu./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục