Nhiều vấn đề về bảo mật đối với mạng 5G được các chuyên gia cảnh báo

22:04' - 03/05/2019
BNEWS Các chuyên gia cũng cho rằng nên luật hóa vấn đề bảo mật và những đánh giá rủi ro về các công nghệ mạng 5G...

Ngày 3/5, giới chuyên gia đã kêu gọi các hãng cung cấp dịch vụ mạng 5G nên chú trọng vào chuỗi bảo mật trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về các hãng công nghệ cung cấp mạng 5G như tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, hiện đang bị "tẩy chay" tại Mỹ.

Trong tuyên bố mang tên" Đề xuất Praha" tại hội nghị an ninh mạng 5G tổ chức tại thủ đô Praha, CH Séc, các chuyên gia nhấn mạnh: "Nên chú trọng tới nguy cơ một nước thứ ba tác động tới một nhà cung cấp (mạng 5G), đặc biệt liên quan tới mô hình quản trị, không có các thỏa thuận hợp tác về an ninh".

Các chuyên gia cũng cho rằng nên luật hóa vấn đề bảo mật và những đánh giá rủi ro về các công nghệ mạng 5G...

Theo tuyên bố không mang tính ràng buộc này, khi lựa chọn hãng cung cấp thiết bị 5G cho nước mình, các nước nên đặt ra những tiêu chí hàng đầu như việc tuân thủ các thỏa thuận đa phương, quốc tế hay song phương về an ninh mạng, cuộc chiến chống tội phạm mạng hoặc bảo vệ dữ liệu...

Mỹ đã cấm tập đoàn Huawei tham gia phát triển mạng không dây thế hệ mới 5G ở nước này, đồng thời cấm các cơ quan liên bang Mỹ sử dụng thiết bị của tập đoàn này do lo ngại thiết bị của Trung Quốc có thể là công cụ do thám và có thể xâm nhập vào hệ thống hạ tầng cơ sở trọng yếu.

Trong khi đó, châu Âu hiện đang bị chia rẽ về cách tiếp cận đối với Huawei giữa một bên là những nước như Anh và Đức đã cho phép tập đoàn này tham gia một phần vào hoạt động xây dựng mạng lưới 5G tại các nước này, trong khi những nước khác, trong đó có Séc, cảnh báo chống lại Huawei.

Trong khi đó, Huawei - nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các thiết bị thông tin hàng đầu thế giới, trong đó có mạng không dây thế hệ mới 5G - đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ các cáo buộc rằng thiết bị của hãng có thể được sử dụng với mục đích do thám.

Huawei đã đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ này, chủ yếu cạnh tranh với hãng Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục