Nhìn lại thế giới 2016: Những nốt trầm của kinh tế Mỹ Latinh

14:24' - 02/01/2017
BNEWS Năm 2016 đánh dấu một năm nhiều gian truân và nhọc nhằn đối với nền kinh tế khu vực Mỹ Latinh.
Kinh tế Mỹ - Latinh tăng trưởng nhọc nhằn trong năm qua. Ảnh: Pulsamerica

Việc hàng loạt trụ cột kinh tế lớn của khu vực phải đối mặt với nhiều khó khăn cùng các yếu tố bất lợi bên ngoài đã khiến triển vọng tăng trưởng tại thị trường rộng lớn với hơn 600 triệu dân này trở nên ảm đạm.

Bức tranh màu xám

Có thể nói, bức tranh kinh tế chung của Mỹ Latinh, vốn từng được ví như “ngôi sao đang lên” của thế giới trong giai đoạn phát triển vàng 2003 – 2013, tràn ngập gam màu xám trong năm 2016.

Trong khi nhiều quốc gia khác hưởng lợi rất lớn khi giá cả hàng hóa thế giới giảm, đây lại là một điều bất lợi đối với một số nền kinh tế hàng đầu của khu vực Mỹ Latinh, vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu.

Hãng tín nhiệm Fitch của Mỹ đánh giá giá nguyên liệu và hàng hóa cơ bản, trong đó có dầu thô, dù phục hồi nhẹ trong thời gian gần đây, song chưa đủ sức để vực dậy “đoàn tàu” kinh tế Mỹ Latinh đang ì ạch.

Mỹ Latinh tiếp tục là khu vực dễ bị tổn thương trên thế giới trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bấp bênh.

Sau khi tăng trưởng đình trệ trong năm 2015, nền kinh tế khu vực tiếp tục tăng trưởng âm vào đầu năm 2016 và đợt suy thoái này kéo dài xuyên đến quý III vừa qua với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn khu vực sụt giảm 0,9%.

Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc dự báo đây cũng là mức tăng trưởng âm của kinh tế khu vực này trong cả năm nay, đồng nghĩa đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp Mỹ Latinh ghi nhận kinh tế tăng trưởng âm, điều chưa từng xảy ra trong 2 thập niên gần đây.

Kinh tế suy giảm cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực tăng 8,1%, mức tăng cao nhất kể từ đầu thập kỷ trước.

Nguyên nhân chủ yếu khiến tăng trưởng kinh tế toàn khu vực suy giảm là do tình hình khó khăn tại các nền kinh tế chủ chốt như Brazil, Venezuela hay Argentina. Sau một thập niên tăng trưởng mạnh, Brazil - nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh và lớn thứ 7 thế giới, đã không còn là "người khổng lồ" của nhóm các nền kinh tế mới nổi khi đang trải qua đợt suy thoái sâu nhất kể từ những năm 1930.

Nhiều nền kinh tế chủ chốt trong khu vực đang rơi vào khủng hoảng. Ảnh: International Business Times

Kinh tế Brazil trong quý III vừa qua suy giảm 2,9%, và được dự báo là sẽ suy giảm tới 3,5% trong cả năm nay. Brazil cũng đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách cao, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ real mất giá gần 50% và nợ công tương đương 65% GDP.

Một trong các nguyên nhân là Brazil vẫn bị phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu hàng hóa khi coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, bức tranh chính trị rối ren sau vụ tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn dầu khí Petrobras cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này.

Bên cạnh Brazil, “người hàng xóm” Venezuela cũng đang chật vật xử lý hàng loạt khó khăn kinh tế - chính trị. Vốn là nước phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ, việc giá "vàng đen" lao dốc và phục hồi chậm đã khiến quốc gia này rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Ngoài ra, Venezuela vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Theo dự báo, kinh tế Venezuela trong năm nay sẽ suy giảm tới 11,3% và đây là năm thứ 3 liên tiếp kinh tế quốc gia Nam Mỹ này tăng trưởng âm.

Trong khi đó, tình hình tại một số nền kinh tế khác trong khu vực cũng không mấy khả quan. Nền kinh tế Ecuador, vốn chịu thiệt hại nặng nề sau trận động đất hồi tháng 4, lại đang chịu sức ép từ sự yếu kém tài chính khi giá dầu giảm.

Argentina vẫn chìm trong suy thoái khi những biện pháp cải cách theo định hướng thị trường của giới lãnh đạo chưa thể giúp nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh lấy lại đà tăng trưởng.

Các chuyên gia nhận định kinh tế Argentina có thể suy giảm 2,3% trong năm nay, trong khi chính phủ nước này cho rằng kinh tế sẽ sụt giảm 1,5%. Nền kinh tế Colombia, từng được xem là ngôi sao sáng trong khu vực, cũng bắt đầu có những dấu hiệu suy giảm vào đầu năm nay.

Những điểm sáng hiếm hoi

Bên cạnh những gam màu xám, không thể phủ nhận rằng bức tranh kinh tế Mỹ Latinh trong năm 2016 cũng ghi nhận một số điểm sáng. Dominica và Panama là hai nền kinh tế dẫn đầu Mỹ Latinh với mức tăng trưởng dự báo lần lượt đạt 6,4% và 5,2% trong năm nay.

Đặc biệt, công trình mở rộng kênh đào Panama trị giá 5,3 tỷ USD cũng mang lại những tín hiệu tích cực cho hoạt động kinh doanh trong khu vực Trung Mỹ.

Mexico - quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực, vẫn duy trì mức đầu tư trực tiếp nước ngoài cao. Peru là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Mỹ Latinh nhờ vào đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tăng trưởng tích cực của xu hướng hàng hóa và sự ổn định chính trị.

Bất chấp đà giảm giá của các mặt hàng nguyên liệu trên thị trường thế giới, kinh tế Bolivia tiếp tục là một trong những “ngọn cờ đầu” về tăng trưởng tại khu vực khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng 4,9% trong nửa đầu năm nay.

Kinh tế Cuba khởi sắc sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack obama. Ảnh: en.wikipedia

Kinh tế Cuba cũng có dấu hiệu khởi sắc, nhất là trong lĩnh vực du lịch, kinh doanh nhà hàng, đặc biệt sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama với “trái ngọt” là việc dỡ bỏ một số hạn chế trong kinh doanh và thương mại của Mỹ đối với đảo quốc này.

Ngoài ra, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Ecuador, Peru và Chile vừa qua, mà thành quả là 40 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực cũng được xem là cơ hội lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực.

Mặc dù những tín hiệu lạc quan trên chưa thể vẽ nên một bức tranh kinh tế Mỹ Latinh với nhiều gam màu tươi sáng, song hãng Fitch vẫn bày tỏ lạc quan tăng trưởng GDP của khu vực sẽ phục hồi khiêm tốn và đạt 1,6% trong năm 2017, nhờ vào nhu cầu bên ngoài mạnh lên, giá nguyên liệu tăng và sự cải thiện trong hoạt động kinh tế tại Argentina và Brazil.

Fitch cũng dự báo khu vực này sẽ tăng trưởng trung bình 2% trong 2017 – 2018, so với mức 4,1% trong giai đoạn 2010 – 2013. Tương tự, Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới cũng dự báo kinh tế Mỹ Latinh sẽ phục hồi với tăng trưởng đạt 1,6% và chỉ còn 2 nền kinh tế tiếp tục suy thoái là Ecuador và Venezuela. 19 nước được dự báo đạt tăng trưởng ít nhất 2,5% và 8 nước đạt được ít nhất 3,5%.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định những số liệu kinh tế yếu kém của khu vực trong năm 2016, những điều chỉnh từ phía Washington sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản, cùng sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc - nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của khu vực, đang đặt gánh nặng lên triển vọng phục hồi của khu vực trong năm tới.

Việc ông Trump chủ trương bảo hộ mậu dịch và kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn là những nguy cơ đối với nền kinh tế khu vực, đặc biệt là Mexico và các nước Trung Mỹ như Honduras, Guatemala và El Salvador, bởi kinh tế những quốc gia này chủ yếu phụ thuộc vào nguồn kiều hối từ Mỹ gửi về và hợp tác thương mại song phương với Washington.

Trong khi đó, khả năng FED tiếp tục lộ trình tăng lãi suất cơ bản cũng ảnh hưởng đến dòng vốn đổ vào Mỹ Latinh, làm dấy lên lo ngại gia tăng lạm phát tại thị trường từng có sức hấp dẫn này.

Với những khó khăn còn hiện hữu cùng những thách thức bủa vây ở phía trước, các nền kinh tế Mỹ Latinh trong thời gian tới cần có những điều chỉnh đột phá trong chính sách tài khóa và tài chính, chủ động, tích cực thúc đẩy các điều chỉnh linh hoạt liên quan đến việc điều hành và quản lý chi tiêu công, cũng như tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục.

Ngoài ra, việc xây dựng một mô hình kinh tế có tính cạnh tranh và năng suất cao, đặc biệt dần tiến tới đa dạng hóa nguồn thu sẽ là hướng đi bền vững, bảo đảm đà tăng trưởng khởi sắc cho khu vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục