Những biến chuyển trong quan hệ Mỹ và Thái Lan

06:30' - 17/05/2017
BNEWS Tờ Geopolitical Futures (Mỹ) cho rằng việc Mỹ tìm cách khôi phục quan hệ với Thái Lan không gây bất ngờ bởi hai nước từ lâu đã chia sẻ lợi ích chung tại khu vực.
Cả Washington và Bangkok đều muốn duy trì một Thái Lan ổn định. Ảnh minh họa: Reuters

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm mời nhà lãnh đạo Thái Lan tới thăm Mỹ, đồng thời nói rằng “quan hệ Mỹ-Thái sẽ gần gũi hơn bao giờ hết”. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã nhận lời mời.

Một số người coi đây là bước tái điều chỉnh quan trọng của Mỹ với Thái Lan. Bất chấp những thăng trầm trong quan hệ song phương, từ việc Mỹ giảm quy mô các cuộc tập trận đến việc giảm hỗ trợ tài chính cho Thái Lan, cuộc điện đàm của ông Trump với ông Prayuth hay hệ quả của cuộc đảo chính quân sự năm 2014 đều không làm thay đổi những lợi ích song trùng giữa hai nước.

Cả Washington và Bangkok đều muốn duy trì một Thái Lan ổn định, thống nhất. Dù Trung Quốc có ý định và hành động lôi kéo Chính quyền Prayuth, song Mỹ và Thái Lan vẫn tiếp tục chia sẻ nhiều lợi ích thiết yếu.

Nhận định về các diễn biến này, Phó Giáo sư Panitan Wattanyagorn - cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan và hiện giảng dạy tại Đại học Chulalongkorn - đã dự báo về việc tăng cường hợp tác an ninh hơn nữa giữa hai nước trong thời gian tới, sau khi hai bên đã tổ chức nhiều cuộc họp và trao đổi chung giữa các quan chức an ninh cấp cao trong những tháng qua.

Ông Wattanyagorn cũng nói rằng hai bên đang chuẩn bị cho các chính sách hợp tác chiến lược trong thời gian tới. Theo ông, Chính quyền của Tổng thống Trump đã không bị ràng buộc bởi các vấn đề như dân chủ hay nhân quyền, vì thế việc thay đổi chính sách với Thái Lan là điều dễ hiểu.

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đã ca ngợi Thủ tướng Prayuth về khả năng lãnh đạo giúp Thái Lan đạt được tiến bộ và nói rằng sẽ cử các đoàn quan chức đến bàn thảo việc tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Đại học Thammasat, ông Prapat Thepchatree, lại có góc nhìn khác về diễn biến mới này. Theo ông, vấn đề an ninh khu vực không phải là lý do chính khiến Chính quyền Trump "chìa tay" với Thái Lan.

Ông cho rằng các cố vấn của ông Trump đã khuyến nghị tăng cường quan hệ với châu Á, ASEAN và đặc biệt là Thái Lan trong bối cảnh Washington đã từ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Washington dường như đang định hình lại chiến lược tổng thể một cách thận trọng nhằm mục tiêu duy trì ảnh hưởng chi phối trong khu vực, hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc và củng cố quan hệ với các đồng minh châu Á.

Mối quan tâm lớn nhất của Thái Lan về an ninh là ngăn chặn sự can dự của các thế lực bên ngoài, đồng thời giảm thiểu các xung đột dân sự.

Liên minh với Mỹ giúp Thái Lan đạt được cả hai mục tiêu: Vừa ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc, vừa có được sự hỗ trợ tài chính, trang bị quân sự để duy trì khả năng kiểm soát khi phải đứng trước nguy cơ xuất hiện căng thẳng trong nước do bất đồng, chia rẽ nội bộ gắn với yếu tố sắc tộc.

Lợi ích của Mỹ ở Thái Lan về cơ bản không thay đổi sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Thái Lan hiện được coi là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc thay vì Liên Xô. Vị trí địa lý của Thái Lan giúp Mỹ "phóng" tầm ảnh hưởng trên nhiều hướng.

Dù Mỹ không có lực lượng lớn binh sĩ đồn trú ở Thái Lan, song Chính quyền Bangkok cho phép Mỹ tiếp cận căn cứ không quân-hải quân U-tapao, từng là trung tâm hỗ trợ trong các cuộc can dự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.

Hơn nữa, do Thái Lan không có đường biên giới trực tiếp với Trung Quốc, Mỹ có thể xây dựng tiềm lực quân sự tại Thái Lan mà không tạo cớ để Trung Quốc phản đối.

Sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, Mỹ giảm tập trận quân sự với Thái Lan và cắt hỗ trợ tài chính cho quân đội nước này. Tuy nhiên, mức giảm tài chính này không nhiều và tập trận quân sự sau đó cũng được nối lại, dù ở quy mô nhỏ hơn.

Chính quyền quân sự Thái Lan đáp trả bằng cách mời Trung Quốc tham gia khóa diễn tập hỗ trợ nhân đạo trong tập trận thường niên “Hổ mang Vàng” (Cobra Gold). Thái Lan cũng đã quyết định mua 3 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel của Trung Quốc.

Thái Lan luôn muốn duy trì quyền kiểm soát của trung ương đối với các khu vực địa lý có sắc tộc khác nhau, muốn gắn kết dân tộc. Mỹ cũng muốn Thái Lan ổn định như là một đối tác quân sự đáng tin cậy. Đó là điểm khác biệt quyết định chiều hướng hợp tác giữa Thái Lan với hai cường quốc này.

>>> Thái Lan sẵn sàng cho các lệnh cấm thương mại của Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục