Những biện pháp của Trung Quốc chưa thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng như dự kiến

09:10' - 22/07/2024
BNEWS Những biện pháp của Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng như dự kiến dù lượng tiền gửi hộ gia đình chậm lại và các ngân hàng cắt giảm lãi suất.

Đây là dấu hiệu cho thấy người dân muốn trả nợ và mua các sản phẩm quản lý tài sản.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), các hộ gia đình Trung Quốc đã chuyển thêm 9.270 tỷ NDT (1.300 tỷ USD) vào tiền gửi tiết kiệm trong nửa đầu năm nay, giảm 22% so với một năm trước đó. Trong tháng Sáu, lượng tiền gửi bằng đồng NDT của hộ gia đình đã tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn gần mức thấp nhất trong ít nhất ba năm.

Số liệu trong tuần này cho thấy trong khi người dân Trung Quốc gửi ít tiền tiết kiệm hơn vào các ngân hàng, điều này không dẫn đến mức tiêu dùng cao hơn.

Trong tháng Sáu, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 2% so với một năm trước, chậm hơn dự kiến và là mức tăng trưởng yếu nhất trong 18 tháng, do sức ép giảm phát buộc các doanh nghiệp phải giảm giá nhiều mặt hàng từ ô tô đến quần áo. Các nhà phân tích nhận định nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kích thích tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đến nay vẫn chưa đủ để khuyến khích những người tiết kiệm tại Trung Quốc vung tiền mua sắm tại các cửa hàng.

Việc cắt giảm lãi suất tiền gửi nhằm khuyến khích chi tiêu và vay mượn đang chuyển hướng tiết kiệm của hộ gia đình và doanh nghiệp sang các sản phẩm quản lý tài sản như trái phiếu.

Các nhà phân tích cho biết, chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc đang chững lại khi các hộ gia đình trở nên thận trọng hơn do giá bất động sản giảm, công việc không ổn định và nợ cao.

Tình trạng trên đã góp phần khiến mức tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại còn 4,7% trong quý II/2024, thấp hơn mức tăng 5,3% trong ba tháng đầu năm và là mức yếu nhất kể từ quý I/2023.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Maybank cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần giải quyết các nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi e ngại rủi ro của người tiêu dùng và khuyến khích họ chi tiêu. Điều này đòi hỏi các giải pháp cơ cấu để giải quyết những vấn đề cơ bản như bất động sản sụt giảm kéo dài, thị trường việc làm mong manh và gánh nặng nợ nần tăng cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục