Những đánh giá trái chiều về kết quả vòng 3 tái đàm phán NAFTA

07:02' - 05/10/2017
BNEWS Dư luận tại Canada có nhiều đánh giá trái chiều về kết quả vòng 3 tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) diễn ra ở thủ đô Ottawa của Canada từ ngày 23 - 27/9.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong một cuộc họp báo. Ảnh: AFP/TTXVN 

Trong tuyên bố đưa ra ngày 28/9, đảng Dân chủ mới (NDP), đảng đối lập thứ 2 trong Quốc hội, chỉ trích Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau giấu giếm kết quả thực chất của vòng đàm phán và không chia sẻ những nội dung thực sự đã được các bên thảo luận. 

Nghị sĩ NDP Tracey Ramsey, trong vai trò là người phản biện chính sách thương mại quốc tế tại Hạ viện, cho biết đảng NDP không chấp nhận bản tuyên bố chung của hội nghị và cũng không ghi nhận những phát biểu chung chung của giới chức đàm phán về những gì đã diễn ra.

Cũng theo nghị sĩ Ramsey, trong buổi họp báo sau khi kết thúc vòng 3 tái đàm phán NAFTA, Ngoại trưởng Freeland đã lảng tránh nhiều câu hỏi liên quan đến thái độ sẵn sàng của Mỹ và Mexico trong việc nâng các tiêu chuẩn lao động. 

Bà Freeland cũng từ chối trả lời câu hỏi về những đe doạ rút khỏi NAFTA của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hay về thái độ đàm phán thiếu nhiệt tình của phái đoàn Mỹ. 

Trong khi đó, trước các quyết định của Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng lên gỗ xẻ và máy bay của tập đoàn Bombardier, người đứng đầu ngành ngoại giao lại có xu hướng “bảo vệ” nước láng giềng khi cho rằng đây là hành động thường lệ và quen thuộc của Bộ Thương mại Mỹ. 

Dân biểu Ramsey cho rằng những tuyên bố của bà Freeland là “không thể chấp nhận” và “rất đáng quan ngại” đối với người lao động Canada.

Cùng ngày, trang “Globe and Mail” đăng bài viết của hai tác giả Adrian Morrow và Nicolas Van Praet cho rằng quyết định của Mỹ áp thuế chống bán phá giá 220% đối với dòng máy bay dân dụng CSerries của tập đoàn Bombardier (Canada) sẽ làm gia tăng căng thẳng trong các cuộc tái đàm phán NAFTA, đồng thời đe doạ thổi phồng cuộc chiến thương mại giữa hai nước. 

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, đó mới chỉ là các biện pháp đối kháng ban đầu. Quyết định chính thức sẽ được đưa ra vào ngày 12/12 tới.

Việc Mỹ chọn thời điểm công bố quyết định trên cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi. Quyết định được đưa ra chiều 26/9, chỉ vài giờ trước khi Ngoại trưởng Freeland có buổi tiếp Đại diện Thương mại Mỹ Robert E.Lighthizer và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarrea trong bối cảnh vòng 3 tái đàm phán NAFTA chỉ còn ngày làm việc cuối cùng ở cấp bộ trưởng.

Điều này đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ của chính quyền Trump về tranh chấp thương mại, đồng thời củng cố những đồn đoán lâu nay về việc Washington có thể không thực sự muốn giữ NAFTA. 

Không chỉ bất thường về thời điểm công bố, việc Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế đối kháng lên tới 220%, thay vì 80% theo đề nghị của Boeing, cũng là một yếu tố cần xem xét. Phía Mỹ cáo buộc Bombardier nhận trợ cấp không công bằng từ Chính phủ Canada, Anh và chính quyền tỉnh Quebec.

Theo đánh giá của hai tác giả Adrian Morrow và Nicolas Van Praet, động thái này sẽ trao thêm đòn bẩy cho Mỹ trên bàn đàm phán NAFTA. 

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nó cũng sẽ khiến Canada càng có thêm quyết tâm bảo vệ Chương 19 về cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại. Ở góc độ hẹp hơn, đây có thể là cách thức để Mỹ gây áp lực lên Canada, buộc đối tác phải chấp thuận giới hạn khả năng cạnh tranh của Bombardier.

Trong tuyên bố hôm 27/9, Ngoại trưởng Freeland khẳng định đã đề cập đến cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer khi hai bên thảo luận về NAFTA. 

Ngoài ra, bà cũng đã vài lần trao đổi với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và nói chuyện với Chủ tịch Boeing Marc Allen ở New York hồi tuần trước. Bà Freeland cho rằng với một chính quyền theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và công khai nói về chính sách “Nước Mỹ trên hết” như chính quyền Trump, Canada sẽ “giải quyết trực tiếp theo từng vấn đề”.

 Tuy nhiên, hiện chưa rõ cách thức giải quyết mà bà Freeland đề cập có bao gồm việc Canada sẽ đưa ra quan điểm cứng rắn hơn trong tái đàm phán NAFTA, nhất là việc bảo vệ cơ chế giải quyết tranh chấp quy định tại Chương 19. Cơ chế này cho phép Canada kiện quyết định áp thuế của Mỹ đối với Bombardier./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục