Những hậu quả kinh tế của xung đột Israel-Hamas đối với khu vực

06:30' - 01/12/2023
BNEWS Xung đột Israel-Hamas sẽ để lại hậu quả lâu dài. Chi phí tái thiết Gaza có thể lên tới 50 tỷ USD, trong khi nhu cầu nhân đạo của người dân Gaza có thể sẽ lên tới 1,2 tỷ USD vào cuối năm nay.

Báo Arab News của Saudi Arabia vừa đăng bài viết đánh giá về những hậu quả kinh tế của cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Theo nội dung bài viết, cuộc xung đột ở Gaza đã có những tác động kinh tế to lớn xét trên cả bình diện khu vực và quốc tế, và trong bất kỳ viễn cảnh nào, người dân Gaza sẽ chịu tổn thất lớn nhất.

Bẩy tuần kể từ khi xung đột ở Gaza bắt đầu nổ ra, cái giá phải trả về mặt kinh tế ngày càng trở nên rõ ràng và khiến những người ra quyết định khó có thể biện minh. Tác động không chỉ được cảm nhận ở Israel và Palestine, mà còn ở các nước láng giềng của Ai Cập như Jordan và Lebanon. Những quốc gia này đang đối mặt với sự suy giảm trong các lĩnh vực du lịch và khí đốt tự nhiên.

Giá dầu đã tăng do sự bất ổn rộng lớn hơn của cuộc xung đột, trong bối cảnh kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô hiện nay cũng đang khiến các nền kinh tế khác trong khu vực chịu áp lực đáng kể.

Đồng shekel của Israel đã chạm mức thấp nhất trong 8 năm so với đồng USD vào tháng 10/2023. Hôm 9/10, Ngân hàng Trung ương Israel được cho là đã thông báo bán lượng dự trữ ngoại hối trị giá tới 30 tỷ USD để ổn định giá trị đồng nội tệ đang ngày một lao dốc.

Nền kinh tế của Israel đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Theo một số báo cáo, 1/3 số doanh nghiệp ở Israel thông báo lỗ hoặc đóng cửa hoàn toàn.

 

Mặc dù Chính phủ Israel mong muốn phát triển nước này thành một điểm đến quốc tế, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột. Trong khi đó, việc mỏ khí đốt ngoài khơi Tamar của Israel bị đóng cửa tạm thời đồng nghĩa với việc nước này mất thêm nguồn thu xuất khẩu khí đốt.

Những hậu quả kinh tế của cuộc xung đột cũng được cảm nhận rõ nét ở Ai Cập, quốc gia duy nhất ngoài Israel giáp biên giới Dải Gaza. Đáng chú ý nhất là việc tạm thời đóng cửa mỏ khí đốt Tamar đã làm giảm nghiêm trọng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Ai Cập giữa lúc nền kinh tế của quốc gia Bắc Phi này đang đối mặt với nhiều vấn đề.

Ai Cập phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Israel để hóa lỏng theo một thỏa thuận đạt được vào năm 2022 bên lề Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải. Sau khi lưu trữ một phần khí hóa lỏng để sử dụng trong nước, Ai Cập xuất khẩu phần còn lại sang các thị trường quốc tế.

Do đó, việc đóng cửa mỏ khí Tamar ảnh hưởng đến cả nguồn cung cho thị trường nội địa và doanh thu xuất khẩu của Ai Cập cũng như khả năng phát điện của nước này giữa lúc người dân Ai Cập đang phải đối mặt với tình trạng cắt điện kéo dài.

Trong bối cảnh hoạt động du lịch ở Bán đảo Sinai đã suy giảm mạnh do làn sóng tấn công khủng bố trong những năm gần đây, Sinai đã chứng kiến lượng đặt phòng của khách du lịch quốc tế muốn tránh cái lạnh mùa Đông tiếp tục giảm sút.

Do giáp biên giới với Gaza, vấn đề an ninh ở Bán đảo Sinai của Ai Cập phần nào đã bị ảnh hưởng. Mối lo ngại về an ninh đã khiến hoạt động du lịch tại các khu nghỉ dưỡng ở Biển Đỏ của Ai Cập sụt giảm 80%. Nền kinh tế Ai Cập hiện đang trong tình trạng rất bấp bênh giữa lúc cuộc bầu cử Tổng thống ở nước này dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2023.

Đối với Dải Gaza, chi phí tái thiết dải đất ven Địa Trung Hải này là không thể đo lường được. Theo ước tính của giới chuyên gia, chi phí cho công cuộc tái thiết Gaza có thể lên tới 50 tỷ USD. Liên hợp quốc (LHQ) nhận định nhu cầu nhân đạo của người dân Gaza có thể sẽ lên tới 1,2 tỷ USD vào cuối năm nay. Cuộc xung đột Israel-Hamas sẽ để lại hậu quả lâu dài đối với Gaza, cùng với tác động tiêu cực đối với các nền kinh tế khu vực.

Mặc dù giá dầu dễ bị biến động trước các xung đột khu vực và toàn cầu, nhưng cuộc xung đột hiện nay ở Gaza là cơ sở để Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện để giữ giá dầu ở mức cao.

Cuộc xung đột ở Gaza cũng đã làm nổi bật các mối quan hệ đối tác kinh tế toàn cầu quan trọng như Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở New Delhi (Ấn Độ) hồi tháng 9/2023.

Hành lang kinh tế này sẽ tạo ra một tuyến thương mại kết nối Ấn Độ với châu Âu qua khu vực Trung Đông, bao gồm cả Israel. Tuy nhiên, tình trạng leo thang xung đột ở Gaza kể từ ngày 7/10 đã nêu bật mối nguy đối với nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng như vậy.

Khi cuộc xung đột kéo dài và tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại hơn nữa, yếu tố duy nhất khiến nó kết thúc sẽ là chi phí cho Israel và bất kỳ đòn bẩy nào mà OPEC+ có thể sử dụng để ứng xử với Mỹ bằng cách giữ giá dầu ở mức cao.

Trong bất kỳ viễn cảnh nào, người dân Gaza sẽ vẫn phải trả giá cao nhất.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục