Những hoài nghi về số liệu kinh tế của Trung Quốc

11:39' - 27/10/2015
BNEWS Hãng tin Reuters (Anh) mới đây có bài phân tích về kinh tế Trung Quốc, đề cập đến sự hoài nghi của các chuyên gia về độ chính xác của các số liệu mà Bắc Kinh đưa ra.

Nhiều chuyên gia kinh tế phương Tây bày tỏ sự hoài nghi trước những số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố, theo đó, GDP quý III/2015 của cường quốc này tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tại một hội nghị mang tên Word Commodities Week diễn ra ở London trong tuần trước, các nhà quan sát đều đánh giá nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng trong khoảng 5-6%, và số liệu chính thức có "màu sắc chính trị" hơn là phản ánh thực trạng nền kinh tế.

Các chuyên gia phương Tây hoài nghi về số liệu kinh tế chính thức của Trung Quốc. Ảnh: BNEWS.

Trên thực tế, các chuyên gia phân tích theo dõi thị trường hàng hóa Trung Quốc đã quá quen với những số liệu thống kê chính thức còn mơ hồ, thiếu minh bạch.

Ví dụ, số liệu của NBS cho hay sản lượng khai thác quặng sắt của Trung Quốc trong chín tháng đầu năm nay đã giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1,02 tỷ tấn, trong khi sản lượng thép giảm 2,14% xuống 608,9 triệu tấn.

Trong khi đó, theo số liệu hải quan, nhập khẩu quặng sắt trong cùng kỳ không thay đổi so với năm ngoái, ở mức 699 triệu tấn. Như vậy, thật khó để hợp nhất các số liệu nhập khẩu quặng sắt, sản lượng khai thác quặng nội địa và tình hình sản xuất thép của nước này.

Tất nhiên, còn nhiều yếu tố chưa được thể hiện đầy đủ trong thống kê chung, song nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác cũng gặp phải tình trạng các số liệu của Bắc Kinh đưa ra hiếm khi ăn khớp.

Ảnh minh họa. Ảnh: BNEWS.

Theo tác giả bài viết, bên cạnh yếu tố chính trị có liên quan, việc thống kê không chính xác có thể xuất phát từ những vấn đề nảy sinh trong công tác thu thập số liệu xuyên suốt nền kinh tế khổng lồ, và bên cung cấp số liệu không trung thực về tình hình thực tế. Điều này khiến các số liệu chính phủ công bố chỉ thể hiện được xu hướng chung, thay vì đánh giá chính xác một hoạt động kinh tế.

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc vẫn bày tỏ sự lạc quan về tình hình kinh tế quốc gia và tìm cách xua tan những lo ngại về thực trạng kinh tế nước này.

Ngày 24/10, phát biểu trước thềm Hội nghị Trung ương 5 khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc chưa bao giờ đặt mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay, và Trung Quốc nhờ vào “những tiềm năng to lớn” vẫn có thể vượt qua những thách thức đang đặt ra.

Sau nhiều thập kỷ phát triển mạnh mẽ nhờ vào đầu tư cơ sở hạ tầng, xuất khẩu và tăng cường nợ công, kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và bước vào một giai đoạn “bình thường mới” với mục tiêu đạt tăng trưởng bền vững hơn dựa vào phát triển nhu cầu nội địa.

Phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường được đưa ra ngay sau khi Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), Yi Gang, nhận định tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai sẽ vẫn tương đối nhanh, ở mức khoảng 6-7% trong 3-5 năm tới và cho rằng điều này là rất bình thường.

Chỉ một ngày trước đó, PBoC thông báo hạ lãi suất lần thứ sáu trong chưa đầy một năm, đồng thời quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng thương mại.

Hai động thái này là những nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng đang chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, một trở ngại đối với tăng trưởng của toàn cầu, và là một mối lo lớn đối với các thị trường mới nổi cũng như các nền kinh tế đầu tàu khác trên thế giới.

Mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện là mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008/09, khi tăng trưởng kinh tế năm nay có thể sụt xuống mức thấp nhất trong 25 năm là dưới 7%.

Mai Ly (Tổng hợp)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục