Những lý do khiến suy thoái kinh tế Mỹ có thể sớm xảy ra

17:41' - 03/10/2023
BNEWS Tại Mỹ, lạm phát giảm, việc làm tăng và người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu trong mùa Hè. Tuy nhiên, Bloomberg Economics cảnh báo nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ có thể sớm xảy ra.

Với cuộc đình công của người lao động ngành công nghiệp ô tô tiếp diễn, việc thanh toán nợ sinh viên được nối lại và nguy cơ đóng cửa chính phủ vẫn hiện hữu, Bloomberg nhận định ít nhất tăng trưởng GDP sẽ giảm 1 điểm phần trăm trong quý IV/2023.

*Lạc quan về khả năng "hạ cánh mềm" trước một cuộc suy thoái

Các số liệu cho thấy, sự lạc quan về nền kinh tế thường đạt đỉnh điểm ngay trước khi nền kinh tế suy thoái.

Vào tháng 10/2007, chỉ 2 tháng trước khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, Chủ tịch Fed tại San Francisco thời điểm đó, bà Janet Yellen, đã cho rằng rất có thể kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh mềm". Không chỉ có bà Yellen, người sau này trở thành Chủ tịch Fed và hiện đang là Bộ trưởng Tài chính Mỹ, tỏ ra lạc quan khi đó.

 

Trong tháng trước, bà Yellen, hiện là Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nói rằng bà có cảm nhận rất tốt về khả năng "hạ cánh mềm" của kinh tế Mỹ.

Bloomberg đã dẫn ví dụ là dự báo mới nhất của Fed cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 4,1% vào cuối năm 2023 và 4,7% vào cuối năm 2024, cho thấy nền kinh tế tránh được suy thoái.

Bloomberg nhận định tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao hơn nhiều so với dự báo hiện nay của Fed.

*Chính sách tăng lãi suất của Fed chưa tác động đầy đủ

Bloomberg nhấn mạnh chính sách tăng lãi suất của Fed sẽ tác động đầy đủ vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024, khiến thị trường chứng khoán và nhà ở đảo chiều.

Fed đã nâng lãi suất nhiều lần trong một năm rưỡi qua, lên mức cao nhất trong 22 năm nhằm hạ nhiệt lạm phát.

Ngày 2/10, Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết khả năng tiếp tục tăng lãi suất là có thể sau khi giá năng lượng tăng, nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu.

Fed cũng để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2023 và giữ mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến.

*Những đe dọa đối với nền kinh tế vẫn đang hiện hữu

Nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô Mỹ đã lần đầu tiên kêu gọi đình công tại ba tập đoàn lớn nhất của nước nước này là Ford, Stellantis, and General Motors. Tính tới cuối tuần trước, có khoảng 25.000 công nhân tham gia đình công và có thể gây ra hậu quả tồi tệ nếu kéo dài.

Trong khi vẫn còn quá sớm để xác định tác động đến nền kinh tế do cuộc đình công, các chuyên gia dự báo thiệt hại có thể là hàng tỷ USD. Trong báo cáo tháng Tám, Anderson Economic Group ước tính một cuộc đình công trong 10 ngày tại ba tập đoàn trên có thể gây thiệt hại trên 5 tỷ USD.

Năm 1998, việc 9.200 công nhân đình công trong 54 ngày tại General Motors đã khiến 150.000 người mất việc làm.

Trong khi đó, hàng triệu người Mỹ sẽ nhận hóa đơn, yêu cầu thanh toán các khoản nợ sinh viên kể từ tháng này sau khi việc đình chỉ trả nợ, kéo dài 3,5 năm do đại dịch, đã hết hạn. Việc này có thể làm giảm 0,2-0,3 điểm phần trăm tăng trưởng hàng năm trong quý IV/2023.

Chưa kể, giá dầu đã tiếp tục đạt đỉnh khi Saudi Arabia (A-rập Xê-út) và Nga cắt giảm sản lượng, tác động đến thị trường toàn cầu và giữ giá khí đốt ở gần mức cao kỷ lục hồi mùa Hè. Giá dầu tăng vọt đã ảnh hưởng đến mọi gia đình. Hiện tại, dầu đã bị đẩy lên trên 95 USD/thùng, cao hơn tới 25 USD so với đáy mùa Hè vừa qua.

Ngoài ra, một thỏa thuận vào phút chót nhằm tránh việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa tạm thời đẩy lùi rủi ro trước mắt nhưng không có nghĩa đã xóa bỏ hoàn toàn trong tương lai. Chỉ trong 45 ngày nữa, khi thỏa thuận chi tiêu tạm thời hết hiệu lực, nước Mỹ lại phải tìm ra tiếng nói chung để ngăn chặn nguy cơ này, yếu tố có thể dễ dàng làm giảm tăng trưởng GDP quý IV/2023 khoảng 1 điểm phần trăm.

Bloomberg Economics ước tính cứ mỗi tuần ngừng hoạt động sẽ làm giảm tăng trưởng GDP hàng năm của Mỹ khoảng 0,2 điểm phần trăm. Trong khi đó, chỉ phần lớn, chứ không phải tất cả, sẽ được phục hồi sau khi chính phủ mở cửa trở lại.

*Chi tiêu tiêu dùng có thể giảm

Bloomberg cho rằng các khoản tiết kiệm trong giai đoạn dịch có thể sớm cạn. Số liệu cho thấy tỷ lệ chậm thanh toán thẻ tín dụng tăng mạnh cũng như các khoản vay mua ô tô bắt đầu gia tăng.

*Việc siết tín dụng mới chỉ bắt đầu

Dựa vào khảo sát của Fed đối với những người phụ trách tín dụng của các ngân hàng, Bloomberg cho biết khoảng một nửa trong số các ngân hàng lớn và vừa đang thiết lập các tiêu chuẩn khắt khe hơn với các khoản vay trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp. Trừ giai đoạn dịch, đây là tỷ lệ cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Những tác động của việc thắt chặt tín dụng có thể bắt đầu vào quý IV/2023 và có thể làm giảm đầu tư cũng như tuyển dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục