Những nút thắt khiến "bóng ma đói" ngày càng hiện hữu

06:30' - 22/05/2022
BNEWS Báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) được công bố vào đầu tháng 5/2022 cho thấy thế giới có thêm 193 triệu người bị đe dọa thiếu ăn và gần 40 triệu người lâm vào cảnh đói kém.

Theo đó, FAO đã báo động về những hậu quả nghiêm trọng hơn nữa của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với hai vựa lương thực của nhân loại. Một số chuyên gia lo ngại về viễn cảnh cơn sốt lúa mỳ sẽ lan sang thị trường gạo thế giới.

Trong phiên giao dịch 16/5, giá lúa mỳ tăng cao kỷ lục lên ngưỡng 450 USD/tấn. Đây là hậu quả trực tiếp sau khi Ấn Độ thông báo ngừng xuất khẩu để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ nội địa cho 1,4 tỷ dân.

Là quốc gia sản xuất lúa mỳ lớn thứ hai trên thế giới, với sản lượng khoảng 110 triệu tấn một năm, nhưng cho tới nay Ấn Độ không phải nguồn cung cấp chính loại ngũ cốc này ra thế giới.

Dù vậy, tuyên bố của quốc gia Nam Á vào lúc giá lúa mỳ đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái càng “đổ thêm dầu vào lửa” và đang tạo ra một sự hoảng loạn trên thị trường nông phẩm quốc tế.

Đó là một thị trường đang đứng trước ít nhất ba thách thức, bao gồm dư âm từ cuộc khủng hoảng y tế COVID-19, tình trạng hạn hán tại châu Âu và châu Mỹ - hai nguồn cung ứng quan trọng trên thế giới, và căng thẳng Nga-Ukraine khiến hai vựa lương thực của nhân loại rơi vào vòng xoáy khủng hoảng.

Cơn sốt lúa mỳ vì xung đột Ukraine

Việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đang đe dọa an ninh lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới, bởi hai quốc gia này là nguồn xuất khẩu 30% lúa mỳ, 20% ngô và lúa mạch, cung cấp đến 80% dầu ăn cho thế giới.

Nếu Ukraine được mệnh danh là “kho lương thực của châu Âu” thì Nga là “ông vua” trong ngành phân bón. Những căng thẳng tại Ukraine đã lan sang cả Brazil, nơi mà các nhà sản xuất đang lo thiếu phân bón cho các vụ cây trồng năm nay.

Trên đài truyền hình Pháp France 24, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Pháp triển Kinh tế (OECD) bà Laurence Boone, cảnh báo: “Những thông tin gần đây nhất là không sáng sủa chút nào. Đầu tiên là về mặt nhân đạo, nhưng sau đó là giá cả nguyên liệu bị đẩy lên cao khiến từ các mặt hàng từ nông phẩm đến khoáng sản cần thiết trong chuỗi sản xuất đều tăng giá và châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương”.

Từ cuối tháng 2/2022, 20 triệu tấn ngũ cốc, ngô và lúa mỳ của Ukraine bị “kẹt” ở vùng biển Azov. Là nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ ba, chiếm đến 12% thị phần quốc tế nhưng vì căng thẳng địa chính trị, sản lượng thu hoạch trong năm nay của Ukraine dự báo sụt giảm tối thiểu là 1/3. 

Một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ lo ngại Ukraine mất đi ít nhất 10 triệu tấn lúa mỳ trong vụ thu hoạch năm 2022. Với hơn 4 triệu người dân phải di cư, ngành nông nghiệp Ukraine mất đi lực lượng lao động quý giá.

Còn theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng Kinh tế và Thông tin Quốc tế Pháp (CEPII), với hơn 41 triệu ha đất canh tác, Ukraine là một trong 5 nhà sản xuất và xuất khẩu của thế giới, 75% lượng lúa mỳ thu hoạch hàng năm của nước này là dành để xuất khẩu. Do đó, cũng là dễ hiểu là nếu như cuộc xung đột lấy đi 1/3 sản lượng của Ukraine.

Kinh tế gia Marine Raffray, chuyên nghiên cứu về thị trường lương thực, thực phẩm thuộc Phòng Nông nghiệp Pháp, phác họa một toàn cảnh không mấy khả quan: “FAO đã nêu bật những dự báo rất đáng lo ngại, đó là giá lương thực, thực phẩm có thể tăng từ 8-20% do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Chúng ta vừa trải qua đại dịch COVID-19 khiến giá nhu yếu phẩm tăng vọt, chẳng hạn như giá ngũ cốc và dầu ăn. Bên cạnh đó, giá phân bón cũng đã tăng rất cao trong thời gian gần đây, mà để trồng trọt thì các nông gia cần mua phân bón. Giá phân bón tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước căng thẳng Nga-Ukraine”.

"Nút thắt" ở Biển Đen

Thế giới đang đứng trước một nghịch lý. Vì cuộc xung đột, hàng chục triệu tấn nông phẩm bị kẹt ở Biển Đen, giữa lúc một phần dân số trên địa cầu không được đủ đáp ứng đủ nhu cầu ngày hai bữa.

Marine Raffray thuộc Phòng Nông nghiệp Pháp nhấn mạnh đến khâu chuyên chở ngũ cốc, dầu ăn của Ukraine đến tay người tiêu dùng: “Hiện tại, các cảng của Ukraine, cửa ngõ xuất khẩu ngũ cốc của nước này, đã ngưng hoạt động vì cuộc xung đột… Về phía Nga, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn vì những bất ổn mang tính quân sự tại Biển Đen. Lúa mỳ, ngũ cốc của Nga không thể đến tay khách hàng. Những quốc gia bị thiệt hại nhất gồm các nước trong vùng Bắc Phi, Trung Đông, đặc biệt là trường hợp của Ai Cập”.

Một nguồn cung cấp lớn khác của thế giới là Nga thì cũng bị tê liệt. Xuất khẩu của Nga bị kẹt ở Biển Đen, kèm theo đó là tác động từ các đợt trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này.

Để đề phòng bị cấm nhập khẩu lương thực, thực phẩm hay mất khả năng thanh toán bằng USD và euro, ngày 15/3/2022 Nga đã yêu cầu ngừng xuất khẩu ngũ cốc cho 4 nước láng giềng lân cận là Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Đó là dấu hiệu cho thấy Nga lo ngại không có đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu nội địa và khủng hoảng lương thực đang đe dọa chính nước Nga.

Nạn đói đe dọa từ Ai Cập đến Indonesia và có thể là cả Ấn Độ

Dù vậy, tình hình nguy cấp nhất đang diễn ra ngoài lãnh thổ Nga. Đối với một phần dân số trên thế giới, bài toán khó là làm thế nào để bảo đảm ngày hai bữa khi mà giá của những nhu yếu phẩm thiết thực nhất như lúa mỳ đã tăng 30% trong vòng một năm, giá dầu ăn tăng 23%, tương tự là đường, sữa…

Ngân hàng Thế giới (WB) trong khóa họp mùa Xuân năm 2022 đã cảnh báo rằng nếu giá lương thực tăng 30% số người đói tại Ai Cập tăng thêm 12%.

Năm ngoái, Nga và Ukraine là nguồn cung cấp đến 70% nhu cầu tiêu thụ lúa mỳ - nông phẩm chính - đối với hơn 105 triệu dân Ai Cập, theo thống kê của FAO. Nhưng giờ đây Cairo không thể trông cậy vào hai nhà cung cấp này.

Nguy cơ đói kém dẫn đến bất ổn xã hội là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Tại Iran, chính phủ một mặt ban hành thêm các biện pháp trợ giá, mặt khác lại tăng cường an ninh, dập tắt mọi cuộc xuống đường, chống vật giá leo thang.

Theo bà Marine Raffray của Phòng Nông nghiệp Pháp, cơn sốt nông phẩm không có dấu hiệu thuyên giảm. Bà nói: “Lo ngại càng lúc càng lớn bởi nếu lúa mỳ tăng giá hơn 30% so với một năm trước giá sẽ còn tiếp tục bị đẩy lên cao hơn nữa. Tương tự như vậy, tất cả các nguyên liệu chính của giới nhà nông cũng tăng giá đến chóng mặt. Tôi muốn nói đến phân bón, thuốc trừ sâu hay xăng dầu cho máy cày”.  

Đây là một bài toán không đơn giản đối với các nhà trồng trọt của Pháp, như ông Thierry Bailler trình bày trên đài truyền hình France 24: “Tình hình đáng lo ngại, vì giá cả có chiều hướng thay đổi nhiều hơn nữa, với nhiều yếu tố ngày càng phức tạp. Ukraine và Nga không sản xuất được có thể là một cơ hội cho các nông dân Pháp… nhưng đổi lại  từ phân bón, hạt giống đến xăng dầu… cái gì cũng lên giá. Giá phân bón đã tăng gấp đôi, gấp ba so với trước. Đối với giới chăn nuôi, đời sống cũng chật vật không kém. Mọi việc khó khăn hơn nhiều so với một năm bình thường”.   

Cấm xuất khẩu nông phẩm: Ấn Độ - Indonesia "đổ thêm dầu vào lửa"

Giữa lúc thị trường nông phẩm thế giới đã rất căng hai quốc gia châu Á đã quyết định tạm ngừng xuất khẩu, thu hẹp thêm mức cung so với cầu.

Tháng trước, Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ để đẩy lùi lạm phát trong nước. Là nguồn sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, chiếm đến 60% thị trường quốc tế, nhưng Indonesia lại nhập khẩu đến 100% nhu cầu lúa mỳ và 50% đậu tương và 60% năng lượng hóa thạch.

Điều này khiến cán cân thương mại của quốc gia Đông Nam Á này không ngừng sa sút, dự trữ ngoại hối hao mòn trong lúc lạm phát gia tăng, bất mãn trong xã hội qua đó tăng theo.

Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi có cùng mối lo. Cuối tuần trước, nước này bất ngờ thông báo ngừng xuất khẩu lúa mỳ, khiến thế giới mất thêm một nguồn cung ứng từ 7 đến 10 triệu tấn trong năm nay.

Thực ra, Ấn Độ tuy là một nhà sản xuất lớn, nhưng chủ yếu là để bảo đảm nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng đồng quốc tế trông chờ vào sản lượng của Ấn Độ để lấp đi một phần chỗ trống mà Ukraine để lại.

Mặc dù vậy, ưu tiên của Thủ tướng Modi là kiềm toả lạm phát và bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới.

Trên đài truyền hình France 24, chuyên gia kinh tế trưởng OECD Laurence Boone lo ngại những tính toán này sẽ đẩy một phần nhân loại đến khủng hoảng lương thực và nạn đói càng có nguy cơ hoành hành: “Bắc Phi và Trung Đông lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mỳ của Nga và Ukraine. Đương nhiên các nhà sản xuất khác trên thế giới có thể tăng diện tích trồng trọt lấp vào phần nào chỗ trống mà Nga và Ukraine để lại như dỡ bỏ một số quy định về luật canh tác để gia tăng sản xuất. Ngoài ra cũng cần chú trọng đến khâu vận chuyển lương thực, thực phẩm. Sau cùng, điểm quan trọng nhất là các nhà sản xuất tránh phản xạ ích kỷ, ngừng xuất khẩu để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ nội địa trước đã. Thái độ ích kỷ đó đe dọa đẩy một phần nhân loại vào cảnh đói kém”.

Giới chuyên gia quốc tế chú ý nhiều đến giá lúa mỳ, riêng bà Marine Raffray trên đài RFI lưu ý vào lúc giá lúa mỳ tăng quá cao, một số quốc gia đã tính đến khả năng thay thế lúa mỳ bằng gạo. Theo chuyên gia này, thị trường bắt đầu để ý nhiều hơn đến gạo. Đây là một thị trường ổn định, miễn là không bị thiên tai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục